Chưa có giáo viên tích hợp thì 2-3 thầy cô dạy 1 môn là hợp lý

24/03/2021 07:05
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng ta chưa có giáo viên đào tạo bài bản về chương trình tích hợp, vì vậy, trước mắt vẫn cần nhiều giáo viên phụ trách một môn học trong chương trình mới.

Năm học 2021 - 2022, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai ở lớp 2 và lớp 6.

Theo đó, đối với chương trình lớp 6, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học sẽ được thay bằng môn Khoa học tự nhiên, hai môn Lịch sử, Địa lý sẽ được thay bằng môn Lịch sử và Địa lý.

Điều này khiến các thầy cô đặt ra băn khoăn, lo lắng việc nhiều giáo viên phải cùng phụ trách dạy một môn học, triển khai kế hoạch dạy học, đánh giá và cho điểm học sinh sẽ được thực hiện như thế nào?

Phân công giáo viên phụ trách chính, đánh giá học sinh theo năng lực

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc giảng dạy môn học tích hợp trong chương trình lớp 6 mới, Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Tiểu học - Trung học cơ sở -Trung học phổ thông Anh Quốc (UKA Bình Thạnh - Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Các thầy cô cần bình tĩnh, không nên có tâm lý hoang mang, lo lắng mà cần tập trung nghiên cứu chương trình, tham gia tập huấn đầy đủ, bắt tay vào xây dựng kế hoạch dạy học để thực hiện chương trình mới đạt kết quả tốt nhất.

Theo thầy Huỳnh Văn Tiết, việc 2 - 3 giáo viên cùng dạy một bộ môn đối với môn Khoa học Tự nhiên và môn Lịch sử và Địa lý là là giải phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, khi các giáo viên chưa được đào tạo về dạy học tích hợp.

Đổi mới là một quá trình, trong thời gian đầu sẽ không tránh khỏi những khó khăn, nhưng quan trọng là tìm giải pháp để tháo gỡ từng khó khăn đó.

Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết cho rằng, nhiều giáo viên dạy một môn học tích hợp là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết cho rằng, nhiều giáo viên dạy một môn học tích hợp là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Chia sẻ về kế hoạch dạy học môn học tích hợp trong năm học 2021 - 2022, thầy Tiết cho biết: "Dạy học tích hợp là xây dựng theo từng chủ đề. Tương ứng với mỗi chủ đề sẽ có nội dung trọng tâm thuộc về một môn học.

Giáo viên bộ môn trọng tâm trong mỗi chủ đề sẽ phụ trách chính cho chủ đề đó. Đồng thời, các giáo viên khác sẽ cùng hỗ trợ thực hiện xây dựng kế hoạch dạy học cùng giáo viên phụ trách chính.

Đối với việc kiểm tra, đánh giá học sinh cũng được phân công tương tự. Ví dụ, với chủ đề trong môn Khoa học Tự nhiên là "Năng lượng và sự biến đổi", Vật lý là môn trọng tâm, giáo viên môn Vật lý được phân công phụ trách chính cho chủ đề này. Giáo viên này cũng chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh.

Khi sang chủ đề mới mà nội dung trọng tâm thiên về môn Sinh học hay Hóa học cũng sẽ phân công tương tự.

"Dạy học tích hợp sẽ giúp quá trình đánh giá dễ dàng hơn vì thầy cô đánh giá học sinh theo năng lực, quá trình học đến giai đoạn nào thì chúng ta đánh giá mức độ năng lực của học sinh đến giai đoạn đó.

Tương ứng với mỗi chủ đề cần đặt ra những năng lực cụ thể học sinh cần đạt. Đó cũng chính là cơ sở cho việc đánh giá học sinh.

Nhà trường cần xây dựng các bộ đề khảo thí với mục tiêu chương trình theo từng chủ đề và mức năng lực cần đạt được của học sinh.

Khi đã xác định trọng tâm chủ đề thuộc môn học nào và có kế hoạch dạy học rõ ràng, nêu ra được tiêu chí, câu hỏi, ma trận đề thi thì việc chấm thi cũng không còn là vấn đề khó khăn với bất cứ giáo viên nào", Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết nhấn mạnh.

Tích hợp là xu hướng của nền giáo dục hiện đại

Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết cho hay, tích hợp là xu hướng của giáo dục hiện nay. Điều này bắt buộc các thầy cô ngồi lại với nhau, cùng xây dựng kế hoạch dạy học cho một chủ đề chung.

Muốn dạy những môn học mới hiệu quả, công tác sinh hoạt chuyên môn theo tổ, nhóm trong trường cần được đẩy mạnh và cần có định hướng của Ban giám hiệu nhà trường.

Quá trình cùng nghiên cứu, phân công, hỗ trợ công việc cũng chính là cơ hội để giáo viên học tập, tìm hiểu sâu hơn về chuyên môn của mình.

Đối với học sinh, tích hợp chính là cơ hội để vận dụng kiến thức giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Bởi lẽ đa số các vấn đề thực tế nếu chỉ vận dụng kiến thức đơn môn sẽ không thể giải quyết được. So với chương trình cũ, dạy học tích hợp, các em được trải nghiệm và thực hành nhiều hơn.

Dạy học tích hợp là xu hướng mới của nền giáo dục hiện đại, đặt ra những yêu cầu mới với giáo viên (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Dạy học tích hợp là xu hướng mới của nền giáo dục hiện đại, đặt ra những yêu cầu mới với giáo viên (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Giáo viên có vai trò quan trọng trong việc thực hiện dạy môn tích hợp theo chương trình giáo dục mới. Thạc sĩ Huỳnh Văn Tiết nêu ra ba yêu cầu quan trọng đối với giáo viên.

Đầu tiên, giáo viên cần tham gia tập huấn đầy đủ các chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như của các ban, ngành.

"Để chuẩn bị thực hiện chương trình mới đối với lớp 2 và lớp 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chương trình bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ nhà trường, giáo viên.

Các thầy cô đang được tập huấn cuốn chiếu nên tập trung tham gia tập huấn đầy đủ, tránh để tâm lý lo lắng làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận chương trình", thầy Tiết nhấn mạnh..

Bên cạnh đó, giáo viên cần đầu tư nghiên cứu chương trình cũng như xây dựng những kế hoạch dạy học cụ thể.

Sự chủ động của giáo viên là yếu tố quan trọng. Để hiểu hơn về dạy học tích hợp, giáo viên cần đầu tư thời gian, công sức để tìm hiểu, tham khảo những kho học liệu từ các nguồn khác nhau. Ví dụ tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo, dạy học tích cực,... để có định hướng và kế hoạch xây dựng kế hoạch dạy học.

Cuối cùng, giáo viên cần trau dồi kỹ năng,học các phương pháp dạy học tích cực để hỗ trợ quá trình thực hiện chương trình tích hợp mới hiện nay.

"Các xu hướng như dạy học dự án, dạy học trải nghiệm đã được triển khai ở nhiều cơ sở giáo dục trong những năm qua là những phương pháp gắn liền với tích hợp. Nếu thầy cô chủ động tìm hiểu, ứng dụng những phương pháp này thì sẽ tự xây dựng được phương pháp dạy học hiệu quả khi triển khai chương trình mới", thầy Tiết khẳng định.

Chia sẻ về môn học tích hợp sẽ được triển khai trong chương trình mới, thầy Hoàng Mạnh Hà, Phó Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thăng Long (Ba Đình - Hà Nội) cho biết: "Trước đây, các trường sư phạm thường đào tạo giáo viên đơn môn hoặc hai môn, tuy nhiên, không phải là hai môn tích hợp trong chương trình mới. Mặt khác, giáo viên cũng thường chỉ dạy chuyên sâu vào một môn.

Vấn đề khó khăn khi giáo viên dạy tích hợp đó là có những nội dung không thuộc chuyên môn được đào tạo, khó khăn về phương pháp dạy học của môn tích hợp, việc đổi mới phương pháp dạy học từ truyền thụ kiến thức sang dạy học sinh phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh,...

Trước những khó khăn đó, mỗi trường cần đặt ra những yêu cầu để thực hiện kế hoạch dạy học cụ thể.

Thứ nhất, trường học cần bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ hai, cán bộ quản lý, giáo viên phải tham gia các buổi bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn của các cấp quản lý giáo dục. Đặc biệt, tự bồi dưỡng là yếu tố quan trọng nhất.

Thứ ba, nhà trường cần đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn, lập các nhóm giáo viên theo môn tích hợp, ví dụ nhóm giáo viên Lịch sử và Địa lý, nhóm giáo viên Khoa học Tự nhiên để sinh hoạt chuyên môn, trao đổi, phân công dạy học và rút kinh nghiệm cho nhau.

Thầy Mạnh Hà cũng khẳng định, việc dạy tích hợp trong thời gian trước mắt vẫn phải giao cho 2 - 3 giáo viên của môn tích hợp phụ trách để đảm bảo chất lượng chuyên môn.

Phạm Minh