Chủ trương xã hội hóa GD đang bị rào cản bởi "nhóm lợi ích công lập"?*

21/08/2013 07:00
TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Trong quy hoạch mới (Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg) tiêu chí này bị loại bỏ, điều này cho thấy chủ trương xã hội hóa giáo dục đang gặp những rào cản mà nguyên nhân chính là “nhóm lợi ích công lập”. Một số chủ trương, chính sách ban hành tạo điều kiện cho các trường công chiếm hết thị phần của trường tư, chẳng hạn thông tư 57 (TT-57-BGDĐT).
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg, đặt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 70-80% số sinh viên được đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng; 20-30% số sinh viên được đào tạo theo các chương trình nghiên cứu; 30 đến 40% số sinh viên học tại các cơ sở giáo dục đại học tư thục. Sau mấy năm với nhiều chỉ thị từ Chính phủ, ngày 26/6/2013 bản quy hoạch bổ xung mới được hoàn thiện và công bố (Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg). Tuy nhiên tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào trung tuần tháng 6/2013, ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng trao đổi với báo chí: “Lâu nay dư luận luôn đặt câu hỏi, vì sao trường ĐH thành lập ồ ạt và theo quy định, sau 3 năm kể từ năm 2010, các cơ sở GDĐH nếu vẫn chưa có cơ sở riêng thì phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ hoặc giải thể. Nhưng đến nay, sau nhiều đợt thanh tra, Bộ GD&ĐT vẫn chưa đưa ra danh sách các trường dự kiến phải giải thể”. [1] Trong bài “Hoa thơm, mỗi bộ ngành hưởng một tí” [2], người viết đã nêu hiện trạng về sự manh mún trong quản lý giáo dục đại học nước nhà. Để có cái nhìn đa chiều, cần bổ xung một cách tiếp cận khác – đó là quy hoạch mạng lưới trường ĐH-CĐ toàn quốc. Bài viết này dựa trên số liệu chính thức của Bộ GD&ĐT công bố trong công văn số 2812, [3], và số liệu thống kê năm 2012. [4] Số liệu về dân số lấy của năm 2009 có thể co đôi chút lạc hậu.  Biểu đồ trên hình 1 (Bấm vào đây để xem biểu đồ) là sự phân bổ các trường ĐH-CĐ trên 63 tỉnh, thành phố cả nước (gộp cả trường công lập và ngoài công lập). Phân tích dữ liệu mà Bộ GD&ĐT công bố trong công văn số 2812 cho thấy có 2 tỉnh thuộc diện trắng không có một trường ĐH-CĐ nào là Đắk Nông, Hà Giang, 11 tỉnh chỉ có một trường cao đẳng là An Giang, Bắc Cạn, Bạc Liêu, Bến Tre, Cao Bằng, Gia Lai, Lai Châu, Ninh Thuận, Quảng Trị, Tây Ninh, Tuyên Quang, riêng Quảng Bình chỉ có một trường đại học. Một sự trùng hợp là số tỉnh có từ 8 trường ĐH-CĐ trở lên cũng là con số 11 gồm: Bắc Ninh (8), Cần Thơ (8), Hải Phòng (8), Hưng Yên (8), Quảng Nam (8), Nghệ An (9), Thừa Thiên Huế (12), Thái Nguyên (16), Đà Nẵng (23), T.p Hồ Chí Minh (66), Hà Nội (95). Phân tích kỹ hơn một chút sẽ thấy khu vực Việt Bắc: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang và khu vực tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị rơi vào nhóm “đội sổ” về số trường ĐH-CĐ. Hai tỉnh Đắc Nông và Hà Giang thậm chí một trường cao đẳng sư phạm đào tạo giáo viên phổ thông cơ sở cũng không có? Nhóm tỉnh chỉ có 1 trường cao đẳng (nhóm 1) có tổng diện tích là 63.710 km2 với dân số gần 10 triệu người, còn nhóm có nhiều trường (nhóm 2) có tổng diện tích là 43.375 km2, dân số  hơn 27 triệu người có tới  261 trường ĐH-CĐ. Xét về mật độ dân số nhóm 2 gấp 2,7 lần nhóm 1 nhưng số trường lại gấp gần 24 lần nhóm 1. Nhìn vào sự phân bố các trường theo địa danh, người viết chợt liên tưởng đến âm hưởng câu quan họ Bắc Ninh “người ơi, nghèo lắm… em chào”. Vành đai trắng về Đại học ở những mảnh đất vốn là cội nguồn cách mạng, nơi đầu sóng ngọn gió trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho thấy sự không công bằng trong giáo dục, đào tạo, cũng vì thế khẩu hiệu  “giáo dục là quốc sách hàng đầu” dường như chỉ vang lên ở đâu đó chứ chưa phải và chưa lên được với con em các dân tộc miền núi? Năm 2007 khi bắt đầu có quy hoạch mạng lưới, số trường ĐH-CĐ cả nước là 322 (ĐH 139, CĐ 183), đến cuối năm 2012 số trường ĐH-CĐ là 419 (ĐH 204, CĐ 215). Tính từ khi công bố quy hoạch đến cuối năm 2012 đã thành lập thêm 65 trường ĐH và 32 trường CĐ. Trong vòng 5 năm  97 trường đã được thành lập, bình quân mỗi năm gần 20 trường thế mà vẫn có những tỉnh không thành lập được một trường CĐ- ĐH nào?  Quy hoạch hóa ra vẫn chỉ là "câu chuyện khoa học viễn tưởng". Có thể không quá khi nhận định rằng, việc thành lập thêm các trường CĐ-ĐH không phụ thuộc vào khả năng quản lý, điều hành của ngành Giáo dục, nó gần như bị bỏ ngỏ cho các bộ, ngành, địa phương, cho các đại gia… Với chủ trương 70-80% số sinh viên được đào tạo theo các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng; 20-30% số sinh viên được đào tạo theo các chương trình nghiên cứu . Câu hỏi đặt ra là tại sao 97 trường mới thành lập sau khi đã có quy hoạch lại không phân bố ở các địa bàn dân cư mà tập trung vào hai thành phố lớn và đồng bằng? Tại sao phải bắt con em đồng bào các dân tộc phải vượt qua mấy trăm cây số để đến với các trường đào tạo nghề nghiệp, ứng dụng? Dưới góc độ quản lý nhà nước, các trường CĐ-ĐH được phân tán cho các bộ, ngành, tỉnh theo phương châm “hoa thơm, mỗi bộ, ngành ngửi một tí”. Dưới góc độ quy hoạch mạng lưới, các trường tập trung hầu hết ở các thành phố và vùng đồng bằng có lẽ bởi “hoa thơm” không thể mọc ở miền núi hoặc nơi đầu sóng ngọn gió. Vì sao dù đã có quy hoạch nhưng vẫn thành lập ồ ạt các trường ở những vùng vốn không còn đủ đất cho các trường ĐH-CĐ? Trở lại quyết định 121/2007/QĐ-TTg, mục tiêu quy hoạch đề ra là đến năm 2020 sẽ có khoảng 30-40% sinh viên theo học các trường CĐ-ĐH tư thục. Thống kê Bộ GD&ĐT công bố cho thấy năm 2012 cả nước có 2.204.313 sinh viên trong đó có 331.595 người theo học tại các trường ngoài công lập, chiếm tỷ lệ 15%. Trong quy hoạch mới (Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg) tiêu chí này bị loại bỏ, điều này cho thấy chủ trương xã hội hóa giáo dục đang gặp những rào cản mà nguyên nhân chính là “nhóm lợi ích công lập”. Một số chủ trương, chính sách ban hành tạo điều kiện cho các trường công chiếm hết thị phần của trường tư, chẳng hạn thông tư 57 (TT-57-BGDĐT). Sau khi đã cho các trường tự do đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ lại còn cho phép các trường được tuyển thêm miễn là chưa vượt quá 15% chỉ tiêu Bộ đã thông báo. Không khó để có thể thấy sự cho phép này tuy là nói chung với toàn ngành nhưng thực chất chỉ có tác dụng với các trường công lập, các trường NCL tuyển đủ chỉ tiêu đã là mơ ước xa vời nói chi đến vượt.  Rõ ràng là từ tầm nhìn, chủ trương đến khả năng thực hiện còn một khoảng cách khá xa mà những người làm quy hoạch vì nguyên nhân nào đó chưa thể hay không thể dự báo. Từ bỏ mục tiêu 30-40% sinh viên theo học các trường CĐ-ĐH tư thục đồng nghĩa với việc một chủ trương lớn của Đảng, nhà nước có nguy cơ không thành hiện thực. Nhận thức được điều đó Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập để chuẩn bị tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục ngoài công lập. Trên cơ sở kết quả của Hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp để tiếp tục phát triển các trường ngoài công lập”. [5] Dưới "sức ép" của Quốc hội, tới đây một số trường sẽ phải chia tách, giải thể. Liệu các trường CĐ-ĐH ngoài công lập có đủ sức trụ vững trong điều kiện ít sinh viên, chưa có đất xây trường, đội ngũ giáo viên trẻ, thiếu kinh nghiệm, thương hiệu trường chưa được xã hội đánh giá cao… Rõ ràng lợi thế lại một lần nữa nghiêng về phía các trường công lập. Có ý kiến cho rằng cần phải “giải cứu’ các trường CĐ-ĐH NCL, thiết nghĩ đó chỉ là bề nổi, quan trọng hơn là phải bằng mọi cách để chủ trương xã hội hóa giáo dục đi vào cuộc sống. Một khi hệ thống các trường NCL sụp đổ thì cũng đồng nghĩa một chủ trương lớn bị phá sản, nếu điều đó xảy ra thì trước hết đó là lỗi của sự chỉ đạo, điều hành sau đó mới là lỗi về sự yếu kém của các cơ sở giáo dục. Xóa bỏ mục tiêu 30-40% sinh viên theo học tại các trường tư thục, không biết có nên gọi đó là một bước lùi của chủ trương xã hội hóa giáo dục? Phải chăng đây là một dự báo không lành cần phải được báo động? Có thể người ngoài cuộc không hiểu hết được nội tình bên trong, có thể  mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng chúng cũng thể hiện phần nào nghịch cảnh của nền giáo dục nước nhà, từ chính sách vĩ mô đến thực tiễn cuộc sống.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2013/6/200958.cand
[2] http://tuanvietnam.net/2013-05-20-hoa-thom-moi-bo-nganh-huong-mot-ty-
[3] Công văn số 2812 /BGDĐT-KHTC  ngày 03 tháng 5 năm 2013
[4] http://www.moet.gov.vn/?page=11.10&view=4446
[5] http://www.gdtd.vn/channel/4741/201308/go-kho-tuyen-sinh-cho-cac-truong-dh-cd-1971924/
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
* Tít chính do tòa soạn đặt

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi.

TS. Dương Xuân Thành