Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Lao động-Xã hội: báo trúng tuyển cao, lọc đi là vừa!

09/10/2021 06:41
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ một đợt công bố thí sinh đạt điểm trúng tuyển tại trụ sở chính, Trường đại học Lao động-Xã hội có số thí sinh trúng tuyển cao gấp gần 2 lần chỉ tiêu đề ra.

Thời gian Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được một số phản ánh của bạn đọc, trong đó có các thí sinh vừa trúng tuyển vào Trường Đại học Lao động-Xã hội.

Theo đó, độc giả phản ánh Trường Đại học Lao động - Xã hội đang có lượng thí sinh được công bố đạt điểm trúng tuyển và gọi nhập học cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh trường công bố. Phụ huynh và thí sinh băn khoăn là với số lượng công bố cao vậy việc tổ chức lớp học, giảng viên, cơ sở vật chất có dạy và học có đảm chất lượng?

Trước các phản ảnh của độc giả, phóng viên đã tìm hiểu để có thông tin khách quan về phản ánh này.

Được biết, trong thông báo tuyển sinh năm 2021, trường này đã tổ chức tuyển sinh với 3 phương thức xét tuyển, cụ thể như sau:

Ở phương thức 1 sẽ xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 với các đối tượng đạt mức điểm đảm bảo chất lượng theo quy định của trường, theo từng tổ hợp bộ môn thi/ bài thi, xét tuyển vào cơ sở đào tạo.

Phương thức 2, sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc Trung học phổ thông với các đối tượng đã tốt nghiệp Trung học phổ thông hoặc tương đương có tổng điểm trung bình 3 môn theo tổ hợp các môn đăng ký xét tuyển của từng học kỳ năm học lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm học lớp 12 ở bậc Trung học phổ thông đạt từ 18 điểm trở lên, bao gồm cả điểm ưu tiên.

Phương thức 3 là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.

Trụ sở chính Trường đại học Lao động - Xã hội tại Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Trụ sở chính Trường đại học Lao động - Xã hội tại Hà Nội. Ảnh: Trung Dũng

Theo đó, trong bảng công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 tại trụ sở chính tại Hà Nội của Trường đại học Lao động – Xã hội có tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành theo phương thức dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông là 2.200 thí sinh, dựa trên kết quả học tập bậc Trung học phổ thông là 550 thí sinh.

Ở cơ sở 2 (thành phố Hồ Chí Minh) có tổng chỉ tiêu cho phương thức dựa trên kết quả kỳ thi Trung học phổ thông là 800 thí sinh và phương thức dựa trên kết quả học tập bậc Trung học phổ thông là 200 thí sinh.

Con số chỉ tiêu trong thông báo tuyển sinh được đối chiếu cũng trùng khớp với con số trong Đề án tuyển sinh năm 2021 trình độ đại học lần 3 (cũng là Đề án công bố gần đây nhất) của Trường đại học Lao động – Xã hội.

Tuy nhiên, chỉ trong một đợt công bố thí sinh đạt điểm trúng tuyển đại học hệ chính quy theo hình thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông được ký vào ngày 16/9/2021 của trường này cho thấy, có tổng số 5.454 thí sinh được công nhận đạt điểm trúng tuyển. Trong đó, tại trụ sở chính có 4.178 thí sinh và tại cơ sở 2 có 1.276 thí sinh.

Như vậy, nếu đối chiếu với chỉ tiêu theo Đề án tuyển sinh lần 3 năm 2021 mà trường này công bố, có thể thấy lượng thí sinh được công nhận đạt điểm trúng tuyển tại trụ sở chính với phương thức này đã cao gấp gần 2 lần so với chỉ tiêu để ra (4.178/2.200 thí sinh).

Theo đó, số lượng thí sinh được công nhận đạt điểm trúng tuyển trong các ngành cũng có sự tăng lên đáng kể.

Một số ngành có số lượng thí sinh đạt điểm trúng tuyển cao như, ngành Kế toán có chỉ tiêu là 400 thí sinh, nhưng đạt điểm trúng tuyển có đến 546 thí sinh. Ngành Quản trị nhân lực tuyển 496 chỉ tiêu nhưng có đến 770 thí sinh được công nhận đạt điểm trúng tuyển.

Hay như ngành Quản trị kinh doanh công bố 456 chỉ tiêu nhưng có đến 798 thí sinh đạt điểm trúng tuyển, ngành Tâm lý học công bố 104 chỉ tiêu nhưng có đến 354 thí sinh đạt điểm trúng tuyển.

Chỉ tiêu trong Đề án tuyển sinh lần 3 năm 2021 của Trường đại học Lao động-Xã hội cho thấy, tổng chỉ tiêu các ngành theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 tại trụ sở chính là 2.200 thí sinh. Ảnh chụp màn hình Đề án

Chỉ tiêu trong Đề án tuyển sinh lần 3 năm 2021 của Trường đại học Lao động-Xã hội cho thấy, tổng chỉ tiêu các ngành theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 tại trụ sở chính là 2.200 thí sinh. Ảnh chụp màn hình Đề án

Quyết định công nhận đạt điểm trúng tuyển của Trường đại học Lao động - Xã hội, ở phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 tại trụ sở chính, trường này đã công nhận 4.178 thí sinh đạt điểm trúng tuyển, cao gấp gần 2 lần chỉ tiêu trong đề án. Ảnh chụp màn hình Đề án

Quyết định công nhận đạt điểm trúng tuyển của Trường đại học Lao động - Xã hội, ở phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 tại trụ sở chính, trường này đã công nhận 4.178 thí sinh đạt điểm trúng tuyển, cao gấp gần 2 lần chỉ tiêu trong đề án. Ảnh chụp màn hình Đề án

Tại cơ sở 2 của Trường đại học Lao động – Xã hội, con số thí sinh được công nhận đạt điểm trúng tuyển và gọi nhập học theo phóng viên ghi nhận cũng cao hơn chỉ tiêu đề ra.

Được biết, trong Đề án tuyển sinh lần 3 năm 2021 của trường này ở cơ sở 2, tổng chỉ tiêu tất cả các ngành theo phương thức dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông là 800 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trong Quyết định công nhận thí sinh đạt điểm trúng tuyển của cơ sở này có đến 1.276 thí sinh được công nhận đạt điểm trúng tuyển.

Ở cơ sở 2 có thể thấy, đa phần các ngành đều công bố thí sinh đạt điểm trúng tuyển cao hơn số chỉ tiêu đề ra. Thậm chí, ngành Kinh tế đang lấy chỉ tiêu là 40 nhưng trong Quyết định, có đến 133 thí sinh đạt điểm trúng tuyển được công bố, cao gấp hơn 3 lần.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hà - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Lao động - Xã hội cho biết:

“Việc tuyển sinh của đại học Lao động – Xã hội về cơ bản cũng thực hiện giống như các trường đại học khác. Hơn nữa, việc tuyển sinh như thế nào là chuyện của chính quyền trường (Ban Giám hiệu – PV), còn tôi trên cương vị là Chủ tịch hội đồng trường, tôi không can thiệp sâu vào việc của chính quyền trường mà chỉ đề ra các chủ trương, phê duyệt phương án tuyển sinh.

Nhìn chung, tình hình tuyển sinh của trường năm nay cũng đang thực hiện rất tốt, các trường khác cũng đang thực hiện như thế. Các đợt tuyển sinh của trường đến thời điểm hiện tại cũng đã đóng lại, chúng tôi cũng không tuyển bổ sung vì ngay đợt gọi đầu tiên chúng tôi cũng đã tuyển đủ hết rồi”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hà - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Lao động - Xã hội. Ảnh: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hà - Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Lao động - Xã hội. Ảnh: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

Lý giải về việc trường hiện đang công bố danh sách thí sinh đạt điểm trúng tuyển trong một phương thức xét tuyển nhưng cao gần gấp đôi so với chỉ tiêu đề ra tại trụ sở chính, thầy Hà cho rằng:

“Các thí sinh dự thi có kết quả cao nhưng chưa chắc các em đã vào đại học. Vì thế, dù danh sách trúng tuyển nhà trường công bố có nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh nhưng số lượng chính xác nhận nhập học như thế nào thì phải đợi đến hết kỳ hạn thì mới có thể thống kê được, điều này là nằm trong việc tính xác suất học sinh sẽ nhập học thực tế của chúng tôi.

Bởi, trong thời gian này, có thí sinh thì nhận giấy báo nhưng không nhập học, hoặc cũng có thể nhập học nhưng không đi học, nhiều yếu tố khác nhau chi phối. Chưa kể đến việc, nhiều gia đình thay đổi vào phút chót không cho con học trường này mà chuyển sang trường khác hoặc có thể gia đình cho con đi du học ở nước ngoài.

Con số thí sinh được gửi giấy báo nhập học bao nhiêu thì tôi không thể nắm chính xác để trả lời được, nhưng đối chiếu theo kết quả tuyến sinh của những năm trước thì số sau khi đã thông qua sàng lọc, số cuối cùng nhập học cũng đạt khoảng 70% so với con số mà chúng tôi công bố.

Vì thế, thông thường khi gửi giấy báo nhập học và công bố danh sách trúng tuyển cho thí sinh thì các trường sẽ đưa ra con số cao hơn chỉ tiêu để khi sàng lọc nó lọc bớt đi là vừa. Cũng có những trường khi gửi giấy báo và số thí sinh nhập học nó có thể cao hơn chỉ tiêu, nhưng trong tính toán của các trường sau khi sàng lọc thì con số thí sinh tham gia nhập học cuối cùng cũng nằm trong số lượng cho phép.

Việc có nhiều trường hợp thí sinh đăng ký tuyển sinh, sau đó lại thay đổi khiến chúng tôi cũng rất đau đầu để giải quyết cân đối bài toán thí sinh cho thật hợp lý. Vì khi công bố danh sách và gửi giấy báo nhập học cho thí sinh, nếu tính toán không kỹ lưỡng để số lượng thí sinh nhập học cao hơn nhiều so với chỉ tiêu thì bị Bộ Giáo dục và Đào tạo phạt, mà con số này thấp quá thì năm đó trường không đủ thí sinh, dẫn đến hệ lụy giáo viên không có việc làm, ảnh hưởng đến nguồn thu của nhà trường”.

Trung Dũng