Chủ tịch hội đồng quản trị đọc tên, biết mặt từng lái xe, quản lý xe bus

12/09/2020 06:52
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trực tiếp tham gia tập huấn cho lái xe và quản lý xe 2 lần/ năm học đó là dịp đầu năm học và đầu học kỳ 2.

Hiện nay, dịch vụ xe bus đưa đón học sinh của trường rất phổ biến đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội.

Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh ngại ngần sử dụng dịch vụ này do lo lắng cho sự an toàn của con mình, đặc biệt sau khi vụ việc bé bị bỏ quên trong xe của trường học xảy ra tại Trường Gateway, Hà Nội.

Điều đó ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh vào dịch vụ đưa đón học sinh của nhà trường.

Đến nay, hàng triệu học sinh đã bước vào năm học mới. Nhu cầu đưa đón học sinh cũng chính thức quay trở lại.

Giải pháp nào để khi triển khai dịch vụ xe bus đảm bảo an toàn cho các em học sinh đang là mong mỏi của phụ huynh, học trò.

Trước thực tế này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội – ngôi trường với 28 năm kinh nghiệm vận hành hệ thống xe bus đưa đón học sinh.

Thầy Hòa cho biết: “Hàng năm chúng tôi đều phải cải tiến bằng cách quản lý chặt chẽ và có quy trình cụ thể chứ không phải khi xảy ra vụ việc ở trường A, trường B thì mới tính đến việc cải tiến”.

Hiện nay hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có vài chục xe bus đang ngày ngày đưa đón học sinh, thầy Hòa quán triệt bằng cách: “Lái xe và quản lý xe phải được tập huấn thường xuyên, họp hành nhắc nhở liên tục. Với vai trò là Chủ tịch hội đồng quản trị, tôi coi đây là một tổ công tác, tổ chuyên môn của nhà trường chứ không phải khoán trắng cho nhà xe”.

Hệ thống xe bus của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội (ảnh: nbk.edu.vn)

Hệ thống xe bus của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội (ảnh: nbk.edu.vn)

Hơn nữa, bản thân thầy Hòa trực tiếp tham gia tập huấn cho lái xe và quản lý xe 2 lần/ năm học đó là dịp đầu năm học và đầu học kỳ 2. Tập huấn đi tập huấn lại để họ nhớ, giáo viên mỗi năm còn tập huấn mấy lần thì lái xe và quản lý xe cũng cần như vậy.

“Tôi đọc tên, biết mặt từng lái xe, quản lý xe, người nào mới là tôi biết bởi tôi trực tiếp giao nhiệm vụ tận tay cho từng người.

Ngoài giáo viên chủ nhiệm, trường tôi có bộ phận quản lý xe bus với nhiệm vụ buổi sáng điểm danh xe, quan tâm hoạt động đưa, đón của các cháu, đến khi buổi chiều thì kiểm kê xe. Đó là quy trình khép kín của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm”, thầy Hòa nói.

Cũng theo thầy Hòa, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ khoán trắng với nhà xe về tài chính còn vấn đề hoạt động nằm trong quản lý, kiểm soát của Chủ tịch hội đồng quản trị.

Đặc biệt, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tiến hành họp các chủ xe 2 lần/ năm học còn hàng tháng họp các lái xe và quản lý xe.

Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, các trường cần coi đây là dịch vụ phục vụ học sinh đề nghị không tính lãi để phù hợp với mức sống trung bình của người dân.

Và đặc biệt phải đảm bảo AN TOÀN, mà muốn an toàn thì phải “rõ người rõ việc” từ nhà xe, lái xe, giáo viên và phụ huynh.

Đối với nhà xe thì không được mang xe cũ, không đảm bảo chất lượng để chở học sinh.

Lái xe phải được kiểm tra đánh giá thường xuyên, tuyển lái xe chuẩn mực.

Những giáo viên được giao nhiệm vụ đưa đón học sinh phải ổn định, rõ nhiệm vụ để họ thực sự trách nhiệm, nhận học sinh ra sao, bàn giao thế nào, có biên bản ký hẳn hoi chứ không thể để tình trạng học sinh nào lên xe rồi không biết, học sinh nào vào lớp rồi không hay.

Rồi giáo viên chủ nhiệm cũng phải ký biên bản nhận đủ học sinh hay chưa.

Thậm chí, phụ huynh có trang bị cho con thiết bị có thể cài định vị để khi học sinh vào ổn định trong lớp là bố mẹ nắm được.

Và cuối cùng, khi học sinh về đến nhà thì phụ huynh cũng cần thông báo với nhà trường để nhà trường nắm được.

Thùy Linh