Chồng chéo chức năng vì Luật, Nghị định coi trường thành viên là cơ sở độc lập

12/06/2022 08:46
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quyền tự chủ cấp đại học và cấp trường đại học thành viên chưa được quy định rõ ràng, dễ gây nhầm lẫn, chồng chéo.

Đó là chia sẻ của Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương - Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế tại hội thảo về quản trị và tự chủ đại học: “bàn về quản trị và tự chủ đại học sau Luật số 34/2018/QH14 và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP” do Đại học Huế phối hợp với một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức vừa qua.

Còn nhiều điểm vướng

Theo Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương, mô hình đại học 2 cấp có những ưu điểm nổi bật, và là xu hướng chung của các đại học trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn không ít những bất cập, tồn tại, làm nảy sinh nhiều vấn đề về quản trị và quản lý các đại học.

Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương nói về những khó khăn, vướng mắc đối với mô hình Đại học 2 cấp hiện nay. Ảnh: An Nguyên

Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương nói về những khó khăn, vướng mắc đối với mô hình Đại học 2 cấp hiện nay. Ảnh: An Nguyên

“Việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng sẽ được cụ thể như thế nào thì vẫn chưa được nêu rõ. Bên cạnh đó, quyền tự chủ cấp đại học và cấp trường đại học thành viên cũng chưa rõ ràng.

Hiện nay mối quan hệ giữa Hội đồng Đại học và Hội đồng trường các trường đại học thành viên chưa được quy định cụ thể trong Luật, Nghị định, Thông tư 10/2020 (Đại học vùng) mà phụ thuộc vào quy chế tổ chức và hoạt động điều hành, quy chế tài chính cùng các quy định khác…”.

Cũng theo thầy Chương, nhiều điều khoản theo Luật Giáo dục đại học, các Nghị định vẫn xem trường đại học thành viên như các trường đại học độc lập khác. Việc này dẫn đến sự chồng chéo vai trò, chức năng giữa các trường đại học thành viên và đại học vùng.

“Các văn bản vẫn bàn nhiều tự chủ tài chính hơn là bàn tự chủ học thuật. Trong đó, vấn đề tài chính đang tồn tại 2 cấp. Tức là theo Luật Ngân sách thì Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa làm việc với cấp đại học vừa làm việc với cấp trường thành viên, sau đó tiến hành cấp kinh phí trực tiếp đến trường thành viên.

Điều này khiến đại học vùng ở giữa, chỉ mang tính chất cầu nối chứ không có tiếng nói liên quan đến vấn đề tài chính. Rồi vấn đề mở ngành, cấp trường (đã có Hội đồng trường) nhưng vẫn phải qua cấp đại học để phù hợp chất lượng chung và không chồng chéo nên dễ làm chậm tiến độ”, thầy Chương cho hay.

Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế cũng cho rằng, hiện văn hóa quản lý thay vì quản trị vẫn còn tồn tại rất lớn ở cả 2 cấp (đại học vùng và trường thành viên).

Thêm vào đó, đối với mô hình đại học 2 cấp chưa có văn bản hướng dẫn, thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 60/2021 khiến việc quản trị đại học thêm vướng và khó.

Những kiến nghị

Từ những vướng mắc trong thực tế triển khai quản trị đại học theo mô hình 2 cấp, thầy Chương đã đưa ra một số khuyến nghị.

Trước tiên là cần thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19-NQ/TW để Bí thư kiêm chủ tịch Hội đồng trường nhằm tạo thuận lợi trong quản trị.

Cần nhấn mạnh và có cơ chế đặc thù đối với mô hình đại học quốc gia, đại học vùng. Vấn đề này cần có một Nghị định hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ cũng như vai trò của Đại học Quốc gia, Đại học vùng.

“Khi cơ sở đào tạo đại học đã tự chủ chi thường xuyên thì nhà nước cần quan tâm chi đầu tư ngay năm đó, hoặc xây dựng cơ chế đặt hàng như Luật 34 nêu.

Hơn nữa, cần có văn bản hướng dẫn tự chủ đối với mô hình đại học 2 cấp theo Nghị định 60; không đánh đồng tự chủ đại học nói chung với tự chủ đại học 2 cấp với tự túc nguồn lực về tài chính…

Khi quyền các trường đại học thành viên tăng lên thì cấp Đại học vùng, Đại học Quốc gia cần thêm quyền gì để cả 2 cấp đều mạnh. Đó là vấn đề mà chúng ta phải bổ sung để hài hòa lợi ích và trách nhiệm chia sẻ”.

Thầy Chương cũng khuyến nghị việc tiến đến giao tài chính, tài sản cho Hội đồng như đúng Luật 34. Đồng thời, mô hình Đảng ủy - Hội đồng Đại học – Ban giám đốc và Đảng ủy – Hội đồng trường – Ban giám hiệu của đại học 2 cấp cần có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương. Đây là vấn đề rất đặc thù nên Trung ương xem xét.

Bên cạnh đó, mô hình Đảng ủy - Hội đồng Đại học/Hội đồng trường - Ban Giám đốc/Ban Giám hiệu cần được quy định sao cho hoạt động thuận lợi cho tự chủ và quản trị, an toàn về pháp lý và hậu kiểm, chuyển từ tập quyền sang phân quyền.

“Luật cũng như các Nghị định cần phải phân vai rõ trong lãnh đạo – quản trị - quản lý để tránh sự chồng chéo, trùng lặp. Lấy tăng tự chủ về học thuật, tổ chức, bộ máy, cân nhắc tự chủ tài chính.

Tự chủ về tài chính phải đi kèm với các mức đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học, đặt hàng trong đào tạo Khoa học công nghệ theo năng lực cơ sở giáo dục đại học, vùng. Hài hoà lợi ích các bên liên quan. Làm rõ vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước về Giám đốc Đại học về một đầu mối.

Quản trị và tự chủ đại học là chủ trương lớn và phù hợp với các hội nhập với thông lệ quốc tế nên cần kiên trì và mang tính lâu dài, không quá nóng vội”, thầy Chương nhấn mạnh.

AN NGUYÊN