Chọn nhầm đại học, ngành học là lãng phí tuổi thanh xuân và cơ hội

10/10/2021 07:06
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay sinh viên chọn ngành học theo cảm tính, theo ý bố mẹ chứ thật sự chưa có định hướng đúng, các em chưa hiểu về ngành nên đã chọn nhầm, dẫn đến chán học.

Đợt tuyển sinh năm nay có mức điểm chuẩn tăng kỉ lục ở một số ngành nóng, nhưng với nhóm ngành truyền thống, số lượng thí sinh đầu vào ít, điểm chuẩn chỉ khoảng 6 điểm cho 1 môn. Thực trạng khó tuyển sinh ở nhóm ngành này cũng đã diễn ra nhiều năm.

Năm nay, điểm chuẩn các ngành nông-lâm, cơ khí kỹ thuật, các ngành khoa học cơ bản chỉ ở mức trung bình. Điểm chuẩn các ngành Thiết kế tàu và công trình ngoài khơi, Xây dựng công trình thủy, Công trình giao thông và cơ sở hạ tầng, Kiến trúc và nội thất, Kỹ thuật công nghệ hóa học của Trường Đại học Hàng hải chỉ 14 điểm/tổ hợp.

Các ngành có điểm chuẩn thấp nhất của Trường Đại học Xây dựng (16 điểm) gồm có Kỹ thuật cấp thoát nước, Kỹ thuật vật liệu, Quản lý xây dựng, Kỹ thuật cơ khí... Các ngành của Trường Đại học Lâm nghiệp đều ở mức 15 điểm/tổ hợp. Với điểm đầu vào thấp lại ít sinh viên theo học, vậy chất lượng đào tạo sẽ thế nào, liệu có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước trong tương lai?

Nhiều kết quả nghiên cứu cơ bản được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng ít được xã hội biết tới. Ảnh: NVCC.

Nhiều kết quả nghiên cứu cơ bản được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng ít được xã hội biết tới. Ảnh: NVCC.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ N.N.A - Viện Nghiên cứu và Phát triển Ứng dụng. Tiến sĩ A. cho biết: “Hóa học cũng trong nhóm ngành Khoa học cơ bản nhưng ngành tôi đang nghiên cứu là ứng dụng công nghệ hóa học, sát với ứng dụng.

Thực tế, tốt nghiệp những ngành thuộc nhóm Khoa học cơ bản thì đa phần công việc là nghiên cứu đóng vai trò giải thích sự vật hiện tượng, chính vì thế cũng không có những ứng dụng sát sườn, hơn nữa lại rất khó, dẫn đến sinh viên không hình dung ra được nếu học ngành đó thì sẽ làm công việc gì cho xã hội. Vậy nên nhiều ngành khoa học rất quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia nhưng lại thiếu sinh viên theo học, nguyên nhân là thiếu sự định hướng”.

Theo Tiến sĩ A. : “Hiện nay sinh viên chọn ngành học theo cảm tính, theo ý bố mẹ, theo bạn bè ... chứ thật sự chưa có định hướng đúng, các em chưa hiểu về ngành nên đã chọn nhầm. Việc hướng nghiệp cần phải được quan tâm, hướng dẫn cho học sinh phổ thông từ cấp II, sớm như vậy vì trong quá trình đó có thể phát hiện ra những gì gọi là năng khiếu, tố chất, sở trường của từng học sinh, cho đến năm 18 tuổi các em mới có được sự lựa chọn hợp lí.

Chúng ta cũng không nên nói “quá” lên với một ngành nào đó, theo tôi nếu nhu cầu xã hội nhận định học ngành này sau ra trường cũng khó xin việc…đó là sự lựa chọn tự nhiên của xã hội và chúng ta cần phải tôn trọng, nó giống như sự lựa chọn của tự nhiên, ai khỏe sẽ sống.

Tôi cũng không quá lo lắng về những ngành ít sinh viên theo học, bởi những ngành đặc thù đó nhu cầu về nhân lực không quá cao, nhưng tôi lại thật sự lo ngại những ngành hiện nay có quá nhiều người học, những sinh viên này bị tâm lí “đám đông”, có thể nói hầu hết là bị chọn nhầm ngành, đây là điều nguy hiểm.

Ví dụ: Ngành khoa học Nông nghiệp rất cần thiết và quan trọng, nhưng hiện nay đa phần sinh viên không biết được điều đó để theo học, nhưng không sao bởi xã hội đang phát triển, trong tương lại nếu kĩ sư nông nghiệp có thu nhập tốt như kĩ sư lập trình thì tự nhiên sinh viên sẽ theo học Nông nghiệp, đó là sự lựa chọn tự nhiên.

Vấn đề cần nhất hiện nay là định hướng cho học sinh thế nào để các em có cái nhìn đúng đắn, chọn ngành học đúng với khả năng của mình, đó mới là điều quan trọng. Xã hội luôn luôn phát triển, có thể ngành này năm nay chưa có, nhưng năm sau lại có, và cũng có một số ngành mỗi năm nhu cầu xã hội cũng chỉ cần đến vài chục sinh viên nhưng phải thật sự có chất lượng”.

Sinh viên trong nghiên cứu Khoa học cơ bản: Ảnh minh họa: TTXVN.

Sinh viên trong nghiên cứu Khoa học cơ bản: Ảnh minh họa: TTXVN.

Đa số sinh viên chọn nhầm ngành để theo học

Tiến sĩ A. nêu quan điểm: “Tôi nói ví dụ ngành lập trình: Nhiều học sinh phổ thông đều chọn ngành này để theo học đại học, hầu hết nghĩ mình học giỏi nên chọn ngành lập trình là phù hợp.

Nhưng thực tế không phải cứ học giỏi ở phổ thông rồi chọn vào ngành “hot” là sẽ thành công, có thể học rất giỏi nhưng khả năng của em đó lại không thích hợp với ngành lập trình, hoặc quản trị kinh doanh…Khi chọn ngành vào học rồi mới nhận thấy không thích hợp với bản thân, bỏ thì tiếc, chuyển trường thì không được, như vậy là quá phí. Đó là cả một cuộc đời sau này chứ không đơn giản.

Vậy nên rất nhiều sinh viên chọn vào học ngành “hot”, thậm chí có trường vượt quá chỉ tiêu gần 200% một ngành, nhưng chắc chắn phần lớn trong số đó đã chọn nhầm ngành không phù hợp. Trong quá trình học sẽ nhận ra ngành đó có quá nhiều môn học mình không thích, từ đó dẫn đến chán học.

Ngay như trường đại học nơi tôi đang công tác, rất nhiều sinh viên khi thi hết các môn đều bị tình trạng rớt lên rớt xuống, nguyên nhân là các em không thích các môn học đó, không muốn học, chán học…mặc dù những sinh viên này đều có học lực giỏi cấp phổ thông, thi điểm cao mới đỗ vào trường đại học.

Thực tế hầu hết sinh viên chọn trường đều nghe lời bố mẹ, bạn bè, nói rằng học giỏi thế thì phải vào Bách Khoa, hoặc vào Kinh tế mới xứng đáng, nhưng cũng chỉ biết là Trường Bách Khoa, Kinh tế thôi, chứ hoàn toàn không biết những ngành đó phải học những môn gì, có hợp với khả năng và sở thích của mình hay không? Cứ thấy bảo vậy là thi vào bằng được.

Theo tôi, sinh viên thi vào một trường đại học nào đó không phải để chứng tỏ mình có giỏi hay không, mà nên chọn trường phù hợp với mình. Tôi biết có nhiều học sinh phổ thông rất giỏi, thi điểm quốc tế rất cao nhưng lại chọn ngành không “hót”, tuy nhiên ngành đó lại phù hợp với khả năng của họ, có sự đam mê và tất nhiên sau này những em đó đã thành công. Không nhất thiết phải vào được ngành “hót”, không nên cho rằng mình phải vào được ngành đó mới “vẻ vang”, điều đó không nói lên gì cả”.

Điểm đầu vào thấp, chất lượng đầu ra thế nào?

Tiến sĩ A. chia sẻ: “Điểm đầu vào cao hay thấp thì đều phải vượt qua một mức điểm sàn nào đó, và điểm số nhiều khi cũng không giải quyết được vấn đề bởi trong cuộc thi bao giờ cũng có rất nhiều “nỗi niềm”, chưa chắc những em có điểm thi cao đã là giỏi và ngược lại.

Khi các trường chọn lựa sẽ phải lấy từ điểm cao xuống thấp dần, và theo tôi 18 điểm chưa chắc đã phải là thấp. Cùng mức 18 điểm, nhưng với sinh viên chỉ đăng kí vào đó để cho có đỗ đại học lại là chuyện khác, nhưng với những em có đam mê biết bản thân phù hợp và chỉ lựa chọn vào ngành đó thôi, đây là chuyện khác hoàn toàn. Như vậy hai điểm cùng mức 18 nhưng lại khác nhau hoàn toàn, rất khó để chúng ta đánh giá là mức điểm đó thế nào.

Còn nói về chất lượng, theo tôi giáo dục phải là đào tạo bồi dưỡng khả năng có trong mỗi sinh viên, giáo dục thành công có thể hiểu trước khi sinh viên đến với trường em đó có trình độ ở mức 3 điểm, nhưng sau khi tốt nghiệp em đó đạt mức 8 điểm, đó là thành công. Còn trước khi em đó đến với trường đang ở mức 8 điểm, như khi ra trường vẫn dừng ở mức 8 điểm, chứng tỏ giáo dục không thành công.

Xã hội băn khoăn với mức đầu vào 18 điểm liệu những sinh viên đó ra trường có chất lượng hay không? Tôi thấy điểm vào trường mới chỉ là một phần, nếu sinh viên đó đam mê, lựa chọn đúng, chịu khó học tập thì chất lượng đầu ra sẽ rất tốt, vậy nên chúng ta hãy đánh giá mức 18 điểm đầu vào với nhiều tiêu chí khác nhau, có như vậy mới chính xác, không nên nhìn nhận 18 điểm là cao hay thấp”.

Cần đầu tư cho nghiên cứu cơ bản để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Ảnh: NVCC.

Cần đầu tư cho nghiên cứu cơ bản để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Ảnh: NVCC.

Chất lượng thầy cô mới là điều quan trọng.

Tiến sĩ A. chia sẻ thêm: “Về phần thực hành nghiên cứu tại nhiều trường đại học hiện nay ở các môn khoa học còn thiếu cơ sở vật chất, chưa đáp ứng được yêu cầu học tập, giảng dạy. Nhưng tôi thấy, quan trọng ở cách tiếp cận của giáo viên, cách đặt vấn đề của chương trình, cần một chương trình đào tạo hiệu quả, tiết học được thiết kế hợp lí để “điều hòa” được nhu cầu của kiến thức và phần kĩ năng.

Theo tôi quan sát, điểm kém của nhiều trường Đại học ở Việt Nam lại ở các giảng viên, đa phần giảng viên thế hệ trẻ không có kinh nghiệm đào tạo, thiếu kinh nghiệm thực tế, mà đã không có thực tế thì làm sao dạy được, toàn học một “bầu” lí thuyết, ra trường là đi dạy luôn, bản thân thầy còn chưa rõ thì làm sao sinh viên học tốt được. Chất lượng thầy cô mới là điều quan trọng.

Đây là “lối mòn cố hữu” của giáo dục nước ta, vẫn nặng về truyền đạt kiến thức, trong khi hiện nay kiến thức quá rộng lớn nên không thể nào dạy cho sinh viên hết được. Theo tôi chỉ nên đào tạo kĩ năng học như thế nào, biết cách học sẽ tốt hơn là học cái gì, thầy cô chỉ dạy một lượng nhỏ kiến thức, nhưng phải dạy được sinh viên cách khai thác số kiến thức đó ra sao…Cái này theo tôi là do lỗi “hệ thống”.

Không thể lúc nào cũng đổ lỗi cho đất nước ta còn nghèo, chưa bằng được các nước trên thế giới. Một điều tôi thấy rõ nhất là học sinh, sinh viên của chúng ta thường học kiến thức theo kiểu học “vẹt”, đọc chép, học để đối phó với thi cử, điểm thi rất cao nhưng học và thi bằng mẹo thì làm sao mà có kiến thức thật. Cả xã hội như vậy dẫn đến nhận thức “méo mó” về giáo dục.

Giáo dục phổ thông rất quan trọng, nó trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản, nhưng thực tế hiện nay học sinh đều học “lệch”. Đa số có mục đích hết cấp III là vào đại học, có thể học sinh thi khối D rất giỏi về Văn, Ngoại ngữ nhưng môn Sinh học, Địa lí lại không biết, đây là điều đáng trách về phía gia đình và nhà trường, chúng ta phải biết kiến thức cấp III rất quan trọng để xây dựng nên con người hoàn thiện, chứ không phải chỉ tập trung học những môn phục vụ cho kì thi đại học.

Lại có xu hướng mấy năm gần đây nhiều trường đại học lấy điểm chứng chỉ tiếng Anh IELTS để xét tuyển, tất cả lại đua nhau đi thi lấy chứng chỉ, mà không hề nghĩ học tiếng Anh là để sử dụng được mới quan trọng. Tôi biết có khá nhiều giảng viên có chứng chỉ IELTS rất cao nhưng khi viết một lá thư cho giáo sư nước ngoài cũng không xong, vậy thì điểm IELTS cao để làm gì”.

Tùng Dương