Chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng với học sinh trường Việt Nam - Ba Lan

26/11/2020 12:49
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau những phút đầu ngại ngùng, học sinh trường Trung học phổ thông Việt Nam – Ba Lan đã gửi đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhiều câu hỏi thú vị…

Ngày 25/11, gần 1000 em học sinh trường Trung học phổ thông Việt Nam – Ba Lan đã nghe Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ những kiến thức bổ ích trong cuộc “Hội thảo trong thời đại công nghệ 4.0” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức.

Thành lập tháng 3/1960, Trường Trung học phổ thông Việt Nam – Ba Lan được coi là biểu tượng của tình hữu nghị bền vững giữa hai quốc gia.

Biểu tượng này đặc biệt nổi bật trong thời điểm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ba Lan và Việt Nam.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Trường Trung học phổ thông Việt Nam – Ba Lan hôm nay đã và đang trở thành địa chỉ giáo dục tin cậy của nhiều phụ huynh tại Thủ đô.

Buổi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại các mạng công nghệ 4.0” là cơ hội của học sinh “Trường Việt Nam – Ba Lan” được giao lưu với một trong những chuyên gia hàng đầu của Giáo dục Việt Nam – Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng.

Dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng thầy Lân Dũng, với hơn 60 năm giảng dạy vẫn tràn đầy nhiệt huyết, chia sẻ với lớp lớp học sinh.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ trong buổi Hội thảo tại trường Việt Nam - Ba Lan.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ trong buổi Hội thảo tại trường Việt Nam - Ba Lan.

Bằng những câu chuyện “tai nghe mắt thấy”, chứng kiến sự thay đổi lớn lao mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại; kinh nghiệm trong quá trình hoạt động khoa học của mình Giáo sư Nguyễn Lân Dũng muốn truyền lửa và giúp các em học sinh trường Trung học Phổ thông Việt Nam – Ba Lan trả lời được câu hỏi lớn nhất cuộc đời: Tôi sẽ trở thành ai và Tôi sẽ làm việc gì?

Câu hỏi: Học để làm gì? đã khơi gợi tinh thần tranh luận sôi nổi của các bạn học sinh. Nhiều câu trả lời được gửi về hội thảo như: Học để có một công việc tốt, học để báo hiếu thầy cô, cha mẹ…

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kết luận bằng một câu - Học để trở thành người tự do: “Tôi năm nay đã 83 tuổi nhưng ngày nào tôi cũng học, học không ngừng nghỉ. Chỉ có học mình mới làm chủ được cuộc đời của mình. Khi bạn có tri thức bạn sẽ không phải lo lắng mình có làm được không? Mình có làm đúng hay không?

Vì thế lời khuyên của tôi dành cho các em là hãy học tập không ngừng nghỉ, tích cực trau dồi vốn sống, cải thiện ngoại ngữ của bản thân. Hãy làm chủ cuộc đời của mình”.

Cơ hội của các em khi bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 là gì, các em trước ngưỡng cửa cuộc đời sẽ gặp những thách thức gì…

Trong buổi hội thảo, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đã giải đáp rất nhiều câu hỏi của các em học sinh.

Có em đã mạnh dạn hỏi thầy Nguyễn Lân Dũng rằng Bài học lớn nhất của Giáo sư để trở thành Giáo sư là gì.

Trước câu hỏi của em học sinh trường Việt Nam – Ba Lan, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chắc nịch: “Bài học lớn nhất của thầy chính là tự học”.

Bằng ý trí vượt khó, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã trở thành một trong những nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam.

Thầy Nguyễn Lân Dũng cũng là tấm gương lớn trong việc tự học ngoại ngữ để tiếp cận với tri thức nhân loại.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trăn trở: "Các em phải tự hỏi bản thân mình tại sao có những người khuyết tật, những người ít học họ lại làm được và trở nên thành công còn mình lành lặn, được ăn học lại không được như họ?".

Cô giáo Ngô Thị Mai Hương, Hiệu trưởng nhà trường tặng hoa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Cô giáo Ngô Thị Mai Hương, Hiệu trưởng nhà trường tặng hoa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Giáo sư cũng hy vọng thông qua buổi hội thảo ngày hôm nay các em học sinh sẽ tìm được cho mình câu trả lời lớn nhất trong đời: Học để làm gì?

Trong buổi hội thảo, nhiều em đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ký tặng sách do thầy viết, những món quà ý nghĩa với các em.

Cuối buổi Hội thảo, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Việt Nam – Ba Lan, cô giáo Ngô Thị Mai Hương đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức một buổi hội thảo đầy ý nghĩa.

Một số hình ảnh buổi hội thảo (*):

Sau những phút đầu ngại ngùng, các em học sinh đã mạnh dạn đặt nhiều câu hỏi thú vị với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Sau những phút đầu ngại ngùng, các em học sinh đã mạnh dạn đặt nhiều câu hỏi thú vị với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Gần 1000 em học sinh đã được lĩnh hội những kiến thức bổ ích.

Gần 1000 em học sinh đã được lĩnh hội những kiến thức bổ ích.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã ký tặng các em học sinh sách do thầy viết.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã ký tặng các em học sinh sách do thầy viết.

Nhiều câu hỏi trước ngưỡng cửa cuộc đời của các em học sinh đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giải đáp.

Nhiều câu hỏi trước ngưỡng cửa cuộc đời của các em học sinh đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giải đáp.

Nhiều em đã mạnh dạn bày tỏ ước mơ.

Nhiều em đã mạnh dạn bày tỏ ước mơ.

Món quà của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Món quà của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

* Ảnh: Thanh Hùng

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước.

Với diễn giả đặc biệt là giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn

Toàn bộ chi phí Hội thảo do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Trần Phương