Chỉ có xã hội hóa mới mang lại bộ mặt mới cho giáo dục

18/03/2014 09:07
Xuân Trung
(GDVN) - Hệ thống các trường đại học, cao đẳng NCL Việt Nam đang khẳng định vị thế là mô hình số một thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Ngân sách nhiều nhưng đều vào trường công

Theo tính toán, ngân sách hàng năm cho giáo dục của chúng ta chiếm tới 20% GDP cả nước, đây là một lượng ngân sách lớn hơn bất kỳ một quốc gia nào khác. Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận dù ngân sách có lớn hơn 20% đi chăng nữa thì cũng chưa đủ. 

Vậy lí do là gì? Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng do chúng ta chi tiêu chưa hợp lí. GS. Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nhìn nhận, chẳng có ở đâu như ở Việt Nam, trẻ con đi học lại bắt đóng tiền học (hiện chỉ miễn học phí bậc tiểu học – PV), như vậy hỏi rằng chúng ta đã làm tròn trách nhiệm chưa? 

Sinh viên học trong Trường Đại học FPT, đây là một trong những trường ngoài công lập có vị thế cao về chất lượng đào tạo. Ảnh nhà trường cung cấp.
Sinh viên học trong Trường Đại học FPT, đây là một trong những trường ngoài công lập có vị thế cao về chất lượng đào tạo. Ảnh nhà trường cung cấp.
Hằng năm chúng ta thu thuế của dân thì ít nhất học sinh đi học từ mầm non tới THCS không phải đóng học phí. Thực tế, nhìn nhận ở khía cạnh xã hội hóa giáo dục thì hiện nay chúng ta đang có một sự “lãng phí” nhất định  từ phía trường đại học công. Nếu coi 20% ngân sách cho giáo dục chi toàn hệ thống, trong đó có tiền xây trường, tiền bao cấp cho sinh viên công lập (hiện nay là 70% mức học phí) mà vẫn chưa đủ. Vậy chỉ với 20% đó mà chúng ta không huy động mọi nguồn lực từ xã hội hóa thì mãi mãi giáo dục, nhất là giáo dục đại học sẽ không phát triển được.

Sự ra đời và phát triển của loại hình trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đang ngày một khẳng định vị thế và vai trò của mình trong việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục. Mỗi nhà trường đang trở thành một nguồn lực không nhỏ tạo điều kiện cho người dân được học tập và học tập suốt đời.

Xã hội hóa giáo dục cần có tâm

Đây là khẳng định của GS. Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng Trường Đại học DL Hải Phòng khi ông nói về xã hội hóa giáo dục. Một mô hình tiên phong về chủ trương này là trường Đại học DL Hải Phòng. GS. Nghị cho biết, từ khi trường ra đời cho tới nay chủ trương là không vì lợi nhuận, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên góp vốn vào trường và ai cũng được làm chủ, tiền đó tính bằng lãi suất ngân hàng. Toàn bộ tiền lãi trong quá trình hoạt động của trường đều được đưa vào để phát triển nhà trường.

“Muốn làm được xã hội hóa giáo dục trước hết phải tâm huyết, không vụ lợi” GS. Nghị khẳng định.

Cũng bàn về chủ trương xã hội hóa giáo dục, TS. Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TP.HCM cho biết, chủ trương xã hội hóa đã đem tới một diện mạo mới cho nền giáo dục của chúng ta, thực tế đã có khoảng 20% các trường cao đẳng, đại học thuộc khối ngoài công lập. 

Vấn đề tỉ lệ sinh viên các trường NCL hiện nay gần 14%, nếu tỉ lệ này so với trên 20% các trường NCL trong toàn hệ thống thì tuyển sinh chưa hẳn đã là vấn đề lớn. TS. Lộc nhìn nhận xã hội hóa giáo dục thực chất không phải để phục vụ các trường đại học, mà cuối cùng là đào tạo nguồn nhân lực. Còn trường đại học và hệ thống giáo dục chỉ là công cụ để đáp ứng nguồn nhân lực, đó là mục tiêu cuối cùng. 

Cách đây ít ngày, tại Hội nghị của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, GS. Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng khẳng định, cần xác định lại nội hàm của xã hội hóa. Xã hội hóa là gì? Xã hội hóa không phải chỉ là lập ra các trường NCL? Xã hội hóa trước tiên là phải áp dụng trong hệ thống trường công lập. Nếu con em của dân muốn có được cái nghề thì cha mẹ phải trả chi phí đào tạo. Nếu ai nghèo không có tiền thì Nhà nước có chính sách cho vay để đi học.

“Nếu cứ với 20% ngân sách cho giáo dục, mà không thực hiện xã hội hóa, thì giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng sẽ không phát triển được. Nếu không chuyển hướng tư duy về xã hội hóa giáo dục thì đại học không phát triển được” GS. Phương khẳng định.

“Con nuôi - Con đẻ” và tâm lí xã hội

Một sự vô lí khác đang có sự không công bằng giữa sinh viên công lập và ngoài công lập. Nếu như sinh viên công lập được nhà nước hỗ trợ 70% tiền học phí, thì sinh viên ngoài công lập phải chịu 100%. Vấn đề này không chỉ bây giờ mới nói mà trước đó rất nhiều nhà giáo dục, chuyên gia đã lên tiếng, nhưng đến giờ sự công bằng chưa được thể hiện rõ. 

Nếu trường công được xem là “con đẻ” thì xã hội thường mặc định trường ngoài công lập là “con nuôi”, bởi từ rất lâu định kiến và tâm lí xã hội thường không thích học tại trường ngoài công lập. Đành rằng ngoài công lập cũng có trường tốt và chưa tốt, nhưng phần lớn các trường đảm bảo được điều kiện học tập và giảng dạy. Hiện theo tổng kết có khoảng trên 30 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập được đánh giá là khá trong chất lượng đào tạo sinh viên, nhiều trường nổi lên như một sự khẳng định trường ngoài công lập hoàn toàn không thua kém các trường công, như: Đại học FPT, Đại học Thăng Long, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học DL Hải Phòng…

Tuy nhiên, các trường ngoài công lập còn đang vướng một rào cản lớn khác ngoài yếu tố định kiến là sự bất bình đẳng trong việc bao cấp chi phí đào tạo. Như đã nói ở trên, sự bất bình đẳng giữa sinh viên là không thể kéo dài thêm nữa bởi tiền thuế đều từ dân mà ra.

Sự bất bình đẳng đó khiến cha mẹ, học sinh có tâm lí không vào học trường tư (trừ khi không vào được trường công). Bản thân GS. Trần Hữu Nghị, là một lãnh đạo của một trường tư có tiếng cũng thừa nhận, nếu ông có con đang phân phân lựa chọn thì cũng khuyên không nên vào trường ngoài công lập bởi có sự bất công nêu trên. 

GS. Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng Trường Đại học DL Hải Phòng cho biết, bản thân ông nếu có con cũng không muốn con mình vào trường ngoài công lập, bởi hiện còn đang có sự bất công bằng bao cấp học phí. Ảnh Xuân Trung
GS. Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng Trường Đại học DL Hải Phòng cho biết, bản thân ông nếu có con cũng không muốn con mình vào trường ngoài công lập, bởi hiện còn đang có sự bất công bằng bao cấp học phí. Ảnh Xuân Trung

“Những năm trước khi sinh viên công và tư đều áp dụng mức điểm sàn như nhau, nhưng khi vào học thì sinh viên trường công được hưởng mọi chế độ, sinh viên ngoài công lập phải chịu mọi loại phí, đóng thuế, từ giá trị gia tăng tiền ở, tiền ăn, thậm chí là tiền gửi xe đạp. Thử so sánh, nếu sinh viên tốt nghiệp trường công thì xã hội dơ tay vẫy gọi, nhưng tốt nghiệp trường ngoài công lập trước hết nhiều nơi không nhận, nếu như không nhận thì việc học tốn hơn, công sức nhiều hơn thì học để làm gì?” GS. Nghị đặt câu hỏi.

GS. Nghị nêu quan điểm, tại sao các cơ sở tuyển dụng đó không tổ chức thi một cách đàng hoàng như cha ông ta ngày xưa, không quan tâm học ở đâu, chỗ nào thì lúc đó mới công bằng. Liệu sự bất công đó liệu có nên tồn tại mãi tới bây giờ?

TS. Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TP.HCM đưa ra một quan điểm, ông cho rằng thực chất xã hội hoàn toàn không có sự phân biệt tư thục hay công lập, vì sự nghiệp giáo dục là làm nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực phụ vụ phát triển kinh tế xã hội, mỗi đơn vị đều có quyền tự chủ hoàn toàn trong việc cung cấp chất lượng sản phẩm cho chính trường đào tạo ra.

Theo TS. Lộc, nếu có chăng phân biệt ở đây là trong tâm lí xã hội, và người dân là người thông minh nhất, người dân luôn suy xét chứ không chỉ nghe các trường nói tốt hay xấu. 

Từ những quan điểm trên TS. Lộc phân tích ở góc nhìn toàn bộ hệ thống giáo dục. Theo đó, bất kì một hệ thống nào muốn tồn tại đều phải có giá trị và có các quy luật của nó. Trong hệ thống giáo dục chúng ta tương quan với xã hội, bản chất cuối cùng vẫn là sản phẩm giáo dục, từ sản phẩm giáo dục này sẽ đánh giá được, và nhà tuyển dụng chính là nhà đánh giá. 

Sau quy luật tuyển dụng sẽ tới vai trò của nhà trường được thể hiện trong quá trình đào tạo, khâu này chính là cho ra những sản phẩm, sản phẩm này sẽ quay ngược lại khâu trên, đó là vòng tròn khép kín. “Đối với nhà tuyển dụng trường không thể điều khiển họ mà trường phải chứng minh, phải tác động vào hệ thống đào tạo để đưa ra được sản phẩm và được nhà tuyển dụng chấp nhận, từ đó lập tức trường tuyển sinh được” TS. Lộc cho hay. 

Vòng tròn khép kín này đang hoạt động nhất định sẽ có khó khăn, khó khăn nằm ở đâu? Theo TS. Lộc vấn đề này nằm ở chính nội tại các trường, không có đầu tư đúng mức. Nếu so với công lập các trường ngoài công lập không thể so về đầu tư, nhưng ngoài công lập nếu biết đầu tư đúng mức thì vòng tròn kia sẽ hoạt động hiệu quả.

Nói trong Hội nghị tổng kết mô hình giáo dục đại học, cao đẳng NCL vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, trên tinh thần chung, nhất định phải quán triệt triệt để công bằng, bình đẳng, từ chính sách nhỏ đến lớn đều phải bình đẳng, không được có sự phân biệt. 

Phó Thủ tướng dẫn ra một giải pháp cho sự công bằng trên có thể thay vì đơn thuần tăng chỉ tiêu trường công, giờ không tăng nữa mà sẽ hợp tác với các trường tư thục để đào tạo. Chỉ một động tác như vậy có thể tạo điều kiện cho các trường tư thục phát triển.

“Tôi cho rằng có nhiều thứ chưa công bằng. Nhưng ngược lại, về phía các trường ngoài công lập, tất cả đã cố gắng, nhưng có phải ai cũng tốt chưa? Tất nhiên trong trường công có nhiều trường hợp không tốt, con sâu làm rầu nồi canh, nhưng sâu thì ít thôi, nên phải cùng nhau nhặt cho sạch” Phó Thủ tướng cho hay.

Xuân Trung