Chỉ cần thanh kiểm tra ban giám hiệu, tổ chuyên môn là đủ

19/04/2022 08:39
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Công tác thanh, kiểm tra của ngành giáo dục hiện nay vẫn nặng về hành chính, hình thức và nhiều khi nó không tuân thủ theo hướng dẫn hiện hành.

Mười mấy năm qua, bản thân người viết bài này kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn ở trường học nên đã bị thanh tra, kiểm tra không biết bao nhiêu lần từ cấp trường đến cấp sở và bản thân cũng phải kiểm tra giáo viên hàng tháng về các chuyên đề.

Nhìn chung, công tác thanh, kiểm tra của ngành giáo dục hiện nay vẫn nặng về hành chính, hình thức và nhiều khi nó không tuân thủ theo hướng dẫn hiện hành dẫn đến người đi kiểm tra cũng khổ mà người bị kiểm tra cũng chẳng sung sướng gì.

Từ đó, dẫn đến tình trạng giáo viên đối phó lẫn nhau để biên bản kiểm tra ít bị ghi những khuyết điểm, hạn chế. Nhưng, đã thanh tra, kiểm tra thì dù tốt mấy cũng khó tránh khỏi những hạn chế và điều này trở nên quen thuộc với nhà trường và giáo viên đứng lớp ở các trường học.

Công tác thanh, kiểm tra hiện nay vẫn nặng về hồ sơ sổ sách (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Công tác thanh, kiểm tra hiện nay vẫn nặng về hồ sơ sổ sách (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Các loại hồ sơ sổ sách của tổ chuyên môn, nhà trường hiện nay nếu làm đúng sẽ không quá tải cho giáo viên

Theo hướng dẫn của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT- Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thì sổ sách, kế hoạch chủ yếu chỉ nằm ở Ban giám hiệu nhà trường.

Tổ chuyên môn và giáo viên dạy lớp chỉ có các loại kế hoạch và sổ sách sau:

Đối với giáo viên, gồm: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Những thầy cô kiêm nhiệm thêm tổ trưởng chuyên môn thì có thêm Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học) và Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.

Như vậy, nếu giáo viên dạy lớp đơn thuần, không kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm thì có 3 loại kế hoạch, sổ sách. Những thầy cô kiêm nhiệm chủ nhiệm lớp có thêm Sổ chủ nhiệm là 4 loại hồ sơ, kế hoạch. Và, những thầy cô làm tổ trưởng thì có thêm sổ kế hoạch chuyên môn và sổ ghi biên bản nữa là 6 loại hồ sơ, kế hoạch.

Nếu chỉ thực hiện như thế này thì thực ra giáo viên dạy lớp, thậm chí là thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường không nhiều sổ sách.

Chẳng hạn, giáo viên không kiêm nhiệm thêm công tác khác thì chỉ có giáo án, sổ điểm và kế hoạch cá nhân mà đội ngũ này chiếm số đông trong nhà trường.

Và, nếu chỉ có chừng ấy loại sổ sách thì cấp trên về kiểm tra cũng chẳng mất nhiều thời gian mà thực tế giáo viên cũng không phải lo lắng gì vì chỉ có Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học) là làm từ đầu năm học, còn giáo án và sổ điểm thì gần như giáo viên lúc nào cũng mang theo khi đến lớp.

Nhưng, thực tế thì các trường học hiện nay thêm nhiều loại kế hoạch, hồ sơ khác nhau mà bắt buộc giáo viên trong trường phải thực hiện đầy đủ. Đặc biệt là đội ngũ thầy cô giáo kiêm nhiệm công tác tổ trưởng chuyên môn thì đếm không xuể các loại kế hoạch, nhất là trong năm học dạy trực tuyến, trực tiếp như năm nay.

Ngoài những loại hồ sơ sổ sách mà chúng tôi đã liệt kê ở trên thì những tổ trưởng chuyên môn còn phải làm thêm không biết bao nhiêu là kế hoạch theo từng thời điểm cụ thể.

Đó là: kế hoạch dạy trực tuyến; kế hoạch sử dụng đồ dùng dạy học; kế hoạch chuyên đề; kế hoạch kiểm tra nội bộ; kế hoạch dạy Nội dung giáo dục địa phương; kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi; kế hoạch tuyển sinh 10; kế hoạch phụ đạo; kế hoạch dạy thay; kế hoạch hoạt động tháng; kế hoạch ôn tập học kỳ… và cái nào cũng phải in 2 bộ, bộ nộp Ban giám hiệu và bộ lưu hồ sơ.

Nhiều khi nhìn lại hồ sơ lưu của mình, nhiều thầy cô tổ trưởng không hiểu sao mà mỗi năm mình đã làm được nhiều kế hoạch đến vậy?

Nhưng, không làm là không được bởi thông thường những thầy cô tổ trưởng chuyên môn là người bị Ban giám hiệu kiểm tra đầu tiên và khi có thanh, kiểm tra của phòng, sở giáo dục, hội đồng bộ môn thì cấp trên cũng chủ yếu kiểm tra hồ sơ chuyên môn của tổ.

Cần tạo niềm tin cho nhau thì giáo dục mới phát triển

Việc thanh, kiểm tra của phòng, sở hay các cơ quan chuyên môn về trường học là điều bắt buộc phải có nhưng có lẽ chỉ nên phân quyền và giao quyền tự chủ cho các trường học sẽ ổn hơn rất nhiều.

Đặc biệt, theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT đã hướng dẫn: “hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.

Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Chính vì thế, thay vì các gì cũng bắt phải in, phải lưu thì các địa phương cần chuyển sang hồ sơ điện tử sẽ phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Giáo án của giáo viên thì giao cho tổ trưởng, tổ phó chuyên môn phê duyệt hàng tháng. Sổ điểm thì kiểm tra trên phần mềm theo quy định thời gian.

Các loại kế hoạch chuyên môn của nhà trường, tổ chuyên môn thì đăng trên website của đơn vị. Giáo viên, học sinh, phụ huynh và thậm chí là cấp trên muốn kiểm tra thì có thể vào địa chỉ các nhà trường kiểm tra vừa nhanh, vừa đỡ tốn kém cho việc in ấn.

Phòng, sở về chỉ cần dừng lại kiểm tra ở Ban giám hiệu hoặc cùng lắm là kiểm tra tổ trưởng chuyên môn là được. Nếu muốn nắm chất lượng giảng dạy, học tập thì dự giờ một số tiết của giáo viên nắm tình hình.

Các loại hồ sơ sổ sách của giáo viên dạy lớp, chủ nhiệm thì giao cho tổ chuyên môn, nhà trường tự chủ. Thực ra, sở, phòng không cần thiết phải lật dò từng trang hồ sơ, kế hoạch của giáo viên bởi mỗi năm cấp trên chỉ có 1-2 lần kiểm tra các trường học chứ không thể xuống thường xuyên được.

Vì thế, những việc con con như vậy thì giao cho trường tự chủ, họ làm sao miễn đúng với quy chế, hướng dẫn của Bộ là được. Suy cho cùng, hồ sơ sổ sách và kế hoạch giáo viên có gì đâu ngoài vài tệp giấy cũ mèm thì lật dở làm gì cho mất thời gian…

Cái chính là kiểm tra người đứng đầu nhà trường, đứng đầu các tổ chuyên môn - những người này mà làm không tốt thì đánh giá chung cho tổ, cho trường.

Bởi, người đứng đầu mà làm việc không khoa học, ngăn nắp, không có kế hoạch thì triển khai, chỉ đạo ai. Ngược lại, nếu họ làm tốt công việc đang đảm nhận thì tất nhiên đó là những người chỉn chu trong công việc.

Những loại hồ sơ sổ sách của giáo viên bây giờ đâu có khó khăn gì, chỉ những giáo viên tệ lắm mới không chuẩn bị chu đáo cho mình đầy đủ mà thôi.

Công tác thanh, kiểm tra trường học, giáo viên của nhiều địa phương hiện nay đang còn nặng hồ sơ sổ sách, hành chính nên nó hay gây ra những nỗi ngao ngán cho nhiều đơn vị và giáo viên.

Tâm lý dưới sợ trên, cấp trên sợ cấp trên nữa nên sinh ra quá nhiều loại hồ sơ sổ sách vô bổ để không thiếu cái gì và cuối cùng cũng chỉ để đối phó, hành nhau mà hiệu quả thì chẳng đáng là bao.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG