Chế độ đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực là gốc, đòi bồi thường kinh phí là ngọn

25/05/2021 08:39
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ đào tạo từ nước ngoài về lại hưởng mức lương bằng với những người không đi học, cứ “dàn hàng ngang” lên lương theo định kì hàng năm là chưa công bằng.

“Theo tôi thì từ cấp tiểu học hoặc các bậc phổ thông cũng rất cần đào tạo giảng viên là Tiến sĩ, môi trường đại học cũng càng cần phải đào tạo để giúp nâng cao trình độ giảng viên, đó là điều rất cần thiết.

Nhưng phương thức đào tạo như thế nào để đảm bảo không bị “chảy máu” chất xám? Trong thực tế hiện nay có rất nhiều người được đào tạo ở nước ngoài…bằng ngân sách của nhà nước nhưng thử hỏi có bao nhiêu người về đúng môi trường, đúng nơi đã đưa những người đó đi đào tạo để làm việc hay không?

Hay chúng ta cứ đưa ra quy định sau khi được đào tạo về chỉ làm việc có 2 đến 3 năm, rồi sau đó anh có thể chuyển công tác? Đó là điều bất cập hiện nay”, nhà giáo nhân dân N.H.N - Hiệu trưởng một trường phổ thông tư thục ở Hà Nội đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Những du học sinh kia vẫn sinh sống, làm việc nghiên cứu, hưởng lương ở nước ngoài nhưng những công trình, phát minh của họ lại phục vụ chính đất mẹ thì theo tôi đó cũng là cống hiến phục vụ tổ quốc. Ảnh minh họa: T.D.

Những du học sinh kia vẫn sinh sống, làm việc nghiên cứu, hưởng lương ở nước ngoài nhưng những công trình, phát minh của họ lại phục vụ chính đất mẹ thì theo tôi đó cũng là cống hiến phục vụ tổ quốc. Ảnh minh họa: T.D.

Theo cô N: “Việc đào tạo tiến sĩ là cần thiết, nhưng việc trước mắt cũng cần thiết không kém là chúng ta phải đưa ra một quy chế đào tạo và sau đào tạo phù hợp với thực tế hiện nay, chứ không phải chỉ là quy chế chung chung, không ai chịu trách nhiệm.

Nhiều giảng viên vì điều kiện họ không thể có kinh tế để tự túc theo học, vậy nên nhà nước tạo điều kiện đào tạo những người này là rất tốt. Ngay như trường chúng tôi nhiều năm gần đây cũng đã đầu tư kinh phí để đưa giáo viên của trường ra nước ngoài đào tạo trong thời gian 1 vài tháng, hoặc vào dịp hè.

Nhưng sau đó những giáo viên này lại quay về trường để làm việc, để cống hiến lâu dài đem những chất xám đã học được để áp dụng vào giảng dạy, và học sinh là những người được hưởng những thành quả đó. Giáo viên được đào tạo về, có trình độ giỏi thì chúng tôi sắp xếp mức thu nhập cao hơn, còn nếu những giáo viên đó không phục vụ nhà trường thì họ phải đền bù lại số kinh phí mà nhà trường đã bỏ ra đưa họ đi đào tạo.

Cũng phải xác định trong giáo dục thì việc đào tạo là hoàn toàn đúng, nhưng quy chế trong vấn đề đào tạo như thế nào để đảm bảo không bị chảy máu chất xám. Mấy năm gần đây đã xảy ra tình trạng: Thứ nhất là đào tạo xong những người đó ở nước ngoài không về. Thứ hai họ có thể về nhưng chỉ phục vụ trong thời gian ngắn rồi lại chuyển sang cơ quan khác.

Thứ 3 là họ có quay về chính nơi đã cử họ đi đào tạo nhưng họ chỉ làm “lấy lệ” cho đúng quy định, còn thực sự năng suất làm việc không cao, không đáng gì so với việc được đi đào tạo, cơ quan đó cũng không thể bắt bẻ được họ vì không có quy định cụ thể.

Vậy nên phải có quy định thật chặt chẽ trước khi đưa các giảng viên đi đào tạo để khi quay trở lại họ phải cống hiến, phải làm việc như thế nào? Và nếu người ta không quay lại thì phải xử lý như thế nào?

Có những người được đào tạo ở nước ngoài về không phục vụ, hứa trả dần vì không có kinh tế, nhưng cũng có những trường “ngại” đòi và người được đào tạo cố tình trây ỳ không trả. Để lâu hòa cả làng. Theo quan điểm của tôi đưa việc này vào Luật và xử theo khung rõ ràng thì mới mong giải quyết được tình trạng này”.

Theo quy định hiện nay, các trường có trách nhiệm quản lý và cấp phát học bổng của Đề án 89 tới người được cử đi đào tạo. Đồng thời, có trách nhiệm thu hồi học bổng của Đề án khi người được cử đi đào tạo vi phạm quy định.

Cô N. nêu quan điểm: “Nếu trường phải đền tiền thì tôi chắc không trường nào dám cử giảng viên đi học. Trường đại học nơi tôi công tác trước đây có một số trường hợp đi học bằng ngân sách nhà nước rồi không về làm việc như cam kết nhưng cũng không rõ việc “đòi tiền” ra sao. Khi họ đã học xong tiến sĩ thì việc tìm kiếm công việc để ở lại nước ngoài không quá khó khăn.

Với các chương trình học bổng trước đây như Đề án 322 hay 911, Bộ Giáo dục và Đào tạo là nơi ra quyết định cho đi học và tiếp nhận về. Với Đề án 89 này, dự kiến nhà trường đóng vai trò chính trong cả quy trình tuyển chọn, gửi giảng viên đi đào tạo, quản lý kinh phí, theo dõi quá trình đào tạo giảng viên…

Vậy đặt ra việc nhà trường phải có trách nhiệm với khoản kinh phí cho giảng viên đi học là đúng. Tuy nhiên, cần có hình thức quản lý vấn đề bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo với tính ràng buộc, cam kết cao hơn đối với học viên, tránh khó cho các trường.

Cần phải có các chế tài chặt chẽ hơn trong việc bồi hoàn kinh phí. Trường có thể cam kết đôn đốc việc bồi hoàn chứ không phải là đơn vị phải bồi hoàn nếu người học không trở về, vậy thì nhà trường lấy kinh phí đâu mà bồi hoàn? Nếu chỉ cam kết bồi hoàn nhưng giảng viên đi học ở nước ngoài xong không về nước thì đòi kiểu gì?

Kể cả gia đình người đi học có ký vào cam kết thì trách nhiệm chính bồi hoàn vẫn là cá nhân người đi học. Trong trường hợp giảng viên không hoàn thành việc học, có thể trừ dần kinh phí đào tạo vào lương thì trừ ra sao, bao nhiêu phần trăm mỗi tháng? Nếu giảng viên nói bị trừ lương họ không đủ nuôi sống bản thân và gia đình, họ nghỉ việc ở trường thì sẽ tiếp tục truy thu như thế nào?... Tất cả phải có quy định rõ ràng.

Phải quy định thế nào để đảm bảo được việc đưa giảng viên đi đào tạo là đúng, ngành đang đào tạo đúng và chúng ta đang làm đúng, mọi quy định, quy chế của việc đào tạo này là đúng thì việc này mới có hiệu quả thực chất, còn cứ như hiện nay mất tiền đưa giảng viên đi đào tạo nhưng nhưng nhà nước lại không “thu” được gì từ những giảng viên đó. Theo tôi như vậy là lãng phí, không hiệu quả, tốn tiền ngân sách ”.

Bà Lê Thị Túy: "Việc đãi ngộ mức lương sau khi những người này trở về nước cũng cần phải có chính sách riêng, cần ưu tiên bố trí công việc phù hợp với ngành họ đã được đào tạo, có như vậy họ mới phát huy được khả năng đã học". Ảnh: Tùng Dương.

Bà Lê Thị Túy: "Việc đãi ngộ mức lương sau khi những người này trở về nước cũng cần phải có chính sách riêng, cần ưu tiên bố trí công việc phù hợp với ngành họ đã được đào tạo, có như vậy họ mới phát huy được khả năng đã học". Ảnh: Tùng Dương.

Chế độ đãi ngộ chưa thu hút được nhân tài?

Cũng về vấn đề này, bà Lê Thị Túy - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, chia sẻ quan điểm: “Người được cử đi đào tạo bằng nguồn ngân sách nhà nước nhưng lại không quay về cống hiến thì người đó sai hoàn toàn.

Tôi biết có trường hợp một Bộ ở ta cử người sang Pháp đào tạo tiến sĩ và sau khi học xong người đó không về nước, do đó Bộ cũng “cắt đứt” đường quay về nước của tiến sĩ đó nếu như không chịu hoàn trả số tiền chi phí trong thời gian học tại Pháp.

Theo tôi đây là một trong những biện pháp cương quyết đối với những người được cử ra nước ngoài đào tạo bằng nguồn ngân sách nhà nước nhưng lại không chịu quay về cống hiến.

Nhưng nói như vậy mới là một chiều, chúng ta cũng cần phải xem lại chế độ tuyển dụng, sắp xếp công việc với những người đi học về ra sao, có thỏa đáng hay không?

Có thể những người đi học đó lại theo học những ngành mà trong nước chưa có hoặc chưa phát triển, ví dụ như nghiên cứu chế tạo về Robot, về vũ trụ …vậy thì làm sao những người này về nước cống hiến được?

Vậy nên có thể nói những người như vậy không về nước bởi trình với độ của họ dễ dàng kiếm được việc làm, mức lương cao ở nước ngoài, được nhập quốc tịch cũng như được tạo mọi điều kiện để người đó phát triển hết khả năng".

Bà Túy nói: "Nếu nhà nước có chế độ chính sách đãi ngộ tốt và có ngành nghề như họ đã được đào tạo để chào đón những người này trở về cống hiến thì quá tốt, còn không thì chúng ta cũng cần phải xem lại để có hướng đào tạo ngành nghề nào cho phù hợp.

Việc đãi ngộ mức lương sau khi những người này trở về nước cũng cần phải có chính sách riêng, cần ưu tiên bố trí công việc phù hợp với ngành họ đã được đào tạo, có như vậy họ mới phát huy được khả năng đã học. Hơn nữa không thể tiến sĩ đào tạo từ nước ngoài về lại hưởng mức lương ngang hàng với những người không đi học, cứ “dàn hàng ngang” lên lương theo bậc định kì hàng năm là không công bằng.

Ngay như mức lương hiện nay của giới trí thức, các nhà khoa học trong nước ở tầm 8 - 9 triệu 1 tháng thì làm sao họ sống được? Hơn nữa tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài về cũng hưởng mức lương như vậy thì thử hỏi chúng ta đã có gì để thu hút nhân tài? Người tài và chưa tài phải được hưởng thu nhập khác nhau chứ không thể cào bằng như hiện nay.

Tôi thấy phần lớn các thứ có chất lượng quốc tế ở nước ta hiện nay đều có giá bán cao hơn thế giới như xe hơi, chung cư cao cấp, trường học quốc tế…thì không có lý gì trả tiến sĩ lương thấp. Tiến sĩ quốc tế thì cũng cần điều kiện làm việc và thu nhập quốc tế, nếu đãi ngộ thấp thì sớm muộn gì họ cũng sẽ bỏ.

Điều bất hợp lý hơn là sau khi có bằng tiến sĩ quốc tế, tốt nghiệp một trường có danh tiếng ở nước ngoài trở về Việt Nam thì lại "được" cho mức lương dưới 10 triệu, mà mức lương ấy thì cần gì phải tiến sĩ mới làm được”.

Cần đem “chất xám” phục vụ đất nước

Bà Túy cho biết: “Tôi thấy nhiều nước trên thế giới có “chính sách” mua chất xám của du học sinh định cư ở nước ngoài, những người này đi du học tự túc rồi ở lại nước ngoài làm việc, nhưng chính phủ của họ có “chế độ” đãi ngộ đặc biệt với từng cá nhân du học sinh đó và thậm chí là đãi ngộ cả gia đình những du học sinh đó ở trong nước một cách chu đáo.

Chính những chính sách chế độ đó đã phần nào khơi dậy, hướng về đất nước của những du học sinh kia, và đương nhiên từ đó họ sẽ một lòng phục vụ cống hiến cho đất nước nơi họ sinh ra, theo tôi đó cũng là cách họ cống hiến chứ không phải chỉ có học xong quay về nước mới là cống hiến, có khi học xong về nước mà trình độ chưa giỏi, làm việc làng nhàng thì cũng như không mà thôi.

Những du học sinh kia vẫn sinh sống, làm việc nghiên cứu, hưởng lương ở nước ngoài nhưng những công trình, phát minh của họ lại phục vụ chính đất mẹ thì theo tôi đó cũng là cống hiến phục vụ tổ quốc”.

Bà Túy nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải xem xét, có đánh giá cẩn thận xem hiện nay trong nước cần đào tạo những ngành nào, thiếu bao nhiêu nhân lực, rồi tính đáp ứng công việc của những người được đào tạo ra sao, khi họ về thì bố trí công việc thế nào, chế độ đãi ngộ…từ đó việc đưa người ra nước ngoài đào tạo mới trúng, mới đúng chứ không thể cứ thấy thiếu là đưa đi đào tạo đại trà, kể cả những ngành trong nước chưa có thì đó lại là sự lãng phí lớn”.

Tùng Dương