Chất lượng nhà giáo không đảm bảo làm sao có sản phẩm tốt

23/02/2019 15:55
Đỗ Thơm
(GDVN) - "Đã nói đến sư phạm mà chất lượng nhà giáo không đảm bảo, không tốt thì không thể có sản phẩm tốt", Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Theo thống kê, có hơn 1 triệu lượt ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Nội dung tập trung vào 11 nhóm vấn đề Chính phủ coi là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân.

Cùng với báo cáo tổng hợp ý kiến Nhân dân về dự án Luật, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/2, các đại biểu đã có thêm nhiều góp ý để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, có thể nói kỳ này là tham khảo ý kiến Nhân dân để nâng cao chất lượng xây dựng luật, không phải quy trình lấy ý kiến Nhân dân theo khoản 2 Điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

“Đây là với sự thận trọng của Thường vụ Quốc hội và sự lắng nghe của Chính phủ để phối hợp với nhau lấy ý kiến Nhân dân với tính chất tham khảo để hoàn chỉnh”, đại biểu Nguyễn Khắc Định nói.

Theo vị Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, vừa rồi Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ lấy ý kiến rồi tổng hợp, tiếp thu hai bên phối hợp rất tốt.

Đây thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận cao giữa Thường vụ, Chính phủ, đặc biệt là các cơ quan trực tiếp giúp việc.

Với phạm vi tham khảo như vậy là rộng. Việc tổng hợp với 11 vấn đề lớn cũng đã bao quát những vấn đề nóng nhất.

Vì vậy không thể nói lấy ý kiến Nhân dân như thế là đủ hay chưa đủ mà phải khẳng định lấy ý kiến Nhân dân như vừa qua là rất tốt.

Phát biểu thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm, về cơ bản ông tán thành với dự kiến đề xuất của Chính phủ và của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng trình Thường vụ Quốc hội tại phiên họp.

Việc lấy ý kiến Nhân dân rất cần thiết và rất quan trọng để có cơ sở cho Quốc hội có đủ thông tin, có thêm quan điểm, ý kiến và cân nhắc khi quyết định thông qua dự án luật này.

“Về triết lý giáo dục tôi tán thành với giải trình của 2 cơ quan, không thể có một điều riêng khái quát được triết lý giáo dục của Việt Nam.

Triết lý giáo dục của chúng ta phải thể hiện qua quan điểm, mục tiêu, nội dung, phương pháp và các quy định khác trong luật này, qua đó thể hiện được triết lý giáo dục của chúng ta”, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nêu.

Về quy định về định hướng hướng nghiệp phân luồng, đây là vấn đề rất lớn, ta đang mắc nhất chỗ này nên con em của chúng ta đổ xô vào học cử nhân, đại học.

“Nếu luật này không giải quyết được vấn đề này thật rõ thì chúng ta không giải quyết được vấn đề thực tế hiện nay.

Ở các nước tùy vào trình độ, tùy vào khả năng người ta phân loại ra học xong trung học cơ sở rồi lên trung học phổ thông, trung học phổ thông có loại đi ra học nghề, có một tỷ lệ rất ít vào đại học.

Tôi nghĩ điểm này cần làm rõ và giải quyết được thực tế này để người ta tin rằng nếu phân luồng thế này con em học đến đó rồi sau đó học nghề, có công ăn việc làm, có thu nhập, vẫn được xã hội tôn vinh.

Tâm lý khoa bảng từ xưa đến giờ rồi, việc đó tốt nhưng không nên kéo dài mãi tình trạng này”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Về chính sách cử tuyển, ông đồng ý có chính sách cử tuyển nhưng phải kèm theo những điều kiện cụ thể vào trong luật.

Lâu nay chúng ta thực hiện chính sách cử tuyển rồi không phải lần đầu tiên nêu ra. Nhưng tại sao cử tuyển của chúng ta không thực hiện theo đúng mục đích đề ra từ đầu? Đó là vì chúng ta chưa có tiêu chuẩn, chưa có điều kiện, chưa quy định trách nhiệm của từng cấp, từng ngành ở đây như thế nào.

“Lần này tôi đồng ý vẫn có cử tuyển nhưng khoanh lại đối với vùng cao, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và phải có trách nhiệm sau khi học về phải làm tại đó”, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Chất lượng nhà giáo không đảm bảo làm sao có sản phẩm tốt ảnh 2Tuyển giáo viên đạt chuẩn đào tạo chính quy lợi hơn nhiều bồi dưỡng nâng chuẩn

Về phần nhà giáo, đã nói đến sư phạm mà chất lượng nhà giáo không đảm bảo, không tốt thì không thể có sản phẩm tốt.

“Tôi đề nghị phải nâng chất lượng nhà giáo lên, phải kèm theo chính sách phù hợp cho nhà giáo.

Không thể nói giờ giáo viên mầm non không cần có trình độ cao đẳng. Nhưng tôi nghĩ nói cao đẳng nhưng phải tính đến lộ trình để chuyển đổi.

Nếu cứ nói giáo viên mầm non là cao đẳng cả là rất khó trên thực tế. Nên trong luật phải nói có lộ trình để sau bao nhiêu năm là tất cả các giáo viên mầm non chuẩn phải là cao đẳng”, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Đỗ Thơm