Chất lượng điều dưỡng Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu quốc tế

09/10/2018 07:04
Thùy Linh
(GDVN) - Nhật Bản có nhu cầu thị trường lên tới 30.000 điều dưỡng nhưng chỉ có 417 điều dưỡng Việt Nam đáp ứng được.

Điều dưỡng là một nghề liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người thông qua chăm sóc sức khỏe và đây cũng là nghề đặc biệt thiên về chăm sóc người bệnh. 

Một nghề rất quan trọng là vậy tuy nhiên, tại hội thảo Nâng cao năng lực của giảng viên điều dưỡng do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức ngày 5/10, Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Trần Ngọc – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Phú Yên cho rằng:

Hiện nay nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam vừa thiếu về số lượng vừa yếu về năng lực, trình độ, thiếu đào tạo chuyên khoa;

Bởi lẽ, tỷ lệ điều dưỡng trung cấp/ điều dưỡng cao đẳng, đại học = 72% cùng với đó là tỷ số điều dưỡng – hộ sinh/ bác sĩ mới chỉ đạt 1,8 (năm 2016) trong khi yêu cầu tỷ lệ này phải là 3,0-3,5. 

Ngoài ra, năng lực điều dưỡng Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng (25% sinh viên điều dưỡng tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn); Chương trình đào tạo theo hướng lý thuyết;

Chưa hội nhập được với thị trường lao động quốc tế điều này thể hiện qua việc nếu Nhật Bản có nhu cầu thị trường lên tới 30.000 điều dưỡng thì chỉ có 417 điều dưỡng Việt Nam đáp ứng được. 

Chất lượng đào tạo ngành điều dưỡng Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu quốc tế (Ảnh minh họa: Báo Đảng cộng sản Việt Nam)
Chất lượng đào tạo ngành điều dưỡng Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu quốc tế (Ảnh minh họa: Báo Đảng cộng sản Việt Nam)

Còn khi đánh giá chung về thực trạng đội ngũ giảng viên điều dưỡng thì Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Trần Ngọc khẳng định: “Chúng ta chưa có định hướng chiến lược xây dựng đội ngũ giảng viên điều dưỡng Việt Nam”. 

Lý giải cho nhận định này, bác sĩ Ngọc thông tin, hiện nay Việt Nam thiếu số lượng giảng viên chuyên nghiệp (59,58% đội ngũ bác sĩ dạy cho điều dưỡng), giảng viên điều dưỡng tham gia công tác quản lý, quản trị còn thấp (lãnh đạo trường mới chỉ đạt 0,59%, trưởng/ phó khoa/ phòng/ bộ môn chỉ dừng lại ở con số 16,12%). 

Ngoài ra theo số liệu thống kê của Tiến sĩ Nguyễn Minh Lợi - Phó cục trưởng Cục khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho thấy, năm 2016, số giảng viên có trình độ tiến sĩ điều dưỡng trên cả nước chỉ chiếm 0,92%, trình độ thạc sĩ là 27,04%. 

Trong khi đó, Đại học Y dược Thái Bình trích dẫn, theo một nghiên cứu khác: Do thiếu độ ngũ giảng viên được đào tạo đúng chuyên ngành Điều dưỡng nên có một số lượng lớn bác sĩ tham gia đào tạo Điều dưỡng trong nhiều thập kỉ qua. 

Từ những hạn chế nêu trên, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Phú Yên cho rằng nâng cao năng lực giảng dạy của giảng viên điều dưỡng là giải pháp cấp thiết. 

Chất lượng điều dưỡng Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu quốc tế ảnh 2Ngành điều dưỡng ở Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng

Năng lực của giảng viên điều dưỡng phải được xây dựng trên cơ sở tiếp cận chuẩn quốc tế và đáp ứng với yêu cầu của các nhà tuyển dụng. 

Nâng cao năng lực giảng viên điều dưỡng đó là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong hoạch định chính sách của cơ sở đào tạo và chính bản thân của giảng viên điều dưỡng nhằm đạt năng lực nghề nghiệp. 

Cụ thể, Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Trần Ngọc đề xuất, chúng ta cần xây dựng bộ chuẩn năng lực cốt lõi giảng viên đặc biệt là giảng viên điều dưỡng, cải thiện chế độ tiền lương cho giảng viên điều dưỡng, tạo môi trường điều kiện để giảng viên phát triển năng lực bản thân. 

Đồng thời cần tích cực đào tạo, chuẩn hóa bằng cấp (tiến sĩ, thạc sĩ), nâng cao năng lực giảng dạy bằng nguồn lực hiện có. Giảng viên điều dưỡng cần được tham gia công tác quản lý, quản trị tại cơ sở đào tạo…

Còn đối với giảng viên thì cần đổi mới phương pháp giảng dạy theo năng lực bằng cách lấy người học làm trung tâm, tối ưu hóa sự tích hợp lồng ghép và tổ chức lớp học “đảo chiều” để hình thành năng lực….

Thùy Linh