Chàng sinh viên mê giáo dục STEM

18/06/2019 06:27
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Thật bất ngờ với thành tích “khủng” của “thầy giáo STEM” Phạm Việt Dũng trong thời gian học ở Đại học Sư phạm Hà Nội.

Mấy đứa học trò chụp hình, khoe nhau trên Facebook, sản phẩm mình làm được dịp hè về; hỏi ra mới biết chúng học từ youtube, tự tay làm những đồ chơi học tập đầy sáng tạo, thú vị. 

Tìm hiểu thêm, tác giả của youtube giáo dục STEM là Phạm Dũng, một thành viên của cộng đồng MIE Experts Việt Nam.

Là người tham gia cộng đồng MIE Experts Việt Nam đã lâu, theo dõi, học tập từ các đồng nghiệp trẻ về giáo dục STEM, “giáo già” tôi học rất nhiều từ “giáo trẻ”; năng động, tràn đầy nhiệt huyết với nghề; đam mê và đầy sáng tạo.

Đặc biệt, các sáng tạo chia sẻ trên MIE Experts Việt Nam, hoàn toàn miễn phí. 

Người trước bày cho người sau, người rành bày cho người mới học; tất cả cùng mục đích vì giáo dục nước nhà, vì học sinh thân yêu. 

Khi thấy những ý tưởng sáng tạo của Dũng, tôi và nhiều đồng nghiệp bất ngờ, càng bất ngờ hơn khi quen Dũng, Dũng đang là sinh viên năm thứ 4, Đại học Sư phạm Hà Nội. 

Tên thật của bạn ấy là Phạm Việt Dũng, chàng trai 9X đời đầu đạt điểm 10 môn Vật lý, kỳ thi đại học năm 2008; học ngành điện điện tử tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, sau 2 năm, trúng tuyển ngành Vật Lý đại học NTU (Đại học công nghệ Nangyang Singapore).

Tốt nghiệp NTU, đi làm ở công ty Công nghệ; đam mê giáo dục nên bỏ việc; thực tập ở Trường Phổ thông Liên cấp Olympia một thời gian, quyết định thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Vật lý. 

Xưởng maker tại nhà Dũng, nơi sinh hoạt của câu lạc bộ Vui học STEM. (Ảnh CTVCC)
Xưởng maker tại nhà Dũng, nơi sinh hoạt của câu lạc bộ Vui học STEM. (Ảnh CTVCC)

Tâm sự, Dũng chia sẻ “Thời gian học ở Singapore, em thấy đất nước của họ rất khác với đất nước của mình; em đặt ra câu hỏi cho bản thân mình: Nguyên nhân nào dẫn đến sự khác biệt đó?

Câu trả lời em tự tìm ra: Giáo dục. Em thấy giáo dục chúng ta quá nặng tính lý thuyết, rất ít thí nghiệm, thực hành; học sinh gần như không được trải nghiệm, học không … có gì để hành. 

Cả đời học trò nhưng không tạo ra sản phẩm nào làm kỉ niệm. 

Về nước, em tổ chức một lớp học trải nghiệm, các em nhỏ vô cùng hứng thú; đặc biệt hơn, chính các phụ huynh cũng cảm nhận được sự tiến bộ, khác biệt của con em mình, đó là mô hình giáo dục STEM đầu tiên em tổ chức. 

Để lan tỏa đến cộng đồng, em tổ chức “Câu lạc bộ Vui học STEM”, có facebook page, youtube channel; với xưởng maker tại nhà để thỏa mãn đam mê sáng tạo, sáng chế đồ dùng dạy học, đồ chơi giáo dục. 

Trong quá trình sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động của các thành viên được em quay thành Clip, Clip được chia sẻ miễn phí trên Youtube channel, MIE Experts Việt Nam”. 

Phạm Việt Dũng, đứng giữa, cùng các bạn trong câu lạc bộ Giáo viên STEM. (Ảnh: CTVCC)
Phạm Việt Dũng, đứng giữa, cùng các bạn trong câu lạc bộ Giáo viên STEM. (Ảnh: CTVCC)

Thật bất ngờ với thành tích “khủng” của “thầy giáo STEM” Phạm Việt Dũng trong thời gian học ở Đại học Sư phạm Hà Nội.

- 02 giải Nhất kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc 2018, 2019

- 03 giải Nhì kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc 2017 và 2018, 2019.

- Giải Nhì cuộc thi Sáng tạo đồ dùng dạy học của khoa Vật lý, Đại học Sư phạm Hà Nội

- Giải Nhất phần thi “Giải bài tập Vật Lý” khoa Vật lý Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2018

- Giải Nhất phần thi “Video giảng dạy Vật lý” khoa Vật lý Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2018

- Giải Khuyến khích Olympic Tiếng Anh chuyên Toàn quốc 2017

- Nhận học bổng Odon Vallet 2018 tại Quốc tử giám.

- Học bổng trường Đại học Sư phạm Hà Nội các kỳ học 1,2,3,4.

Sinh viên Bách khoa sáng chế phương tiện thủy - bộ thu gom rác
Sinh viên Bách khoa sáng chế phương tiện thủy - bộ thu gom rác

- Điểm trung bình chung tích lũy hiện tại: 3.91/4.00 và 9.05/10.00, là người có điểm tích lũy thủ khoa khoa Vật lý Đại học Sư phạm Hà Nội.

- Danh hiệu Sinh viên tiêu biểu cấp trường, trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm học 2016-2017.

Từ kinh nghiệm của bản thân tích lũy được, Dũng “đào tạo” các bạn sinh viên khoa Vật lý Đại học Sư phạm Hà Nội dạy STEM. 

Cho đi là còn mãi, Dũng tham gia Ban tổ chức Ngày hội Giáo dục thị xã Đông Triều (phụ trách trạm STEM, Science fun); Thành viên Ban tổ chức (phụ trách trạm Vật lý, đồ chơi giáo dục) STEM, STEAM Fair tại trường Phổ thông Liên cấp Olympia năm 2107, 2018, 2019; Thành viên Ban tổ chức Digigirlz Day 2019 của Microsoft.

Hỏi về dự định tương lai, Dũng tâm sự “Em tiếp tục sáng tạo những sản phẩm giáo dục có chất lượng hơn, chia sẻ lên kênh Facebook và Youtube để phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo trên cả nước tham khảo;

Hy vọng đó sẽ trở thành một kênh hữu ích cho cộng đồng; tạo động lực cho tất cả mọi người cùng tạo tham gia đổi mới dạy học; góp chút công sức cho giáo dục nước nhà”.

Để học tập, trải nghiệm, làm quen với giáo dục STEM, thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh có thể vào các địa chỉ sau: 

https://www.youtube.com/channel/UCnLDF397bwda1mbD7zCTECw

https://www.facebook.com/vuihocSTEM

Xu hướng giáo dục STEM, không thể đảo ngược; hoặc bạn chuẩn bị tốt nhất để đón lấy cơ hội; hoặc đến một lúc nào đó bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. 

Muốn không bị bỏ rơi, thầy cô phải tự học, tự rèn; trang bị kiến thức chuyên môn; trau dồi ngoại ngữ; rèn luyện khả năng thực hành, sáng tạo; biến ý tưởng giáo dục thành hiện thực, sau đó là … hướng dẫn học sinh. 

Giáo dục STEM, mới và khó, nhưng không có nghĩa là không làm được; có những thầy giáo đam mê, trẻ, nhiệt huyết đang sẵn sàng chia sẻ; mỗi thầy cô giáo hãy tự học, không bao giờ là muộn.              

Sơn Quang Huyến