Chẳng cần những chứng chỉ ấy thì chúng tôi vẫn dạy tốt

24/06/2019 07:01
Thủy Trúc
(GDVN) - Đành ngậm đắng nuốt cay bỏ ra hàng chục triệu đồng chỉ để khuân về 2 cái giấy gọi là chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên há chẳng phải bất công lắm sao?

Tôi và chồng tôi đều là giáo viên công tác trong ngành giáo dục đã hơn 30 năm.

Năm 2006 chúng tôi có tấm bằng đại học sau 2 năm học tại chức.

Giáo viên cần có năng lực và òng nhiệt huyết chứ vài ba cái chứng chỉ hình thức kia sẽ trở nên thừa (Ảnh minh họa: T.L).
Giáo viên cần có năng lực và òng nhiệt huyết chứ vài ba cái chứng chỉ hình thức kia sẽ trở nên thừa (Ảnh minh họa: T.L).

Cũng thời điểm này, tỉnh tôi chuyển ngạch cho tất cả giáo viên theo bằng cấp (được ăn lương qua ngạch đại học) trong đó có 2 vợ chồng chúng tôi.

Cách đây vài năm, người ta yêu cầu bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ, tin học vào hồ sơ.

Nói về ngoại ngữ, lứa giáo viên chúng tôi cũng chỉ được học vài ba năm tại trường phổ thông nên người biết nhiều thì bập bõm vài ba câu chào hỏi thông thường.

Người lại không biết một chữ cắn đôi. Nhưng chẳng hề gì vì chúng tôi đâu phải là giáo viên dạy ngoại ngữ?

Cả năm cũng chẳng khi nào cần nói hay tra cứu một từ, biết ngoại ngữ cũng tốt, không biết cũng chẳng hề chi.

Vì điều này, giáo viên chúng tôi cũng không muốn bỏ công sức, tiền bạc ra để học.

Còn vi tính, dù thời điểm ấy chưa yêu cầu phải học, phải có chứng chỉ. Nhưng thầy cô giáo nào chẳng mày mò tự học vì nó liên quan nhiều đến công việc hằng ngày của chúng tôi. 

Nhưng chuyện biết và chuyện phải có chứng chỉ lại hoàn toàn khác nhau.

Trước sức ép của nhà trường (họ đưa ra đủ lý do, trường chuẩn thì giáo viên phải chuẩn, đưa vào đánh giá xếp loại hằng năm…), chúng tôi buộc phải đi học để có chứng chỉ hợp pháp.

Nếu đúng là học mới có được chứng chỉ ngoại ngữ, chắc chắn sẽ không bao giờ thầy cô giáo nào (lứa tuổi như chúng tôi và hơn thế) dám đi học.

Học vài ba ngày nhận chứng chỉ nghề nghiệp để làm gì?

Vì có học đến 10 năm cũng chẳng thể lấy được một chứng chỉ ngoại ngữ thực chất.

Thế nhưng lời mời chào vô cùng hấp dẫn, học một buổi, thi hai tiếng là có ngay 2 chứng chỉ, vấn đề là phải có tiền!

Tiền ở đâu? Tiền vay người nào? Bao giờ thì trả được? Cũng là cả một vấn đề cần giải quyết.

Nhưng để yên ổn, để yên thân, để không bị réo gọi tên, nhiều thầy cô giáo ùn ùn đăng kí thi chứng chỉ.

Từ ngày có 2 chứng chỉ mang về kẹp hồ sơ (loại khá hẳn hoi) thì việc giảng dạy của chúng tôi vẫn cứ như thế.

Sự hiểu biết của chúng tôi không nhờ những chứng chỉ ấy mà được nâng lên.

Những bài giảng không nhờ những chứng chỉ ấy mà hay hơn, hiệu quả hơn.

Điều được duy nhất là chúng tôi không còn bị nhắc nhở như trước.

Ngỡ đã thoát nạn chứng chỉ, thì nay chúng tôi lại đứng trước nguy cơ bị tụt hạng nếu không bổ sung chứng chỉ kịp thời theo lời một số hiệu trưởng nói.

Một số đồng nghiệp của chúng tôi đã mang tiền đi học. Số tiền ít ỏi từ đồng lương hàng tháng không đủ, không ít thầy cô phải đi vay ngoài với lãi suất không hề rẻ.

Nói là học cho oai chứ nộp tiền xong làm bài kiểm tra là về. Một số đồng nghiệp khác nói rằng địa phương họ yêu cầu học 1 tháng.

Thế nhưng nội dung học thì chán ngắt, toàn những nội dung về quản lý hành chính, về vai trò hiệu trưởng, hiệu phó, về đạo đức nhà giáo, về phương pháp dạy học mới, về đổi mới trong giáo dục…những điều chẳng cần học, chỉ nhắm mắt thì giáo viên vẫn trả lời vanh vách.

Chứng chỉ giữ hạng của giáo viên học 1 ngày là có, sao thu nhiều tiền thế?

Bao nhiêu năm (kể từ khi được nâng hạng mà chưa có chứng chỉ nghề) chúng tôi vẫn dạy tốt.

Chúng tôi vẫn đạt đầy đủ các danh hiệu cao trong ngành như giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền liên tục.

Trong thực tế, lớp học mà chúng tôi dạy, các em học sinh vẫn học tốt và những học sinh yếu kém cũng tiến bộ lên từng ngày. 

Không chỉ đồng nghiệp tin yêu, học sinh quý mến mà phụ huynh cũng rất tin tưởng.

Người giáo viên được bấy nhiêu là quá đủ. Nhưng với những quy định thăng hạng, giữ hạng lùm xùm như hiện nay, bỏ ra cả đống tiền chỉ đi mua vài tờ giấy.

Nhưng, nếu không làm thế, chúng tôi chắc chắn cũng không thể được yên ổn.

Vợ chồng tôi, đành ngậm đắng nuốt cay bỏ ra hàng chục triệu đồng chỉ để khuân về 2 cái giấy gọi là chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên mà biết rằng vĩnh viễn không bao giờ dùng đến nó thì chúng tôi vẫn dạy tốt.

Điều này, há chẳng phải bất công với chúng tôi lắm hay sao?

Thủy Trúc