Chấm thi môn Văn đã khó, 10 bài chấm chung còn khó hơn

09/06/2019 06:14
THANH AN
(GDVN) - Có người cho điểm tuyệt đối nhưng cũng có người lại cho điểm thấp hơn một chút, thậm chí có người chỉ cho một nửa số điểm tối đa của thang điểm chấm.

Trong các môn được tổ chức thi thì môn Ngữ văn vẫn là một môn học khó chấm nhất bởi nó là môn học “định tính” nên cách hiểu, cách cảm nhận của mỗi học trò luôn khác nhau.

Chính vì thế, khi thầy cô chấm Văn mà không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi của học trò. Nhất là đối với thi tuyển sinh 10- một kỳ thi có tính cạnh tranh khốc liệt ở nhiều địa phương trong thời điểm hiện nay.

Công việc chấm thi môn Ngữ văn luôn căng thẳng và được thực hiện một cách cẩn thận (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)

Công việc chấm thi môn Ngữ văn luôn căng thẳng và được thực hiện một cách cẩn thận

(Ảnh minh họa: Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)

Việc chấm thi môn Ngữ văn hiện nay có 2 kỳ thi là thi tuyển sinh 10 và thi Trung học phổ thông quốc gia.

Nhưng, có lẽ chấm thi Trung học phổ thông quốc gia thường dễ và nhẹ nhàng hơn bởi kỳ thi này đang gánh 2 nhiệm vụ, trong đó, nhiều địa phương, thầy cô giáo vẫn quan niệm là nên chấm thoáng để học sinh đậu tốt nghiệp.

Hơn nữa, việc chấm thi Trung học phổ thông quốc gia thì 2 giám khảo đều là giáo viên cùng cấp nên việc chấm cũng nhanh hơn rất nhiều.

Thế nhưng, chấm tuyển sinh 10 thì hoàn toàn ngược lại, giám khảo luôn được quán triệt phải chấm chặt chẽ và cẩn thận bởi nó ảnh hưởng đến việc đậu hoặc rớt của thí sinh. Thực tế, chỉ cần cách nhau 0,25 điểm là có em vui nhưng cũng sẽ có em buồn.

Cái khác với chấm Trung học phổ thông quốc gia là chấm thi tuyển sinh 10 thường có giáo viên của 2 cấp học là Trung học phổ thông và trung học cơ sở cùng chấm.

Chính vì vậy, điểm thi tuyển sinh 10 thường thấp hơn rất nhiều so với điểm thi trung học phổ thông quốc gia mà chúng ta đang thấy.

Việc chấm thi hiện nay đang được thực hiện theo nhiều bước, trước khi chấm thi riêng theo từng cặp thì hội đồng chấm thi thường tổ chức chấm chung 10 bài thi của học trò.

Đây là thời điểm mà hội đồng thi cân nhắc từng câu chữ trong bài làm của thí sinh để tiến tới việc thống nhất cách chấm.

Nhiều năm tham gia hội đồng chấm thi tuyển sinh 10, chúng tôi nhận thấy rằng dù làm việc rất khẩn trương, trách nhiệm nhưng khi hội đồng chấm chung 10 bài để thống nhất cách chấm thì năm nào cũng phải mất đến 3 buổi chấm. Mỗi buổi chấm thi, hội đồng chấm thi chỉ được khoảng 3-4 bài.

Chấm thi vào lớp 10, không để tuỳ tiện và sai sót

Từng câu nhỏ, từng ý văn của học trò được hội đồng chấm thi phân tích cẩn thận để thống nhất điểm cho cách chấm.

Chính vì cách diễn đạt của học trò có nhiều cách, thậm chí có nhiều ý sai hoàn toàn với đáp án, với nội dung đề bài yêu cầu nhưng hội đồng chấm phải lượm lặt những câu chữ đúng được viết rải rác trong bài thi của học trò để có thể cho điểm.

Cấu trúc chung của bài thi môn Văn hiện nay có 2 phần: phần đọc hiểu và phần tạo lập văn bản.

Phần đọc hiểu (3-4 điểm) chủ yếu là cho học sinh tái hiện lại kiến thức cơ bản đã học nên thường dễ và ngắn. Phần này thì chấm tương đối nhanh nhưng bước vào phần tạo lập văn bản (6-7 điểm) thì rối vô cùng.

Bởi, có nhiều em viết lung tung, viết chẳng bám vào đề bài, có em không nắm được nội dung tác phẩm văn học, đề yêu cầu cảm nhận bài này thì có nhiều chi tiết lại viết về bài khác, nhân vật khác.

Tuy nhiên, cũng có nhiều em lại làm bài rất tốt, nhiều bài văn trôi chảy, diễn đạt trọn ý và có nhiều sáng tạo. Chính vì thế, bài làm được hay không làm được thì cũng luôn có nhiều ý kiến trái chiều của các giám khảo.

Thang điểm cho từng câu đã có sẵn nhưng cách cho điểm môn Văn thì thường có những cách cho khác nhau. Có người cho điểm tuyệt đối, nhưng cũng có người lại cho điểm thấp hơn một chút, thậm chí có người chỉ cho một nửa số điểm tối đa.

Chính vì vậy, 10 bài chấm chung được thảo luận kỹ lưỡng để thống nhất cách chấm cho đồng nhất nhằm làm tiền đề chung cho mỗi giáo giám khảo khi về tổ chấm riêng.

Cẩn thận nhưng vì sao vẫn thấy có tiêu cực?

Dù môn Văn chấm khó và việc đúng tuyệt đối không phải bao giờ cũng thực hiện được. Bởi thực tế, chấm Văn là cảm tính của mỗi người nhưng nó cũng có những cái chung, cái cơ bản nhất.

Vì thế, những sai sót điểm dù có lệch thì cũng không đáng kể bởi đề thi luôn có nhiều câu nhỏ. Hơn nữa, việc chấm thi luôn có 2 giám khảo chấm độc lập, mỗi người ngồi ở mỗi phòng khác nhau.

Vẫn lo về chấm thi tự luận môn Ngữ văn

Giám khảo 1 khi chấm chỉ được phép khóa bài ở những chỗ giấy bài thi làm chưa hết và không được để lại dấu vết về điểm số trên bài thi của thí sinh mà phải ghi điểm vào một tờ giấy riêng. Khi giám khảo 2 chấm trực tiếp trên bài thi xong thì 2 giám khảo mới biết nhau và cùng thống nhất điểm thi.

Họ luôn thể hiện được trách nhiệm của mình qua từng bài mình đã chấm. Những câu mà điểm đồng nhất thì giữ nguyên, những câu lệch nhau thì cùng nhau lý giải xem vì sao mình chấm cao hơn, vì sao mình chấm thấp điểm hơn để đi đến thống nhất điểm.

Sau đó, hội đồng chấm thi còn cho chấm kiểm tra 5% số bài thi nên phải nói rằng những sai sót về điểm số thường không có nhiều, thậm chí là rất hiếm.

Thế nhưng, tại sao hội đồng thi ở Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang vừa qua lại có những giám khảo bị khởi tố, bắt giam sau khi chấm thi? Đó là có sự chỉ đạo làm sai, giám khảo không giữ được thiên lương của mình thì giám khảo mới để xảy ra như vậy.

Hoặc cái sai nữa là khi chấm kiểm tra, chấm phúc khảo có thể là do một yêu cầu “của một ai đó” trong hội đồng nhờ tác động để nâng điểm thì mới có sự chênh lệch lớn.

Đối với một kỳ thi, nhất là thi tuyển sinh 10 thì đa phần các địa phương đều áp dụng hình thức môn Ngữ văn được tính điểm hệ số 2.

Vì thế, chỉ cần nâng lệch 0,25 điểm sẽ bằng 0,5 điểm và đó sẽ là cơ hội cho nhiều thí sinh đậu được nguyện vọng 1 của trường mình đăng ký. Nhưng, chấm ít đi 0,25 điểm thì cũng sẽ có nhiều em sẽ rớt, mất cơ hội.

Chấm Văn đã khó nên mỗi thầy cô được điều động đi chấm thi cần thể hiện được trách nhiệm của mình trước sự tin tưởng của lãnh đạo và các thí sinh.

Điều quan trọng là không nghe và không chấp hành những can thiệp của “một ai đó” để làm sai lệch kết quả của học trò nhằm giữ được uy tín, danh dự của người thầy, của chính bản thân mình.

Khi chấm thi, mọi phương tiện như điện thoại, máy ghi âm không được phép mang vào phòng chấm thi.

Chính vì thế, mọi gian lận sau này sẽ được tính cho người chấm thi nên mỗi thầy cô đi chấm thi cần thể hiện bản lĩnh của mình, tránh tình trạng giống như 3 nữ giáo viên ở Hòa Bình mà chúng ta đã thấy trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018!

Bởi, khi những sự cố gian lận được phát hiện thì tất nhiên “án tại hồ sơ” mà bài thi thì giáo viên nào ký, ghi tên vào thì tất nhiên sẽ là người chịu trách nhiệm. Những sự nhờ vả bằng lời không thể là vật chứng và cũng chẳng ai dại gì lại đi nhận mình đã nhờ vả, can thiệp.

THANH AN