Cha mẹ "cãi nhau", thầy cô lo lắng

07/11/2014 06:36
Thiên Thanh
(GDVN) - “Thế là từ tuần sau mình không phải tranh thủ từng giờ từng phút trên lớp để chấm chữa bài về nhà cho học sinh nữa rồi. Nhàn hẳn, nhưng lại thấy lo..."

Liên quan đến Chỉ thị ngày 3/11 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chấn chỉnh tình trạng học thêm dạy thêm và nghiêm cấm giao bài tập về nhà, nhiều giáo viên và bạn đọc Báo Giáo dục Việt Nam đồng thời là giáo viên tại các trường đã gửi ý kiến bình luận bày tỏ quan điểm của mình.

Về phía các phụ huynh, quan điểm không đồng nhất, còn các thầy cô cũng lo lắng.

Cấm giao bài về nhà, cô lo các con...

Cô Hải Yến (giáo viên dạy lớp 5 trường dân lập Hà Nội) chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam: “Đã là học sinh thì có mấy em thích có bài tập về nhà. Ngay đầu năm học, các cô giáo và phụ huynh có trao đổi về việc đồng ý giao bài tập về nhà cho các con hay không, hình thức như thế nào trong buổi họp phụ huynh. Hầu hết phụ huynh đều muốn cô giao bài cho các con.

Nhưng từ ngày 3/11 có Chỉ thị của Bộ, giáo viên không giao bài về nhà nữa. Học sinh có thắc mắc “sao hôm nay con không có bài về nhà”, rồi phụ huynh có gọi điện đến hỏi cô giáo, vì sợ con nói dối là cô không giao bài. Bây giờ phụ huynh vẫn gọi điện nhờ cô giao bài cho con. Chỉ thị trên là thế, nhưng yêu cầu của phụ huynh lại khác...”

Cấm giao bài về nhà, cô lo các con lên lớp trên sẽ học ra sao... Ảnh minh họa
Cấm giao bài về nhà, cô lo các con lên lớp trên sẽ học ra sao... Ảnh minh họa

Trong khi đó, một giáo viên chia sẻ cảm xúc thật khi nghe Chỉ thị: “Thế là từ tuần sau mình không phải tranh thủ từng giờ từng phút trên lớp để chấm chữa bài về nhà cho học sinh nữa rồi. Nhàn hẳn, nhưng lại thấy lo cho học sinh, sợ rằng với chỉ đạo của Bộ giáo dục chỉ 5 điểm là được lên lớp thì lên lớp trên các em học ra sao".

Một độc giả xưng là “giáo viên Hải Dương” cho rằng: “Giao bài tập theo từng đối tượng học sinh với số lượng hợp lí 2-3 bài chẳng hạn thì chấp nhận được chứ đừng nên hoàn toàn không giao”.

Ở Hà Trung chúng tôi, tiêu chí thi đua nào là học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, thể dục thể thao, tiếng anh, nghe mà choáng. Học sinh nào mà vào đội tuyển thì chỉ có học, học và học, khổ các cháu quá. Không thi học sinh giỏi thì phòng giáo dục, sở giáo dục lại tổ chức giao lưu học sinh giỏi...”Độc giả xưng tên “Trần Vinh” chia sẻ nỗi khổ của giáo viên: “Ai ở trong ngành giáo dục mới biết giáo viên khổ như thế nào. Công văn của Bộ liệu có được Sở chỉ đạo các phòng giáo dục thực hiện một cách nghiêm túc không? Nếu thực hiện được giáo viên chúng tôi đỡ áp lực vì bệnh thành tích. 

Một giáo viên giấu tên cho hay: “Mình dạy lớp 5, hiện tại lớp mình có 6 học sinh rất có năng khiếu về toán và khoảng 8 học sinh có năng khiếu về tiếng việt mà các em đều rất thích tìm hiểu các bài khó, nhưng giờ kiểu này không biết như thế nào nữa”.

Cho rằng việc cấm dạy thêm không mới, một độc giả chỉ ra rằng: “Việc cấm dạy thêm và không cho bài tập về nhà đã cấm gần 10 năm nay rồi, giờ phải cấm lại, chắc không có hiệu lực và sợ “sức ép học sinh””.

Thi giáo viên dạy giỏi – tốn thời gian, sức khỏe, tiền của

Một độc giả giấu tên là giáo viên ở Hà Nội chia sẻ: “Sức ép đối với học sinh tiểu học thực ra không lớn lắm khi bớt các cuộc thi do nhiều đơn vị phối hợp tổ chức cho “có hoạt động”. Học thêm ở tiểu học không nhiều do quản lý khá chặt, giáo viên cũng “sợ”. Sức ép với giáo viên mới là lớn, đặc biệt thi giáo viên dạy giỏi có sức ép vô cùng, thi ở trường, thi ở quận, thi thành phố. Mỗi giáo viên hai môn, thành phố còn thêm môn viết, tốn thời gian, sức khỏe, tiền bạc mà rất ít tác dụng”.

Cha mẹ "cãi nhau", thầy cô lo lắng ảnh 3“Không nên bắt giáo viên làm những điều phi thường"

Đây là quan điểm của ông Đặng Quang Ngàn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình khi trao đổi về nội dung đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bản thân từng đi thi giáo viên dạy giải, giáo viên này còn chia sẻ thêm: “Tôi đã từng thi giáo viên dạy giỏi. Ngày xưa chuẩn bị 7 ngày thì cả 7 ngày khổ cực đi đêm về hôm, giờ thay thành cho chuẩn bị trước 3 ngày thì cả 3 ngày ăn uống qua loa. Mỗi ngày ngủ được 1 tiếng. Sau đợt thi giáo viên dạy giỏi được thưởng 200 nghìn đồng vì được giải nhì cấp huyện, còn huyện không thưởng gì cả. Vì thức đêm chuẩn bị bài và sức ép tôi đã đau dạ dày và uống thuốc hết mấy triệu chẳng đỡ. Kết quả nữa đó là học sinh dốt đi”.

Độc giả tên Minh Ngọc cho biết: “Năm học 2013-2014 Bộ quy định không được học và giao bài tập về nhà cho học sinh ngoài sách giáo khoa, nhưng trong đề kiểm định chất lượng học sinh cuối năm lại ra đề ngoài sách giáo khoa. Hàng năm các phòng giáo dục ra đề khảo sát chất lượng học sinh giỏi lớp 3,4 và viết chữ đẹp lớp 1,2 quá khó, quá dài đối với học sinh. 

Vì vậy, việc bộ quy định bỏ các cuộc thi đối với bậc tiểu học được các giáo viên và nhân dân ủng hộ, mong bộ chỉ đạo thực hiện triệt để. Việc thi giáo viên dạy giỏi rất hình thức tốn kém..."

Độc giả tên Bùi Vinh Quang – cán bộ quản lý giáo dục lại có góp ý như sau: “Một là nên tạm dừng các cuộc thi giáo viên giỏi (tốn kém sức lực, thời gian, tiền của của giáo viên và nhà trường, học sinh thì thiệt thòi... mà tác dụng rất ít, chỉ có lợi cho ban giám khảo) hoặc nếu tổ chức khoảng 5 năm/lần thì tự nguyện, ai muốn thi thì đăng ký, không ấn định cho cơ sở số giáo viên dự thi.

Hai là nên nghiên cứu phương thức và nội dung bồi dưỡng giáo viên sao cho có hiệu quả, hiện nay cơ sở làm việc này rất yếu, hình thức. Ba là việc thực hiện thông tư 30, cấm dạy thêm học thêm, bài tập về nhà nên có điều chỉnh”.

Thiên Thanh