Cầu truyền hình tại lớp học khi giáo viên là F0

24/03/2022 06:42
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngoài việc phải hoàn thành số tiết dạy tiêu chuẩn, số tiết dạy tăng khi thiếu giáo viên, các thầy cô giáo phải dạy cho những đồng nghiệp đang dưỡng bệnh.

Sau thời gian học sinh trở lại trường học chính thức, các lớp học đã bắt đầu có F0 và F1. Mỗi ngày, số học sinh bị nhiễm Covid lại tăng lên.

Để giúp học sinh ở nhà mà vẫn tiếp thu được bài học, các trường học bắt đầu có những biện pháp dạy học để học sinh thuộc diện F0, F1 không có cảm giác mình bị bỏ rơi.

Lớp học không có thầy cô nhưng các em học rất nghiêm túc (Ảnh tác giả)

Lớp học không có thầy cô nhưng các em học rất nghiêm túc (Ảnh tác giả)

Những nỗ lực hết mình của nhà trường, giáo viên

Ở bậc tiểu học, mỗi thầy cô được phụ trách riêng một lớp, thầy cô giáo chủ nhiệm cũng là người dạy gần như đủ các môn học như Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và xã hội (Lịch sử & Địa lý), Đạo đức…

Để đảm bảo việc học cho cả lớp, ban ngày thầy cô dạy học trực tiếp trên lớp, tối về sẽ dạy học online cho những em F0, F1. Bên cạnh đó, thầy cô cũng sẽ gửi bài tập, bài học trên Zalo nhóm để các em ghi bài và hoàn thành bài tập.

Ở bậc trung học, nhà trường sẽ yêu cầu giáo viên đưa bài giảng lên trang web của trường. Học sinh sẽ vào nghe giảng và hoàn thành yêu cầu học tập. Đối với những môn học khó như Toán, Anh văn… học sinh chưa hiểu bài sẽ chủ động hỏi thêm thầy cô để được giải đáp.

Trường hợp học sinh mắc Covid thì nhà trường cũng đỡ rối hơn chính thầy cô giáo trở thành F0. Bởi, chỉ một vài giáo viên bị Covid, những thầy cô giáo trong tổ, trong trường đã phải luân phiên nhau dạy hỗ trợ.

Ngoài việc phải hoàn thành số tiết dạy tiêu chuẩn, số tiết dạy tăng khi thiếu giáo viên, các thầy cô giáo phải dạy cho những đồng nghiệp đang dưỡng bệnh.

Có người một ngày dạy hàng chục tiết, mệt đến phờ phạc người nhưng cũng phải hết sức gắng gượng.

Tuy nhiên giai đoạn hiện nay, số lượng giáo viên là F0 ngày càng nhiều đã gây khó khăn cho việc tổ chức, duy trì hoạt động học tập.

Bậc tiểu học, do các khối lớp chỉ học 1 buổi/ngày nên nhà trường có thể phân công linh động các lớp đổi buổi để cử giáo viên dạy hỗ trợ một cách thuận lợi.

Riêng bậc trung học, trong một tổ chuyên môn, nếu giáo viên vắng mặt khá nhiều cũng không thể bố trí giáo viên tổ khác qua giảng dạy được. Bởi thế, thầy cô trong tổ phải gắng gượng để hỗ trợ nhau giảng dạy.

Tuy thế, một vài người bệnh còn thay nhau dạy giúp, số lượng giáo viên mắc Covid cứ tăng hằng ngày thì chuyện dạy hỗ trợ đồng nghiệp cũng không thể vẹn toàn.

Đã có những lớp mà học sinh đến trường nhưng phải ngồi chơi vì nhà trường không thể bố trí giáo viên dạy thay vì thầy cô giáo nào cũng dạy kín lịch.

Trong cái khó đã ló cái khôn, đã có trường học nghĩ ra hình thức dạy học linh hoạt kiểu “trực tiếp trong trực tuyến” hay “cầu truyền hình” trong dạy học một cách sáng tạo và bước đầu phát huy hiệu quả khá cao.

“Cầu truyền hình” dạy học ở Trường Trung học cơ sở Tân An

Điển hình nhất phải kể đến cách dạy học thích ứng mùa dịch ở Trường Trung học cơ sở Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận mà nhiều người gọi vui là “cầu truyền hình” trong dạy học.

Học sinh vẫn học trực tiếp tại lớp như bình thường. Trong trường hợp, giáo viên thuộc diện F0 nhưng không có người dạy thay ở trường, học sinh lớp ấy sẽ được di chuyển đến một phòng học cố định của nhà trường.

Phòng học này có đầy đủ các phương tiện hỗ trợ bao gồm ti vi để học sinh nhận bài giảng từ thầy cô ở nhà, laptop để truyền tải từ bài giảng online của giáo viên lên ti vi.

Đồng thời laptop cũng có camera để thu hình toàn bộ bối cảnh xung quanh của lớp và ghi âm luôn. Học trò giơ tay phát biểu, giáo viên nhìn lên màn hình thấy học sinh giơ tay sẽ mời đứng lên phát biểu.

Thầy Lương Thiện Tâm, Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân An cho rằng: “Về cơ bản, cách dạy này đương nhiên sẽ không bằng dạy học trực tiếp tại lớp.

Thế nhưng lại hiệu quả hơn dạy trực tuyến nhiều do học trò không phải ngồi học bằng điện thoại hay trên máy tính. Bởi, học trực tuyến có em sẽ không bật camera lên để đó hoặc ngồi làm việc riêng thì thầy cô cũng chịu.

Đằng này, giáo viên bật camera trên laptop học sinh không có quyền tắt, giáo viên theo dõi hết tất cả học sinh trong lớp nên ai có thái độ học tập thế nào thầy cô sẽ nắm hết và đánh giá được chính xác”.

Thầy Lương Thiện Tâm cho biết, khi không có đủ giáo viên dạy, nhà trường sẽ sử dụng hình thức dạy học này. Bởi, có những môn học đặc thù không thể phân công giáo viên khác vào dạy được. Cũng nhờ cách dạy này, khi thầy cô là F0 nhiều thì học sinh đến trường vẫn được học bình thường.

Trong tình hình dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng, gia tăng ở nhiều địa phương, dẫn đến nhiều học sinh và giáo viên trở thành F0, F1.

Khi việc học tập trực tiếp vẫn luôn được duy trì thì nhà trường cần phải có nhiều biện pháp để đưa ra các hình thức dạy học mới mong giúp các em học sinh không bị mất bài.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết