Cấu trúc đề thi minh họa môn Ngữ Văn quen thuộc, mức độ phù hợp thi tốt nghiệp

09/05/2020 05:31
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Với đề minh họa môn Ngữ Văn, học sinh cần chú trọng học các bài có trong chương trình tinh giản của Bộ giáo dục và Đào tạo. Đề thi có độ phân hóa không cao.

Ngày 7/5/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020.

 Với môn Ngữ Văn, nhiều giáo viên có chung quan điểm: Cấu trúc đề thi quen thuộc, mức độ cơ bản, không đánh đố học sinh nhưng có độ phân hóa không cao.

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn trường Trung học Phổ thông chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) đánh giá:

Bộ trưởng Giáo dục vừa có báo cáo rõ về tổ chức thi tốt nghiệp năm nay
Bộ trưởng Giáo dục vừa có báo cáo rõ về tổ chức thi tốt nghiệp năm nay

“Đề thi minh họa môn Ngữ Văn sử dụng cấu trúc quen thuộc được dùng nhiều trong các năm trở lại đây. Với cấu trúc đề thi như thế này, học sinh không bị bỡ ngỡ và đã được chuẩn bị tâm thế tốt.

Cấu trúc đề thi năm nay ổn định như những năm trước là một điểm thuận lợi cho học sinh.

Về độ khó: Đề thi bao gồm phần đọc hiểu 4 câu hỏi nhỏ trong đó câu 1, 2, 3 là câu nhận biết nhìn vào là có thể thấy được ngay điều này; câu 4 ở mức độ vận dụng yêu cầu cao hơn 1 chút nhưng cũng không làm khó học sinh. Chỉ cần học sinh suy nghĩ một chút là có thể làm được.

Câu nghị luận xã hội cũng không có gì quá khó. Phần nghị luận văn học mọi năm có 2 yêu cầu: mức độ cơ bản và nâng cao. Tuy nhiên đề thi minh họa năm nay chỉ có một mức độ cơ bản. 

Tổng kết lại có thể thấy mức độ của đề thi này tương đối nhẹ nhàng và đơn giản ở mức độ cơ bản, không có gì gọi là làm khó, đánh đố học sinh. Vì thế học sinh sẽ dễ dàng xử lý được. Dạng câu hỏi được sử dụng trong đề thi cũng quen thuộc và được sử dụng trong nhiều năm”.

Theo thầy Nguyên Minh: Đề thi minh họa có mức độ phân hóa thấp. Mức độ này rất phù hợp để thi tốt nghiệp.

Nhưng một điều khiến thầy Minh băn khoăn đó là các trường Đại học lấy điểm thi tốt nghiệp làm điểm xét tuyển Đại học sẽ gặp khó vì mức độ phân hóa học sinh khá giỏi là không có.

Đề thi minh họa môn Ngữ Văn không quá khó (Ảnh:V.N)
Đề thi minh họa môn Ngữ Văn không quá khó (Ảnh:V.N)

Thầy Minh nói: “Mức độ phân hóa của đề thi Ngữ Văn tương đối thấp. Đây là cơ hội cho các em siêng năng học tập nhưng lại không công bằng với các em có tư chất học Ngữ Văn. Khi đề thi có sự phân hóa thấp các em học sinh giỏi sẽ không có đất để thể hiện năng lực cũng như sự sáng tạo của mình.

Theo tôi Bộ nên điều chỉnh đề thi một chút và phải đảm bảo mức độ phân hóa dù chỉ là rất nhỏ. Bộ đã từng nói rằng sẽ có một số trường lấy điểm này làm điểm thi Đại học. Vì thế chẳng hạn đề thi 10 điểm thì 8 điểm-8.5 điểm ở mức cơ bản và chúng ta vẫn phải dành ra từ 1.5 điểm đến 2 điểm ở mức độ cao hơn chút để phân hóa học sinh khá giỏi”.

Nhận định về đề thi minh họa môn Ngữ Văn năm 2020, thầy Lê Quang Sơn, giáo viên trường Trung học Phổ thông chuyên Thái Nguyên cho rằng: Điểm thú vị nhất của đề tham khảo nằm ở phần Đọc hiểu.

Chủ đề của đoạn trích trong phần đọc hiểu tập trung vào phê phán thói quen “luôn cho rằng mình đúng” đồng thời áp đặt ý kiến chủ quan của mình vào người khác. Thói quen này đang là một vấn đề nhức nhối trải dài trên tất cả mọi lĩnh vực đặc biệt là không gian văn hóa mạng internet.

Đề thi minh họa môn Toán học sinh mức độ trung bình dễ dàng làm được 7 điểm
Đề thi minh họa môn Toán học sinh mức độ trung bình dễ dàng làm được 7 điểm

Thầy Sơn cho biết: “Câu 4 phần Đọc hiểu là một câu hỏi thú vị: “Lời khuyên “Hãy từ bỏ thói quen luôn cho rằng mình đúng” có ý nghĩa gì với anh/chị?”.

Để trả lời, thí sinh phải coi văn bản như chiếc gương để tự soi vào mình, vận dụng cho mình, đồng thời có thể bày tỏ quan điểm và sự sáng tạo. 

Việc lựa chọn đoạn trích này ngoài mục đích đánh giá năng lực, còn như một sự cảnh tỉnh. Đoạn trích đã nhắc nhở rằng, tranh luận không phải là vấn đề đáng lên án nhưng cần tranh luận bằng văn hóa ứng xử, bằng sự hòa nhã và tôn trọng người có quan điểm khác với mình

Yêu cầu của phần đọc hiểu đã tạo ra một hệ thống thao tác tư duy đọc hiểu và khoa học. Các câu hỏi được phân cấp theo nhiều cấp độ từ nhận thức cho đến thông hiểu và vận dụng. Học sinh từ đó sẽ xác định được phương thức biểu đạt chính của đoạn trích”.

Về chiến lược ôn thi môn Ngữ Văn hiệu quả, theo thầy Nguyên Minh: Học sinh cần bám sát chương trình tinh giản đã được Bộ công bố. Ngoài ra với thời gian còn lại học sinh hoàn toàn yên tâm ôn thi không cần băn khoăn, lo lắng.

Học sinh ôn tập cần chú trọng vào những bài quan trọng của chương trình tinh giản (Ảnh minh họa:TTXVN.VN)
Học sinh ôn tập cần chú trọng vào những bài quan trọng của chương trình tinh giản (Ảnh minh họa:TTXVN.VN)

Thầy Nguyên Minh chia sẻ: “Đề minh họa bám sát vào chương trình tinh giản của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình học kỳ II cũng chỉ có mấy bài là kết thúc. Cho nên các em hoàn toàn yên tâm có đủ thời gian để ôn tập. Trường hợp chương trình năm học kết thúc trong tháng 5 các em vẫn còn 2 tháng 6 và 7 để ôn thi.

Đề thi môn Văn có 3 câu rất rõ. Câu thứ nhất là đọc hiểu, câu thứ hai là nghị luận xã hội, câu thứ ba là nghị luận văn học. Với câu 1 và câu 2 các em thực chất không cần áp lực học quá nhiều. Các em chỉ cần có kỹ năng, phương pháp làm bài và biết cách trình bày là có thể xử lý bất kỳ dạng đề nào dù nó mới đến đâu.

Câu nghị luận văn học cần chú trọng các bài có trong chương trình tinh giản của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình tinh giản đã bỏ đi khá nhiều bài rồi cho nên cần tập trung vào những bài còn lại. Bên cạnh đó mình cần chú trọng rèn luyện kỹ năng, phương pháp làm bài của phần nghị luận văn học. Đề thi này không khó, nhẹ nhàng làm được”.

Vũ Ninh