Câu chuyện đẫm nước mắt của hai nữ sinh mồ côi cha, mẹ

22/01/2021 07:36
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đôi mắt tràn ngập nỗi buồn, thoảng nét già dặn hơn so với lứa tuổi học trò, Mùng Thị Lệ nói rằng mơ ước của em là được đi học, được ở cùng em gái và ông nội.

Trong hành trình thiện nguyện, một buổi sáng mùa Đông buốt giá, tôi đã gặp hai chị em Mùng Thị Lệ và Mùng Thị Thùy Linh trong căn nhà dột nát đã bỏ hoang vài tháng nay ở thôn Nà Đứa, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.

Gọi là nhà, nhưng thực ra nó chỉ như cái lán tạm bợ của những công nhân xây dựng thời vụ, mái lợp bằng những tấm Fibro xi măng cũ kỹ, bốn vách dựng bằng phên tre nứa mỏng manh lâu ngày đã thủng lỗ chỗ, mỗi cơn gió thổi qua lại như muốn sập xuống.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Nà Đứa, em Mùng Thị Lệ (sinh năm 2006) và Mùng Thị Thùy Linh (sinh năm 2009) mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mẹ em mất cách đây 5 năm. Sau khi mẹ mất, hai chị em sống cùng bố và ông nội.

Cách đây 3 năm, bố em cũng bạo bệnh rồi qua đời. Ông nội đã già yếu, không còn đủ sức lao động nuôi hai đứa cháu gái. Vậy là ba ông cháu phải tách ra, sang ở cùng với ba người bác ruột trong gia đình, vì điều kiện khó khăn nên không gia đình nào có thể nuôi một lúc ba người.

Mùng Thị Lệ (bên phải) và em gái Mùng Thị Thùy Linh bên ông nội trong ngôi nhà cũ nát của gia đình. Ảnh: C.K.A.

Mùng Thị Lệ (bên phải) và em gái Mùng Thị Thùy Linh bên ông nội trong ngôi nhà cũ nát của gia đình. Ảnh: C.K.A.

Trong ngôi nhà dột nát, Lệ gặp lại ông nội và em Linh sau gần 4 tháng xa nhau. Lần gần nhất ba ông cháu gặp nhau là trong bữa cơm mừng đầy tháng cho em bé nhà bác cả.

Lệ ngước nhìn ông nội và em gái, giọng trùng xuống: “Hai chị em gặp nhau vui lắm, vì em nhớ Linh, nhớ ông. Nhưng rồi lại phải về mỗi người một nhà, buồn lắm”.

Ngôi nhà này đã gắn với cả tuổi thơ nhiều kỷ niệm buồn của Lệ và Linh. Có lẽ, mỗi lần trở lại, những đứa trẻ vẫn còn cảm nhận thấy bóng hình của bố mẹ nên không nỡ rời đi. Trước đây, ba ông cháu vẫn cố bấu víu, rau cháo qua ngày, nhưng ở miền núi Bắc Kạn, một ngày gió, hai ngày rét, chỉ sợ một ngày nào đó đấy ngôi nhà cũ nát đổ xuống thì không biết trông cậy vào ai.

Gió, rét, lãnh lẽo đến thế nhưng ngôi nhà vẫn là nơi nuôi hy vọng của hai đứa trẻ, rằng một ngày nào đó sẽ lại được sống cùng nhau.

Vì căn nhà ấy không an toàn nên dù rất thương cháu, ông nội đành gạt nước mắt gửi Lệ và Linh sang nhà hai con của ông. Và, ông ở lại một nhà người con khác.

Ba ông cháu cứ thế mà ghim chặt nỗi nhớ thương trong lòng để thực hiện ước mơ đến trường của Lệ và Linh.

Bên cạnh ban thờ (ghép bằng mấy mảnh ván gỗ) le lói niềm vui từ là những tấm giấy khen như một báo cáo thành tích với bố mẹ rằng các em vẫn mạnh mẽ vượt qua khó khăn, vươn lên để chờ những niềm vui, hạnh phúc phía trước.

Tôi đã tận mắt chứng kiến không ít khó nhọc của đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa và thường thì đều giống nhau là thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả thuốc men những lúc ốm đau. Nhưng cuộc gặp gỡ lần này thì hoàn toàn khác, nhìn hai đứa trẻ bên di ảnh trong căn nhà tồi tàn lạnh lẽo, đầu óc tôi trống rỗng quên mất phải nói điều gì, cho tới khi chợt nhận ra có cái gì cay cay bên khóe mắt.

Tôi không dám nghĩ đến chuyện những đứa trẻ mới chỉ 9,10 tuổi đã mất mẹ, mất cha. Những ngày tháng ấy chúng sống ra sao trong nỗi đau tột cùng? Và còn cả một hành trình dài phía trước, Lệ và Linh rồi sẽ ra sao?

Căn nhà tạm bợ mà ba ông cháu từng sinh sống nhiều năm qua. (Ảnh C.K.A)

Căn nhà tạm bợ mà ba ông cháu từng sinh sống nhiều năm qua. (Ảnh C.K.A)

Mùng Thị Lệ hiện đang là học sinh lớp 9A, Trường Trung học Cơ sở Đồng Phúc, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể. Nhiều năm qua, Lệ luôn là học sinh ngoan, hiền, đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Dẫu rằng cuộc sống khó khăn từ tấm bé nhưng Lệ luôn chịu khó vươn lên để đến trường. Đến trường vốn dĩ đã khó khăn với những đứa trẻ vùng cao, nhưng giờ thì con đường ấy càng gập ghềnh, khó khăn hơn với hai chị em Lệ và Linh.

Cô Hoàng Thị Trầm, giáo viên tại xã Đồng Phúc, hiện đang bảo trợ cho em Mùng Thị Lệ chia sẻ: “Sang năm, Lệ mới lên lớp 10 nhưng mình đã xin được một nhà hảo tâm cho em chiếc xe đạp. Trường học sau này xa hơn, cuộc sống sẽ vất vả hơn, vì thế mà chiếc xe đạp là món quà ý nghĩa dành cho những nỗ lực của Lệ”.

Không chỉ học tập tốt, Lệ còn tích cực tham gia các hoạt động chung, là thành viên trong đội văn nghệ, là tay trống cừ khôi trong đội trống của trường. Lệ có đức tính như chính những con người nơi vùng núi cao, tốt bụng, thiện lành và rắn rỏi. Nó như những cây con trong rừng quanh triền hồ Ba Bể, dù nắng gió, giá rét thì cây vẫn thế vươn lên thành rừng, xanh non, tươi tốt.

Dường như mọi nỗi đau, vất vả, Lệ đều muốn nhận hết về mình. Lệ kể: “Nhiều khi bản thân em cũng tự ti với mọi người. Bố mẹ em mất, hai chị em đi ở nhờ người thân, em cũng buồn nhiều lắm. Rồi em nghĩ, còn ông và em Linh nữa nên phải cố gắng để học giỏi, để sống tốt hơn, mong một ngày mình có thể lo được cho ông và em Linh“.

Trăn trở với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt trong lớp của mình, là giáo viên chủ nhiệm lớp Lệ, cô Văn Thị Xuyến chia sẻ: “Hiện nay có quỹ của các nhà hảo tâm hỗ trợ cho Lệ chi phí ăn học và duy trì cuộc sống hàng tháng. Trong lớp thầy cô và các bạn cũng thỉnh thoảng mới có được chút ít vật chất động viên Lệ, bởi ở đây cuộc sống của mọi người cũng khó khăn. Vì hoàn cảnh của Lệ đặc biệt, mình luôn gần gũi, trò chuyện, động viên Lệ học tốt, cố gắng vượt qua khó khăn vì còn cả tương lai phía trước”.

Sang năm vào lớp 10, Lệ ước vẫn được đi học, nhưng vì nhà không có tiền nên các thầy, cô vẫn đang kiên trì xin sự giúp đỡ để em được đến trường.

Mùng Thị Lệ và em gái Mùng Thị Thùy Linh đã đạt được nhiều thành tích học tập tốt những năm qua. (Ảnh C.K.A)

Mùng Thị Lệ và em gái Mùng Thị Thùy Linh đã đạt được nhiều thành tích học tập tốt những năm qua. (Ảnh C.K.A)

Cuộc sống của người dân vùng cao quanh năm làm bạn với núi đồi, vốn dĩ đã nhiều khó khăn. Những đứa trẻ sinh ra thiếu ăn, thiếu mặc, thậm chí còn không được tới trường cũng không phải là chuyện gì lạ lẫm.

Nhưng có lẽ, trong đau thương, vất vả, những đứa trẻ như Lệ và Linh lại càng vươn lên mạnh mẽ hơn. Và, niềm vui như vỡ òa với ba ông cháu khi đoàn thiện nguyện cho biết có một mạnh thường quân đã ủng hộ toàn bộ tiền xây dựng lại ngôi nhà.

Tất cả như lặng đi khi chứng kiến hai đứa trẻ vái lạy cha, mẹ. Ở bên kia thế giới, có lẽ cha mẹ của các em đã bớt đi phần lo lắng vì giờ đây ước nguyện của con gái sắp thành hiện thực, ba ông cháu lại được cùng nhau sống trong ngôi nhà nhiều kỷ niệm yêu thương như ngày xưa ấy.

Cao Kim Anh