Cắt chi thường xuyên mà giữ nguyên trần học phí, tiền đâu giữ chân thầy giỏi?

26/10/2021 06:38
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo một trường đại học (đề nghị không nêu tên) thừa nhận trong gần 02 năm qua tại cơ sở của mình đã và đang xảy ra hiện tượng không giữ chân được người giỏi.

Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục đại học khi chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thì xu hướng cạnh tranh, thu hút sinh viên, giảng viên, nhà khoa học giỏi giữa các cơ sở giáo dục đại học, hoặc giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp hiện nay ngày càng trở nên phổ biến và gia tăng và từng ngày thay đổi với nếp suy nghĩ cũ về sự ổn định công việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và cơ sở giáo dục đại học nói riêng.

Thậm chí nhiều trường hợp nghỉ việc để làm cho các cơ quan, đơn vị ngoài nhà nước, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, hoặc tự tạo dựng cho mình doanh nghiệp riêng hoặc sử dụng phương pháp kinh doanh online mới để tạo thu nhập cho mình.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Xu hướng này ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống giáo dục đại học. Một trong những ảnh hưởng chính đó là việc giảng viên, nhà khoa học giỏi chuyển công tác giữa các cơ sở đào tạo trong nước thì chỉ ảnh hưởng đến trường mà họ xin chuyển đi, có lợi cho trường mà họ chuyển đến, không ảnh hưởng đến đội ngũ giảng viên, nhà khoa học của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, giảng viên, nhà khoa học giỏi chuyển sang các doanh nghiệp thì có lợi cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhưng bị thất thoát đi khối tài sản của các trường là nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu về lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn, chuyên sâu.

Những nhà giáo, nhà khoa học của trường, để có thể bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo đạt trình độ tiến sĩ thì phải mất tối thiểu 07 năm học tập nghiên cứu liên tục. Việc đào tạo giảng viên không chỉ do cá nhân tự đào tạo mà cần phải có đội ngũ giảng viên có trình độ sâu về lĩnh vực chuyên môn, có bề dày về kinh nghiệm hướng dẫn, theo dõi rèn giũa để giảng viên trẻ hoàn thiện trở thành người thầy có đầy đủ phẩm chất của một nhà giáo, nhà khoa học.

Đây là một quá trình đòi hỏi sự kế thừa và nối tiếp giữa giảng viên lâu năm và giảng viên trẻ. Do công tác quy hoạch về bổ sung đội ngũ lúc nhiều, lúc ít (phụ thuộc vào kế hoạch, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường) nên hiện tại nhiều giảng viên lâu năm đã và sắp đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, gián đoạn về lứa tuổi, nếu giảng viên trẻ có trình độ tiến sĩ chuyển công tác đi thì giảng viên mới tuyển dụng có trình độ đại học để bổ sung đội ngũ sẽ không có nhiều cơ hội thuận lợi để được những giảng viên có trình độ cao, chuyên môn sâu, bề dày kinh nghiệm hỗ trợ, dìu dắt, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

Đồng thời sự dịch chuyển này ảnh hưởng lớn đến lộ trình thực hiện chiến lược phát triển các trường đại học trọng điểm, ngành đào tạo, nghiên cứu trọng điểm, mũi nhọn, chuyên sâu của Nhà nước nói chung và các trường đại học trọng điểm nói riêng với những yêu cầu cao về tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên.

Chia sẻ với phóng viên, lãnh đạo một trường đại học (đề nghị không nêu tên) thừa nhận trong gần 02 năm qua tại cơ sở của mình đã và đang xảy ra hiện tượng không giữ chân được người giỏi.

Lý do mà vị này đưa ra là, kể từ năm học 2019 - 2020, Bộ chủ quản chuyển Nhà trường sang mô hình đơn vị sự nghiệp giáo dục tự chủ toàn bộ chi thường xuyên (toàn bộ ngân sách chi thường xuyên bị cắt), trong khi đó, hai năm qua (năm học 2019-2020, 2020-2021, mức trần học phí của các cơ sở giáo dục đại học vẫn thực hiện theo quy định cũ (Nghị định số 86/2015/NĐ-CP).

Năm học 2021-2022, Nghị định mới thay thế (Nghị định 81/2021/NĐ-CP) lại yêu cầu giữ nguyên mức học phí của năm học 2021-2022.

Hai vấn đề này ảnh hưởng rất lớn làm nguồn thu của cơ sở giáo dục đại học sụt giảm.

Hơn nữa, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 Nhà nước không tăng lương cơ sở (mức 1.490.000 đồng/tháng kể từ tháng 7/2019) và chưa chuyển sang chế độ lương mới;

Chính những điều này khiến tổng thu nhập ngoài lương hàng tháng của Trường chi cho cho cán bộ, giảng viên đã giảm nghiêm trọng. Chưa kể việc giãn cách xã hội, hàng hóa khó lưu thông do dịch bệnh khiến giá cả sinh hoạt tăng nhiều, kéo theo mức chi sinh hoạt của gia đình tăng đáng kể.

Khi phóng viên băn khoăn trong thu hút giảng viên, nhà khoa học giỏi, thu nhập có phải là vấn đề thiết yếu thì vị này cho rằng, thông thường có 4 tiêu chí khi chọn công việc gồm phù hợp với năng lực, sự yêu thích, đam mê và say sưa với công việc; Cơ hội học hỏi – Tiêu chí chọn công việc quan trọng; Sếp và môi trường làm việc; Tài chính.

“Tiêu chí thứ 4 về tài chính được xếp cuối cùng. Tôi cho rằng tiêu chí này tùy thuộc vào hoàn cảnh cũng như nhu cầu của mỗi người. Nếu ai đang thật sự bí bách về tài chính thì sẽ phải hi sinh một vài tiêu chí để chọn công việc cho một mức lương tốt nhất. Còn nếu không thật sự cần quá nhiều tiền, hãy chọn dựa trên thứ tự ưu tiên của mình.

Có nhiều công việc khởi điểm sẽ không quá cao hay cao vượt bậc, chức danh nghề cũng nhỏ bé. Nhưng lại đặt bạn vào một môi trường thử thách với cơ hội phát triển cực kì nhiều, từ đó khả năng thăng tiến cũng tốt hơn. Với những trường hợp đó, hãy nhìn về đường dài đường xa. Một lưu ý là đừng chọn công việc đánh giá quá thấp khả năng của chính mình. Mức lương thấp, không đủ để tồn tại. Vì chúng ta vẫn cần nguồn thu nhập để duy trì năng lượng và nguồn cảm hứng của chính mình. Ngoài ra, còn có yếu tố về hoàn cảnh của cá nhân và gia đình.

Như vậy, mức lương thấp, không đủ để tồn tại thì không nên chọn công việc đó, sự tồn tại và phát triển của cá nhân và gia đình chúng ta vẫn cần nguồn thu nhập để duy trì năng lượng và bảo trì sức khỏe, bổ sung nguồn cảm hứng để có thể tiếp tục cống hiến cho công việc của chính mình.

Khi các trường đại học tự chủ, các giảng viên, nhà khoa học không chỉ nên nghĩ rằng thu nhập của mình chỉ là lương và phụ cấp của trường chi trả, mà đã đến lúc cá nhân phải có suy nghĩ, giải pháp để có thể tự bản thân tạo ra thu nhập cho mình từ chuyên môn mà mình yêu thích, các cơ sở giáo dục cũng cần tạo ra cơ chế, cơ hội thuận lợi để họ có thể chủ động, phát huy khả năng về chuyên môn của mình để tạo ra thu nhập ngoài lương.

Do đó, theo vị này, trong bối cảnh tự chủ đại học, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học phát huy hiệu quả những chính sách thu hút nhân tài.

“Học phí hiện vẫn là nguồn thu chủ đạo của các cơ sở giáo dục đại học. Nghị định 81/2021/NĐ-CP đã đưa ra khung học phí từ năm học 2022-2023, song việc quyết định mức học phí phải dựa trên các định mức kinh tế - kỹ thuật do các cấp thẩm quyền (Bộ chủ quản) mà hiện nay việc tính toán ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật này triển khai rất phức tạp và chậm chạp, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ điều chỉnh học phí trong thời gian tới.

Cơ sở giáo dục đại học được yêu cầu tự chủ, đổi mới quản trị theo hướng quản trị doanh nghiệp (Nghị quyết 19), song mức lương thì vẫn tuân theo hệ thống lương ngạch bậc của đơn vị sự nghiệp công lập, có thể coi là rất thấp so với các doanh nghiệp. Điều này sẽ là điểm nghẽn cho các cơ sở giáo dục có thể có mức lương thu hút, giữ chân được giảng viên có trình độ cao.

Nhà nước cần có cơ chế đặc thù, hỗ trợ kinh phí chi cho các trường đại học để hỗ trợ học phí đào tạo nguồn nhân lực, phát triển các ngành mũi nhọn, trọng điểm theo chiến lược trọng điểm quốc gia. Đặc biệt hỗ trợ kinh phí đầu tư, nâng cấp thiết bị thực hành, thực tập hiện đại có chi phí vượt khả năng của các trường đại học nhằm giúp các trường đại học tập trung nguồn thu sự nghiệp để chi lương và các chế độ đãi ngộ cho giảng viên và nhà khoa học.

Cần nghiên cứu, xem xét kỹ về việc xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để các doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực do các trường đại học đã đào tạo theo số nhân lực đang sử dụng hoặc cựu sinh viên có trách nhiệm xã hội về việc trích một phần thu nhập từ lương để hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục đại học, cung ứng thêm nguồn đầu tư tài sản, trang thiết bị thực hành, thí nghiệm, mô phỏng thiết thực.

Cần có chiến lược, cơ chế kết nối mạnh mẽ giữa cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học với các tập đoàn kinh tế, tập đoàn công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo hình thức đặt hàng dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trọng tâm, trọng điểm để các đề tài nghiên cứu không chỉ là trên giấy mà áp dụng triệt để vào thực tiễn, tránh lãng phí vốn đầu tư của Nhà nước”, vị này kiến nghị.

Thùy Linh