Cấp phép tuyển sinh trường tư, Hà Nội có đi ngược chủ trương xã hội hóa?

18/04/2018 07:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Đảng, Chính phủ đã "trải thảm" từ lâu để các trường tư thục phát triển, nhưng Hà Nội chưa biết khi nào mới hết tư duy "giấy phép con" cho các trường tư.

Báo Hà Nội Mới ngày 20/3 đưa tin, chiều cùng ngày Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn gửi các phòng giáo dục và đào tạo yêu cầu:

Các phòng giáo dục và đào tạo tham mưu cho ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra việc tổ chức tuyển sinh năm học 2018-2019 của các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ngoài công lập trên địa bàn;

Báo cáo ngay kết quả về Sở Giáo dục và Đào tạo trong ngày 21/3/2018.

Câu chuyện "tuýt còi", ngăn cấm các trường tư thục tự do tuyển sinh ở Hà Nội không mới. Báo Giáo dục và Thời đại ngày 1/6/2017 đưa tin về hoạt động tương tự:

Ngày 29/5/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra văn bản nghiêm cấm tất cả các trường trên địa bàn tuyển sinh đầu cấp trước thời hạn quy định, trong đó bao gồm cả trường ngoài công lập và sẽ xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.

Cấm trường tư thi tuyển sinh đầu cấp, Hà Nội đang tự bỏ công cụ giảm áp lực sĩ số cho các trường công lập quá tải mà không tốn ngân sách? Ảnh minh họa: Thùy Linh / GDVN.
Cấm trường tư thi tuyển sinh đầu cấp, Hà Nội đang tự bỏ công cụ giảm áp lực sĩ số cho các trường công lập quá tải mà không tốn ngân sách? Ảnh minh họa: Thùy Linh / GDVN.

Những tiếng kêu cứu từ các trường tư thục vốn "làm em, ăn thèm vác nặng" dường như không thấu đến tai các cơ quan quản lý giáo dục Hà Nội, cao hơn nữa là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường tư khốn khổ, học sinh thiệt thòi

Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội ngày 31/5/2017 được Báo VietnamNet dẫn lời cho biết:

"Các trường ngoài công lập có 5 cái “tự lo”: Tự tuyển sinh; Tự lo cơ sở vật chất; Tự lo tài chính; Tự lo về đội ngũ (cán bộ, giáo viên, nhân viên); Tự lo về chất lượng giáo dục.

5 cái “tự lo” ấy mà không đáp ứng được thì dân sẽ bỏ đi, không học trường ngoài công lập.

Các trường ngoài công lập đang phải chịu những thách thức rất lớn, phải tự chịu trách nhiệm rất lớn về hoạt động của nhà trường.

Tôi xin nói thẳng là hiện nay vài trăm trường ngoài công lập nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay những trường “mạnh”, phát triển được và tuyển được học sinh dễ dàng nhờ uy tín đã được nhà trường tự xây dựng lên.

Các trường ngoài công lập tuyển được học sinh, lý do lớn nhất chính là kiểu cách làm ăn năng động, phục vụ yêu cầu giáo dục của dân, chứ không “há miệng chờ sung rụng” được đâu." [1]

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội ngày 1/6/2017 được Báo Điện tử Giáo dục và Thời đại dẫn lời cho rằng:

Cấp phép tuyển sinh trường tư, Hà Nội có đi ngược chủ trương xã hội hóa? ảnh 2

Muốn giáo dục phát triển, đừng làm khó trường tư

“Các trường ngoài công lập nói chung, nhất là những trường có uy tín với cha mẹ học sinh thì cha mẹ trước khi xin học muốn con được đến trường để có những trải nghiệm, như trường tôi tổ chức 1 ngày trải nghiệm cho học sinh chuẩn bị học lớp 1. 

Cho dù phụ huynh rất thích cho con học một trường ngoài công lập nào đó thì họ cũng muốn nhà trường phải khẳng định cho họ là có chỗ cho con họ vào học không, để họ yên tâm, không phải đăng ký vào trường công lập nữa.

Việc phụ huynh lựa chọn trường ngoài công lập cho học sinh học không chỉ đáp ứng nhu cầu của phụ huynh mà còn giúp giảm bớt sĩ số 60 - 70 học sinh/lớp ở nhiều trường công lập đang bị quá tải. 

Đó là mặt tích cực mà các trường ngoài công lập chia sẻ bớt cho các trường công lập, cũng là chia sẻ bớt gánh nặng cho nhiệm vụ phổ cập tiểu học và trung học cơ sở, bởi sự phát triển của số lượng học sinh khiến các trường công lập đáp ứng không kịp về cơ sở vật chất, trường lớp”.

Theo cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu, Hà Nội: 

“Các trường ngoài công lập như chúng tôi phải trả lời sớm cho phụ huynh những câu hỏi như 'Trường có nhận con tôi hay không nhận? Để nếu không nhận phụ huynh còn tìm trường khác xin học cho con'. 

Vì thế, trường ngoài công lập không phải không có áp lực tuyển sinh, nhất là với những trường có đông phụ huynh muốn xin học cho con như các trường ngoài công lập “top” đầu về số đơn xin học.

Tôi cho rằng vì sự cần thiết trong định vị đầu vào trong tuyển sinh mang đặc thù riêng của trường ngoài công lập là thỏa thuận 3 bên học sinh - phụ huynh - nhà trường;

Nên không thể quy định trường ngoài công lập phải tuyển sinh cố định vào một thời điểm cùng với các trường công lập. 

Làm như vậy là rất khó tuyển sinh theo đúng tiêu chí riêng của từng trường ngoài công lập và khó khăn cho chính phụ huynh, học sinh muốn xin học ở trường ngoài công lập” - Cô Thúy nhận định. [2]

Chủ trương xã hội hóa giáo dục vướng ngay giữa lòng Hà Nội?

Cấp phép tuyển sinh trường tư, Hà Nội có đi ngược chủ trương xã hội hóa? ảnh 3

Trường tư thục ở Sài Gòn không phải lo lắng như Hà Nội

Ngay từ ngày 21/8/1997 Chính phủ đã có Nghị quyết số 90/CP về xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế và văn hóa.

Phần "Một số chủ trương, biện pháp để thực hiện xã hội hoá hoạt động giáo dục và đào tạo" nêu rõ:

"Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại trường, lớp bán công, dân lập, tư thục tại thành phố, thị xã, thị trấn và những vùng có kinh tế thuận lợi.

Tỷ lệ hướng dẫn (mang tính định hướng, không có tính bắt buộc) về mức độ phát triển bán công, dân lập và tư thục ở thành phố, thị xã, thị trấn là:

Đại bộ phận giáo dục mầm non; 10-15% đối với cấp tiểu học; 25% đối với cấp trung học cơ sở; 50% đối với cấp trung học phổ thông." [3]

Ngày 18/4/2005, Chính phủ tiếp tục ra Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y ế, văn hóa và thể dục thể thao.

Về đánh giá thực trạng công tác xã hội hóa các lĩnh vực trên, Nghị quyết chỉ rõ:

"Trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, các cơ sở công lập chiếm tỷ trọng lớn vẫn áp dụng cơ chế quản lý như các cơ quan hành chính nên đã không phát huy được tính năng động, tự chủ và trách nhiệm."

Nguyên nhân của những hạn chế được Nghị quyết này chỉ rõ:

"Trước hết là do nhận thức còn chưa đầy đủ, xem xã hội hoá chỉ là biện pháp huy động sự đóng góp của nhân dân trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp.

Tư tưởng và thói quen bao cấp vẫn còn khá nặng nề.

Trong chính sách xã hội hoá, chưa quy định rành mạch về sở hữu của các cơ sở ngoài công lập (bán công, dân lập);

Chưa phân định rõ sự khác biệt giữa các hoạt động có bản chất lợi nhuận và phi lợi nhuận trong các cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, giữa phúc lợi cho người dân và việc bao cấp cho các cơ sở công lập.

Thực tế đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp để vừa bảo đảm định hướng phát triển, vừa khuyến khích, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao."

Ảnh minh họa: Thùy Linh / GDVN.
Ảnh minh họa: Thùy Linh / GDVN.

Mục 3 Phần II. Quan điểm và định hướng chung của Nghị quyết 05/2005/NQ-CP chỉ rõ:

"Chuyển các cơ sở công lập đang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp mang nặng tính hành chính bao cấp sang cơ chế tự chủ cung ứng dịch vụ công ích không bao cấp tràn lan và không nhằm lợi nhuận (gọi tắt là cơ chế cung ứng dịch vụ): 

Có đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức và quản lý; thực hiện đúng mục tiêu và nhiệm vụ; hạch toán đầy đủ chi phí, cân đối thu chi...; 

Thường xuyên nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ, sản phẩm; bảo đảm quyền lợi và cơ hội tiếp cận bình đẳng của người thụ hưởng."

Phần IV. Các giải pháp và cơ chế chính sách lớn, Nghị quyết 05/2005/NQ-CP nêu:

"Tách bạch quản lý nhà nước khỏi việc điều hành công việc thường xuyên của cơ sở.

Một mặt trao cho cơ sở đầy đủ quyền tự chủ và trách nhiệm; mặt khác bảo đảm quyền sở hữu và vai trò của đại diện chủ sở hữu trong các cơ sở công lập và ngoài công lập." [4]

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, được ký ban hành ngày 4/11/2013 đánh giá:

"Hệ thống giáo dục và đào tạo ngoài công lập góp phần đáng kể vào phát triển giáo dục và đào tạo chung của toàn xã hội."

Về định hướng, Nghị quyết số 29-NQ/TW chỉ rõ: 

Cấp phép tuyển sinh trường tư, Hà Nội có đi ngược chủ trương xã hội hóa? ảnh 5

Phụ huynh như "ngồi trên lửa" vì trường tư thục mãi chưa được tuyển sinh

"Phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền.

Bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ... 

Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục công lập và có cơ chế hỗ trợ để bảo đảm từng bước hoàn thành mục tiêu phổ cập theo luật định. 

Khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở khu vực đô thị." [5]

Những chủ trương, chính sách về xã hội hóa giáo dục rất đúng đắn, cần thiết đã được Đảng, Nhà nước ban hành kịp thời. 

Nhưng việc triển khai vào thực tế lại đang gặp nhiều khó khăn từ cách quản lý cứng nhắc ở cơ sở.

Trong khi Hà Nội đất chật người đông, quy mô trường lớp công lập không theo kịp tốc độ gia tăng dân số và đô thị hóa, chính các trường tư thục đã và đang gánh đỡ cho ngân sách nhà nước, giúp Hà Nội giảm áp lực sĩ số trường công và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục.

Nếu các trường tư thục được tự chủ tuyển sinh sẽ giúp tăng tối đa cơ hội cho học sinh cuối cấp, tăng cơ hội lựa chọn cho cha mẹ học sinh;

Trường tư phát triển, thì trường công không thể dậm chân tại chỗ.

Đây là biện pháp giảm tối đa áp lực sĩ số trường công mà không tăng gánh nặng lên ngân sách. 

Hơn nữa, cơ chế hoạt động và mức độ tự chịu trách nhiệm, nguồn lực đầu tư và chế độ ưu đãi dành cho trường tư khác hoàn toàn trường công, tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hàn Nội vẫn gom cả trường tư, trường công vào một kiểu quản lý hành chính?

Đảng, Chính phủ đã "trải thảm" từ lâu để các trường tư thục phát triển, nhưng Hà Nội vẫn chưa biết khi nào mới hết tư duy cấp phép như tem phiếu thời bao cấp.

Tổ chức Hội thảo Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp

Với mong muốn góp phần tháo gỡ những khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường tư thục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo về tuyển sinh ở các trường tư thục với mong muốn tìm kiếm các giải pháp đóng góp cho công tác quản lý của các Sở giáo dục và Đào tạo, đồng thời cũng tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn cho các trường tư thục.

Hội thảo diễn ra từ 8h30-11h ngày 26/4/2018, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình Hà Nội.

Để đăng ký tham dự hội thảo và gửi các ý kiến đóng góp tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường tư thục, xing vui lòng liên hệ:

toasoan@giaoduc.net.vn
– Hotline: 0938.766.888 - 0243.5569.666

Tài liệu tham khảo:

[1]https://baomoi.com/nen-cham-dut-quan-ly-giao-duc-kieu-tem-phieu/c/22423287.epi

[2]http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ha-noi-vi-sao-truong-ngoai-cong-lap-tuyen-sinh-som-so-voi-quy-dinh-3368796.html

[3]http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=8378

[4]http://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=18302

[5]http://www.dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/van-kien-dang/nghi-quyet-hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/doc-5925201511150046.html

Hồng Thủy