Cảnh sát phạt học sinh "thụt dầu" được khen, giáo viên làm thế sẽ bị kỷ luật

04/06/2021 06:59
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong các biện pháp xử lý học sinh, dù “thụt dầu” một vài lần cũng là biện pháp hay nhưng trong quy định không cho phép.

Sau bài viết “Cảnh sát phạt học sinh "thụt dầu" là bình thường, không có gì phản cảm!” của tác giả Trung Dũng đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều ý kiến bình luận của bạn đọc đang là giáo viên đứng lớp.

Nội dung bài viết cho rằng “Mạng xã hội mới đây chia sẻ rầm rộ clip về việc 3 học sinh ở Đắk Lắk không chỉ đi chung trên một xe đạp điện mà còn không đội mũ bảo hiểm nên đã bị các chiến sĩ cảnh sát cơ động nhắc nhở và xử phạt theo cách khiến ai trông thấy cũng phải bật cười.

Theo đó, khi phát hiện các em học sinh đi trên một xe đạp điện vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm nên cảnh sát yêu cầu dừng xe. Sau khi giải thích cho các học sinh về việc các em đã vi phạm luật giao thông, hai chiến sĩ yêu cầu các em “nộp phạt” bằng việc đứng lên ngồi xuống tại chỗ hay còn gọi là "thụt dầu" 20 lần. Sau khi giám sát các em thực hiện xong, hai chiến sĩ nhắc nhở thêm một lần nữa rồi tiếp tục làm nhiệm vụ.”

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam.

Bà Hồng cho rằng: “…Như vậy, cách làm của các chiến sĩ cảnh sát cơ động như trong clip mà chúng ta được xem là hợp tình, hợp lý. Trong nhiều trường học mà chúng tôi được biết, các giáo viên cũng sử dụng những hình thức xử phạt các học sinh tương tự như vậy để giáo dục các em…”

Đồng tình với quan điểm của Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, việc này vừa nhắc nhở, vừa là giáo dục vừa là phạt theo hình thức rèn luyện sức khỏe,… khi các em còn trẻ đáng được khen của lực lượng cảnh sát giao thông, nên người viết hoàn toàn tán đồng cách xử lý vụ việc trên.

(Ảnh minh họa, nguồn: yan.thethaovanhoa.vn)

(Ảnh minh họa, nguồn: yan.thethaovanhoa.vn)

Trong giáo dục, giáo viên xử lý học sinh vi phạm bằng cách “thụt dầu” sẽ bị kỷ luật

Trong bài viết trên, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam có nêu ý kiến cho rằng giáo viên cũng sử dụng những hình thức xử phạt học sinh tương tự như vậy thật ra cũng không chính xác lắm.

Trong các biện pháp xử lý học sinh, dù “thụt dầu” một vài lần cũng là biện pháp hay nhưng trong quy định không cho phép.

Tại khoản 2 Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

  • Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm;

  • Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm;

  • Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong các biện pháp xử lý học sinh vi phạm, không có quy định nào cho phép “thụt dầu” hay các hình thức khác, thậm chí cả phê bình trước lớp, trước trường.

Vì thế, giáo viên mà xử lý học sinh vi phạm bằng cách “thụt dầu” dính chắc kỷ luật.

Tại Điều 31. Hành vi ứng xử, trang phục của giáo viên, nhân viên quy định:

1. Giáo viên, nhân viên không được làm những điều sau đây:

a) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp […]”

Do đó, nếu phạt học sinh “thụt dầu” mà bị "nâng cao quan điểm" thành hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm và cả thân thể học sinh có thể bị xử lý rất nặng.

Bên cạnh về quy định về đạo đức nhà giáo, Luật Giáo dục,… đều quy định giáo viên không được xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm người học,… nên nếu giáo viên vi phạm chắc sẽ bị xử rất nặng.

Đã có nhiều trường hợp giáo viên bị kỷ luật do bắt học sinh “thụt dầu”, đứng trong lớp, ngoài sân,…

Thiết nghĩ, học sinh ở bậc phổ thông cơ sở trở lên là các em cũng đã dần dần trở thành người lớn, các em nếu làm điều tốt, học tốt được khen, thưởng, các em vi phạm thì cũng nên có biện pháp xử lý phù hợp, mang tính chất giáo dục.

Hiện nay, giáo viên vô cùng lúng túng khi xử lý vi phạm của học sinh, khi một học sinh vi phạm nhiều lần thì không thể không có biện pháp giáo dục.

Rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kế hoạch “học thật, thi thật, nhân tài thật” ban hành quy định cụ thể về các hình thức giáo viên được xử lý học sinh, trong đó có thể có “thụt dầu” tối đa không quá 10 lần chẳng hạn, hay biện pháp chép phạt,…

Nếu cứ mãi dung dưỡng cái sai, thì từ vi phạm nhỏ sẽ thành vi phạm lớn, rồi sẽ dẫn đến nhiều hệ quả khôn lường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM