Cảnh báo cấu trúc giả mạo đề thi trung học phổ thông quốc gia

03/02/2020 06:21
Bài, ảnh: Cao Nguyên
(GDVN) - Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo không công bố cấu trúc đề thi trung học phổ thông quốc gia.

Giáo viên và học sinh cần bám sát đề minh họa năm 2019 để ôn tập cho tốt.

Thông tin cấu trúc đề thi giả mạo

Vừa qua, một trang web đăng tải thông tin cấu trúc đề thi trung học phổ thông quốc gia của các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, tổ hợp Khoa học tự nhiên và tổ hợp Khoa học xã hội khiến học sinh hoang mang không biết thực hay hư.

Link giả mạo có địa chỉ: https://7scv.com/…/cau-truc-de-thi-thpt-quoc-gia-2020-tat-c….

Điều đáng nói là, thông tin bịa đặt này được nhiều học sinh, kể kể giáo viên chia sẻ trên trang facebook cá nhân mà không hề kiểm chứng.

Riêng môn Ngữ văn, cấu trúc đề thi lan truyền trên mạng xã hội “có sự lắp ghép kì quặc của năm 2019 với những mô hình đề thi cách đây khoảng 20 năm” (bình luận của Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, hệ thống Học Mãi – Hà Nội).

Trang web giả mạo cấu trúc đề thi trung học phổ thông quốc gia (Ảnh chụp màn hình ngày 1/2/2020)
Trang web giả mạo cấu trúc đề thi trung học phổ thông quốc gia (Ảnh chụp màn hình ngày 1/2/2020)

Cụ thể, những điểm xuyên tạc của thông tin như sau:

Thứ nhất, tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và toàn bộ nội dung tác phẩm chương trình Ngữ văn lớp 11 và 12 hiện hành.

Thứ hai, vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn (khoảng 600 từ) về một tư tưởng, đạo lý và một hiện tượng đời sống.

Thứ ba, vận dụng khả năng đọc - hiểu và kiến thức văn học để viết bài nghị luận văn học (thí sinh chỉ được làm một trong hai câu 3a hoặc 3b) với các tác phẩm ở chương trình Ngữ văn lớp 11 (học kì 2) và chương trình Ngữ văn lớp 12.

Ngoài ra, thông tin giả mạo này còn hướng dẫn học sinh ôn tập các bài đọc thêm ở chương trình Ngữ văn lớp 11 và 12.

Giáo viên và học sinh lưu ý những gì?

Cách ra đề thi môn Ngữ Văn như hiện nay đã lỗi thời
Cách ra đề thi môn Ngữ Văn như hiện nay đã lỗi thời

Thứ nhất, cần bám sát cấu trúc đề thi minh họa, đề thi chính thức và đề thi dự trữ của kì thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019.

Phần Đọc hiểu, luyện tập một số câu hỏi từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng thấp như: thể thơ, nội dung chính của văn bản, đặt nhan đề cho văn bản, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, các hình thức thể hiện của văn bản.

Đặc biệt, cần nhận diện được một số biện pháp tu từ quen thuộc như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, liệt kê, phép điệp… và nêu tác dụng của phép tu từ đó.

Học sinh căn cứ vào nội dung văn bản để trả lời cho chính xác, tránh trả lời lan man kiểu “gợi hình, gợi cảm và mang sắc thái văn chương”.

Bên cạnh đó, học sinh cần viết được 5-7 câu rút ra một thông điệp từ văn bản có ý nghĩa nhất với bản thân.

Phần Làm văncâu nghị luận xã hội, học sinh biết cách viết đoạn văn khoảng 200 chữ về một hiện tượng đời sống hoặc tư tưởng đạo lí.

Cần lưu ý rằng, đoạn văn hoàn toàn khác với bài văn thu nhỏ, chỉ cần sử dụng 2, 3 thao tác lập luận trong bài làm là đạt yêu cầu.

Câu nghị luận văn học, học sinh cần nắm vững nội dung, nghệ thuật của những tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 12. 

Về tác phẩm thơ: Tây Tiến (Quang Dũng), Việt Bắc (Tố Hữu), Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm), Sóng (Xuân Quỳnh).

Văn xuôi: Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Người lái đó Sông Đà (Nguyễn Tuân), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ).

Lưu ý, học sinh nắm vững phong cách nghệ thuật của tác giả, nét đặc sắc của tác phẩm hoặc giá trị nhân đạo của tác phẩm (truyện ngắn).

Thầy cô và học sinh cũng cần biết thêm, đề thi minh họa, đề thi chính thức và đề thi dự trữ của kì thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 không có nội dung chương trình Ngữ văn lớp 11.

Riêng các tác phẩm Đàn ghi ta của Lorca (Thanh Thảo), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), ở chương trình Giáo dục Thường xuyên chỉ là đọc thêm.

Thứ hai, căn cứ vào các dạng đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy cô cho học sinh luyện tập khoảng 2 đề/tác phẩm để các em thuần thục với các dạng đề khác nhau. 

Đó là, so sánh hai chi tiết trong một đoạn văn (cho sẵn) của tác phẩm; cảm nhận về một đoạn văn cho sẵn của một tác phẩm, từ đó nhận xét về sự phát hiện độc đáo của tác giả về một nội dung được nói đến; cảm nhận về nội dung trong một đoạn thơ (cho sẵn) và nhận xét về bút pháp nghệ thuật của tác giả…

Thứ ba, học sinh tránh đoán đề, học vẹt, học tủ vì mỗi tác phẩm có thể được ra nhiều dạng dạng đề khác nhau.

Thời điểm này, học sinh bậc trung học phổ thông cả nước đã và đang trở lại trường học tập sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý. 

Thầy cô và học sinh cần bám sát đề thi minh họa, đề chính thức và đề dự trữ của kì thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 để ôn tập cho tốt. Đặc biệt không chia sẻ những thông tin không chính thống, có thể gây hậu quả không đáng có.

Bài, ảnh: Cao Nguyên