Càng gần Tết, càng ước ao nhà giáo có được tháng lương thứ 13

07/01/2022 06:52
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mọi mong muốn của giáo viên đều mong chờ vào sự tính toán, cân đối của hiệu trưởng và kế toán nhà trường một cách hợp lý để giáo viên có Tết.

Gần đến Tết Nguyên đán, nhiều giáo viên trong nước lại chung nỗi niềm băn khoăn liệu năm nay có được một khoản thu cuối năm (gọi là thu nhập tăng thêm) để trang trải chi phí mùa tết, để cũng có được Tết như mọi ngành nghề khác.

Nhiều giáo viên mấy chục năm dạy chưa biết thu nhập tăng thêm, thưởng Tết là gì

Những năm gần đây nhờ được giao quyền tự chủ về tài chính nên giáo viên các trường trong cả nước có thêm được một khoản gọi là tiền tăng thêm thu nhập cuối năm, để trang trải phần nào kinh phí dịp Tết (cũng có thể coi như là có tiền thưởng Tết cuối năm của giáo viên).

Chính sách này quá đúng đắn khi các trường biết cân đối thu, chi, biết tính toán kinh phí hợp lý thì giáo viên cũng có một phần tiền cuối năm, cũng như là niềm an ủi so với các ngành nghề khác.

Có nơi hiệu trưởng, kế toán biết cân đối hợp lý thì giáo viên cũng có thể được chi hơn 5-10 triệu đồng/giáo viên, số tiền không gọi là nhiều nhưng cũng coi như có niềm vui, có thêm phần kinh phí trang trải dịp Tết, khuyến khích, động viên giáo viên gắn bó, đồng hành cùng nghề giáo, là động lực để giáo viên cố gắng công tác tốt.

Tuy nhiên, rất tiếc là có rất nhiều trường trong cả nước cuối năm giáo viên không hề có một đồng nào gọi là thu nhập tăng thêm.

Qua trao đổi với giáo viên ở các khu vực P.Y, B.T, A.G,… có rất nhiều giáo viên cuối năm không được chi thu nhập tăng thêm, có người còn chua chát cho rằng đi dạy gần 30 năm chưa nhận được 1 đồng nào từ thu nhập tăng thêm, thưởng Tết thì quả là đáng buồn.

Giáo viên mong muốn có được lương tháng thứ 13. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Giáo viên mong muốn có được lương tháng thứ 13. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Mong giáo viên có được lương tháng thứ 13

Thu nhập tăng thêm cuối năm có thể hiểu là các khoản có được từ nguồn kinh phí tiết kiệm các hoạt động của các đơn vị.

Những năm gần đây khi giao quyền tự chủ về tài chính cho các trường thì gần như thu, chi, cân đối là do quyền của hiệu trưởng và kế toán nhà trường.

Nói đúng ra nếu hiệu trưởng có tâm thì sẽ cân đối, tiết kiệm kinh phí hoạt động, mua sắm và các nguồn kinh phí khác thì giáo viên sẽ có được một khoản “thưởng Tết” cuối năm.

Còn nếu hiệu trưởng không biết cân đối, tính toán hoặc chủ trương xài hết kinh phí khoán hàng năm thì gần như giáo viên sẽ trắng tay, không có tiền thu nhập tăng thêm cuối năm.

Thực tế cũng có một số trường khi vào đợt thanh tra, kiểm tra, xây dựng trường chuẩn quốc gia,… thì tốn rất nhiều kinh phí nên phần kinh phí còn lại cũng không còn bao nhiêu.

Khi đó, giáo viên ấm ức nhưng không dám kêu than vì thực tế kinh phí đơn vị cuối năm đã hết, muốn chi cũng không thể chi.

Một số nơi kinh phí cuối năm vẫn còn dư nhưng lại không được chi do không được cái “gật đầu” từ lãnh đạo cấp trên, nên dù còn dư kinh phí giáo viên vẫn không có được khoản nào.

Đây là điều có thật hàng năm, cùng là giáo viên nhưng có giáo viên có được một khoản không nhỏ, có giáo viên lại không có đồng nào.

Tình hình năm 2021 này kinh phí các địa phương đã tốn khá nhiều cho việc chống dịch nên ngân sách để các địa phương chi thưởng Tết giáo viên là rất khó trừ một số thành phố lớn.

Do đó, mọi mong muốn của giáo viên đều mong chờ vào sự tính toán, cân đối của hiệu trưởng và kế toán nhà trường một cách hợp lý để giáo viên có Tết.

Qua bài viết, người viết cho rằng, gọi giáo viên là nghề cao quý nhưng thu nhập thấp, đến Tết dương lịch, âm lịch thì không có đồng nào thưởng Tết thì quá chua chát, đáng buồn cho giáo viên, cho ngành.

Người viết tha thiết kiến nghị từ năm này, các cấp lãnh đạo nên tính toán cho giáo viên cả nước có được tháng lương thứ 13 xem như là thưởng Tết giáo viên ngoài phần tăng thu nhập giáo viên nếu có.

Do lực lượng giáo viên cả nước là không nhỏ, không dám ước mơ được chi thưởng Tết cuối năm 5-7 tháng lương như các ngành nghề khác nhưng lương tháng thứ 13 là ước mơ khả thi nếu các cấp lãnh đạo quan tâm và hiệu trưởng, kế toán cân đối tiết kiệm, thu chi hiệu quả.

Nếu năm nay kinh phí đơn vị còn thì chi lương tháng thứ 13 cho giáo viên, nếu kinh phí năm 2021 đã hết hoặc không đủ thì mạnh dạn lấy nguồn kinh phí năm 2022 để chi lương tháng thứ 13 cho giáo viên.

Trong năm học, hiệu trưởng và kế toán cân đối, tiết kiệm chi hơn để không phải tốn quá nhiều ngân sách trong năm.

Đã đến lúc, các cấp, các ngành nên quan tâm hơn đến lương, thưởng, thu nhập giáo viên để giáo viên cảm thấy ấm lòng, an ủi và có thêm niềm cố gắng trong công tác.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM