Cần xóa bỏ khoảng cách, sự phân biệt giữa giáo dục tư thục và công lập

10/06/2021 06:48
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các cơ sở giáo dục tư thục đã tạo ra nhiều luồng gió mới, là động lực cho cả nền giáo dục nước nhà, bù đắp lại những điều còn hạn chế ở môi trường công lập.

Vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo việc chọn một số giải pháp cấp bách, khả thi, có tính chất "đòn bẩy, điểm tựa" để phát triển giáo dục.

Bàn về việc phát triển hệ thống giáo dục nói chung của nước nhà, chúng ta không thể phủ nhận vai trò cũng như sự đóng góp của giáo dục tư thục. Tuy nhiên, hiện nay, nền giáo dục tư thục vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt từ vấn đề cơ chế, chính sách.

Thầy giáo Ngô Thành Nam cho biết, giáo dục tư thục vẫn chưa thật sự được xem trọng đúng mức, đôi khi chỉ được nhìn nhận ở khía cạnh kinh doanh giáo dục như bao nhiêu lĩnh vực kinh tế khác. (Ảnh: NVCC)

Thầy giáo Ngô Thành Nam cho biết, giáo dục tư thục vẫn chưa thật sự được xem trọng đúng mức, đôi khi chỉ được nhìn nhận ở khía cạnh kinh doanh giáo dục như bao nhiêu lĩnh vực kinh tế khác. (Ảnh: NVCC)

Trong cuộc trao đổi mới nhất với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Ngô Thành Nam - Cố vấn học tập của Microsoft, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khai Nguyên (Thành phố Hồ Chí Minh) nói rằng, mặc dù việc kêu gọi và tạo điều kiện phát triển giáo dục tư thục đã được Đảng đề ra và thể chế hóa rõ ràng trong Luật Giáo dục nhưng tính đến thời điểm hiện tại, giáo dục tư thục vẫn chưa thật sự được xem trọng đúng mức, đôi khi chỉ được nhìn nhận ở khía cạnh kinh doanh giáo dục như bao nhiêu lĩnh vực kinh tế khác.

Đó cũng là lý do khiến cho các cơ sở giáo dục tư thục không mấy mặn mà trong việc kết nối, chia sẻ cùng khối công lập để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục chung của nước nhà.

Theo thầy Ngô Thành Nam, các cơ sở giáo dục tư thục đã và đang góp phần tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, giúp giảm bớt rất nhiều cho gánh nặng ngân sách nhà nước tại các trường công lập, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong phát triển giáo dục từ mầm non đến đại học.

Rõ ràng, giáo dục tư thục đã tạo ra nhiều luồng gió mới, là động lực cho cả nền giáo dục nước nhà, bù đắp lại những điều còn hạn chế ở môi trường công lập, đưa giáo dục Việt Nam đến gần hơn với giáo dục thế giới.

Đối tượng thụ hưởng của hoạt động giáo dục là học sinh và phụ huynh cũng có thêm nhiều lựa chọn về môi trường phù hợp với định hướng giáo dục và cả đặc điểm, thế mạnh của từng học sinh.

Và quan trọng hơn, giáo dục tư thục chính là chất xúc tác để môi trường công lập không ngừng cải thiện chất lượng của chính họ.

Thầy Nam nhận định: "Điều đáng buồn hiện nay là các cơ sở giáo dục công lập vẫn chưa thực sự được xem trọng, vẫn còn tồn tại khoảng cách, sự phân biệt giữa môi trường giáo dục tư thục và công lập.

Các cơ sở giáo dục tư thục không được nhận hỗ trợ ngân sách nhà nước và vẫn phải nộp thuế kinh doanh như các doanh nghiệp khác. Kinh phí đầu tư chủ yếu xuất phát từ các cá nhân và doanh nghiệp tâm huyết với giáo dục.

Trong những trường hợp xảy ra sự cố bất khả kháng như dịch Covid - 19 kéo dài trong thời gian qua thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện hoạt động của các cơ sở này.

Đại dịch Covid-19 là một minh chứng rất rõ ràng về sự độc lập của các cơ sở giáo dục tư thục.

Nhiều nơi phải oằn mình, tìm mọi phương cách để duy trì hoạt động, không ít cơ sở giáo dục đứng trước nguy cơ đóng cửa. Phụ huynh và học sinh ở tư thục cũng gặp nhiều khó khăn so với môi trường công lập trong giai đoạn biến cố chung của toàn cầu".

Ngoài ra, thầy Ngô Thành Nam cũng chia sẻ về sự thiếu công bằng giữa các trường tư thục và công lập hiện nay.

Cụ thể, dù cùng tham gia học tại các trường học nhưng học sinh các trường công lập được hỗ trợ học phí còn học sinh tư thục thì không. Trong khi đó, một số quốc gia trên thế giới không có sự phân biệt công tư ở khía cạnh này, chỉ cần học sinh đến trường là được hỗ trợ như nhau.

"Một rào cản không hề nhỏ đối với sự phát triển của các trường tư thục chính là tư duy tư thục đi kèm với chất lượng chưa cao, điều này ảnh hướng đến niềm tin của xã hội.

Dẫu biết vẫn còn nhiều cơ sở tư thục chưa thực hiện tốt việc siết chặt, nâng cao chất lượng nhưng cũng không thể phủ nhận nhiều trường đã giải quyết rất tốt bài toán chất lượng giáo dục. Song, điều này là rất bình thường, giống như sự thiếu cân bằng giữa các cơ sở giáo dục công lập. Chúng ta cần có cách nhìn công bằng, khách quan với trường tư", thầy Nam khẳng định.

Mở rộng cơ chế giúp các trường tư thục bứt phá, phát triển

Theo quan điểm của thầy Ngô Thành Nam, một khi đã xác định rõ ràng về vai trò của giáo dục tư thục thì nhà nước cần có những giải pháp cụ thể để duy trì và thúc đẩy sự phát triển của khối giáo dục này.

Thứ nhất, cần tăng cường ban hành các chính sách khuyến khích hoặc xây dựng các đề án nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm gia tăng tỉ lệ các cơ sở giáo dục tư thục hiện nay.

Một vấn đề quan trọng là phải giải quyết và hỗ trợ nhanh chóng các khâu hành chính như hồ sơ đăng ký thành lập, giấy phép hoạt động khi các đơn vị có nguyện vọng xây dựng môi trường tư thục ở địa phương mình.

Thứ hai, cần thiết xây dựng các quy trình hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá rõ ràng nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động và đảm bảo được cơ chế tự chủ ở các cơ sở giáo dục tư thục. Trao quyền tự chủ thực sự cho các trường chính là cơ hội để giáo dục tư thục tạo nên những phát triển mang tính đột phá, đồng thời nâng cao chất lượng của cả hệ thống giáo dục nói chung. Tất nhiên, vấn đề kiểm định chất lượng cũng cần được thực hiện một cách chặt chẽ theo quy định chung của ngành.

Thứ ba, cần thu hẹp dần và tiến đến xóa bỏ khoảng cách, sự phân biệt giữa môi trường tư thục và công lập. Đồng thời, các cơ sở giáo dục tư thục thiếu bài bản, hình thức cần được xóa bỏ, tạo mọi điều kiện để giáo dục tư thục được tham gia vào các hoạt động chung, cùng chia sẻ, hợp tác vì mục đích chung là mang lại lợi ích cho người học.

Thứ tư, cần xây dựng chính sách hỗ trợ về tài chính dành cho cơ sở giáo dục và học sinh của môi trường tư thục.

"Thời gian qua, việc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất mỗi học sinh trường ngoài công lập được hỗ trợ học phí bằng định mức ngân sách hỗ trợ cho học sinh trường công lập là một tín hiệu đáng mừng về sự đồng hành của nhà nước với giáo dục tư thục.

Thiết nghĩ nên tạo sự cân bằng này để học sinh tham gia nhiều hơn vào các cơ sở tư thục, giúp giảm bớt áp lực tuyển sinh, giảm tải áp lực sĩ số cho khối công lập", thầy Nam nêu quan điểm.

Thứ năm, Nhà nước cần xây dựng chính sách cởi mở, hỗ trợ tối đa trong việc các cơ sở tư thục xây dựng, đề xuất các chương trình giáo dục riêng, nhằm đa dạng hóa hoạt động giáo dục của mình. Thực hiện được điều này chính là cách để chúng ta nâng cao và phát triển chất lượng giáo dục, đảm bảo nhu cầu và mục tiêu học tập của người học trong xã hội hiện đại ngày nay.

Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra với các cơ sở giáo dục tư thục là không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục nhằm khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh giáo dục chung của đất nước.

Phạm Minh