Cần thành lập một ủy ban cấp Chính phủ để giải quyết vấn đề tự chủ đại học

11/12/2021 06:58
Thùy Linh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi nghĩ thí điểm tự chủ chỉ nên được xem là dành riêng cho các cơ sở trước khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung ban hành năm 2018.

LTS: Thời gian qua, công tác thi hành Luật 34/2018 và Nghị định 99/2019 vẫn có tình trạng mối quan hệ bên trong giữa Đảng uỷ, Ban giám hiệu và Hội đồng trường chưa rõ ràng dẫn tới vai trò của Hội đồng trường vẫn còn nhiều bất cập.

Theo kế hoạch, giữa tháng 12/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị sơ kết về tự chủ đại học.

Trước thềm hội nghị này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có ghi nhận ý kiến đề xuất của một số chuyên gia.

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia; Ủy viên Hội đồng cố vấn - Kênh chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có một số trao đổi thẳng thắn với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề trên.

Ông đánh giá thế nào về tự chủ đại học? Đâu là yếu tố tích cực, đâu là thách thức?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Tự chủ đại học đã được thể chế hóa chính thức từ Luật Giáo dục đại học 2012 và được tăng cường khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 khi đi vào thực tiễn.

Về cơ bản, tôi đánh giá, tự chủ đại học mang lại nhiều điểm tích cực và trao cho các cơ sở giáo dục đại học quyền chủ động trong các hoạt động của mình từ tổ chức bộ máy, nhân sự, đào tạo, nghiên cứu khoa học cho đến tài chính.

Chúng ta cũng cần thống nhất với nhau rằng, tự chủ không chỉ gói gọn trong 23 trường thí điểm theo Nghị quyết 77 mà phải là trong toàn bộ hệ thống giáo dục đại học bao gồm cả các trường công lập lẫn tư thục. Chỉ nên xem 23 trường thí điểm theo Nghị quyết 77 là những cơ sở giáo dục được tự chủ cao hơn thôi.

Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều thách thức do chuyển từ hệ thống quản lý trực tiếp sang cơ chế tự chủ kèm theo trách nhiệm giải trình và có sự giám sát của nhà nước nên cũng gặp phải nhiều bỡ ngỡ, khúc mắc mà không dễ xử lý được.

Ví dụ dù nhiều trường đã thành lập Hội đồng trường tuy vậy Hội đồng trường có thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất hay không thì thực tiễn vẫn còn sự khác nhau giữa các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, vẫn còn tranh luận, mâu thuẫn và chưa được giải quyết rốt ráo về mối quan hệ 3 bên giữa Hội đồng trường – Ban giám hiệu – Đảng ủy.

Tiến sĩ Phạm Hiệp (ảnh: Lê Hiệp)

Tiến sĩ Phạm Hiệp (ảnh: Lê Hiệp)

Đặc biệt khi chuyển sang cơ chế tự chủ thì gắn với đó là trách nhiệm giải trình. Nếu trước đây, giải trình hầu như chỉ là chuyện báo cáo với cơ quan chủ quản, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì nay nó còn là báo cáo, trách nhiệm giải trình với các bên liên quan đặc biệt là sinh viên, thị trường, xã hội và thậm chí cả nội bộ cán bộ, giảng viên của trường….Tuy nhiên các khung pháp lý đi kèm vẫn chưa kịp ban hành hoặc ban hành rồi thì vẫn chưa được vận hành trơn tru.

Chưa kể, việc sắp xếp lại quyền hạn, trách nhiệm giữa cơ quan chủ quản và Hội đồng trường như thế nào thì vẫn còn rối. Những mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với trường đại học dù rất nhiều hoạt động đã được ghi là tự chủ theo Nghị quyết 77 hay Luật Giáo dục đại học 2018 nhưng tham chiếu các luật khác thì lại chưa thấy được tự chủ…Tất cả những vấn đề này chúng ta cần tiếp tục tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, đúng với xu hướng tự chủ trên thế giới.

Tôi nghĩ thí điểm tự chủ nên được xem là dành riêng cho các cơ sở trước khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung ban hành năm 2018. Giờ Luật có rồi, đây là khung tham chiếu và bên cạnh đó cũng có Nghị định 60/2021 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì cần tiến tới không còn “thí điểm” nữa mà sẽ phân rõ ra trong hệ thống giáo dục đại học có những loại hình tự chủ thế nào, tùy theo từng cơ sở có mức tự chủ khác nhau.

Một số chuyên gia đưa ra ý kiến rằng, các nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ mối tương quan giữa tự chủ đại học và vị trí trên các bảng xếp hạng. Liệu có phải đại học có vị trí cao trên các bảng xếp hạng quốc tế thì có nhiều quyền tự chủ về quản trị và tổ chức bộ máy, về tài chính và về học thuật không, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Đây là câu chuyện nhỏ trong bài toán lớn mà giới nghiên cứu trên thế giới đã quan tâm từ lâu, đó là mối quan hệ giữa tự chủ và chất lượng của cơ sở giáo dục đại học.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, mối quan hệ này sẽ tùy vào bối cảnh và tùy vào từng trường cụ thể.

Với những kết quả mà tôi tổng kết được từ kinh nghiệm trên thế giới, tự chủ chỉ là điều kiện cần để đảm bảo chất lượng được nâng cao còn điều kiện đủ còn bao gồm rất nhiều yếu tố khác như là trách nhiệm giải trình, đầu tư nhà nước, năng lực, nguồn lực hoặc chiến lược, tầm nhìn của bản thân trường đại học.

Nói tóm lại tự chủ là cần thiết, nhưng đúng như lời Giáo sư Nguyễn Hữu Đức, Tổ trưởng Tổ tư vấn giáo dục của Thủ tướng từng nói: “Tự chủ không phải là chiếc đũa thần”.

Ông có kiến nghị gì thúc đẩy tự chủ đại học hiệu quả?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Tôi nêu ra 5 kiến nghị.

Thứ nhất, chúng ta có một giai đoạn dài nhầm lẫn giữa tự chủ và tự túc tài chính, nhận thức này đã được thay đổi thông qua phát biểu của lãnh đạo Chính phủ, cụ thể là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như lãnh đạo các bộ ngành liên quan đó là tự chủ không phải là tự túc.

Tuy vậy, thực tiễn vẫn có vênh giữa phát biểu đó với khung pháp lý. Khung pháp lý hiện nay vẫn là các trường tự chủ theo Nghị quyết 77 vẫn không được nhận chi thường xuyên. Hiện nay, nhiều trường đang có kế hoạch để được tự chủ và kèm theo là không còn nhận chi thường xuyên. Chúng ta có nhận thức rõ ràng về việc này nhưng cần chuyển thành thực tế thể hiện qua quy định mới rằng “tự chủ không có nghĩa là tự túc tài chính”.

Thứ hai, chúng ta cần phải sớm hoàn thiện khung pháp lý về việc cấp ngân sách cho cơ sở giáo dục đại học dựa theo kết quả hoạt động của các trường chứ không phải thông qua xin – cho, chi thường xuyên như hiện nay mà trường nào có kết quả tốt hơn thì cần phải có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận đầu tư của nhà nước.

Thứ ba, dù tự chủ ở mức độ nào thì cũng đều phải có đối tượng sinh viên nhất định, ngành đào tạo nhất định không thể cắt ngân sách được ví dụ đối tượng chính sách, sinh viên nghèo, ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn, sư phạm, ngành y… cần tiếp tục đầu tư, thậm chí là đầu tư nhiều hơn hiện nay.

Còn những ngành mà thị trường cần thì nhà nước có thể cắt dần ngân sách để tự điều tiết như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin.... kể cả trường công hay trường top cũng không cần đầu tư nữa. Đào tạo sau đại học, định hướng nghiên cứu thì nhà nước cần đầu tư chứ không thể bỏ lửng vì đầu tư vào 1 thì sinh lợi ra nhiều.

Thứ tư, trong thiết kế khung pháp lý tự chủ cần tính toán đến luật chơi công bằng giữa trường công và tư. Ví dụ trường tự chủ không nhận ngân sách nhà nước thường xuyên thì được rất nhiều quyền tự quyết, các trường tư nhân cũng không nhận đồng nào từ nhà nước nhưng vẫn nhiều hoạt động phải xin phép.

Thứ năm, cần thành lập 1 ủy ban hoặc một cơ quan thường trực Chính phủ đứng ra giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Hiện nay, khi gặp vướng mắc, các trường chỉ có thể kiến nghị lên cơ quan chủ quản nhưng cơ quan chủ quản lại không đủ thẩm quyền để xử lý ngay công việc, gỡ rối ngay cho trường. Ủy ban hoặc cơ quan thường trực này sẽ có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin và đứng ra làm việc với các bên liên quan để xử lý, giải quyết nhanh để dứt điểm các vướng mắc trong quá trình tự chủ của các trường.

Trân trọng cảm ơn ông.

Thùy Linh (thực hiện)