Cần phải cải tổ mạnh mẽ hệ thống trường chuyên

02/07/2020 06:09
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường chuyên là nơi tuyển chọn và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, không phải chỉ riêng nước ta mà nhiều nước tiến tiến trên thế giới cũng có hệ thống như vậy.

Trước ý kiến xóa bỏ trường chuyên, nhiều giáo viên lại cho rằng việc cần thiết phải có một hệ thống đào tạo những học sinh tài năng, tinh hoa để làm đội ngũ kiến thiết đất nước là cần thiết.

Giáo dục tài năng không phải là đặc ân cho một bộ phận mà là việc đáp ứng nhu cầu được phát triển theo khả năng của những học sinh có năng lực vượt trội.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội). Ảnh: Tùng Dương.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội). Ảnh: Tùng Dương.

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội, cho biết:

“Thực tế cho thấy, trường chuyên đào tạo có tỷ lệ thành công cao hơn hẳn so với các trường học khác.

Tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện khoa học Giáo dục có một nghiên cứu, đánh giá tổng kết xem cả nước có bao nhiêu trường chuyên từ Trung ương đến tập quận huyện, phường xã.

Xem các trường này đào tạo thế nào, kết quả ra làm sao, rồi những em đã tốt nghiệp ở những trường chuyên này đã giúp ích gì được cho đất nước.

Những em học ở đây sau khi đi du học có quay về nước cống hiến hay ở lại nước ngoài làm việc…tất cả những kết quả đó có xứng đáng với kinh phí nhà nước bỏ ra để đào tạo các em hay không?

Không những tổng kết trường chuyên mà phải tổng kết cả những trường không chuyên để có so sánh về mọi mặt.

Việc tổng kết này rất cần thiết nhưng lâu nay đã bị bỏ quên, phải có đánh giá như vậy thì mới biết được giáo dục của chúng ta đã đi đúng hướng hay chưa?

Như vậy thì việc cải cách giáo dục mới hiệu quả, còn từ trước đến nay chúng ta chỉ làm theo cảm tính, hay có thể gọi là làm mò.

Dẫn đến tình trạng cái cần thì không cải cách mà toàn đi cải cách những cái đâu đâu vì đã làm gì có đánh giá mà biết rõ được sai hay đúng.

Việc gì cũng cần phải có một cơ sở khoa học rõ ràng, phải đối chiếu giữa học bình thường công lập với mức đầu tư của nhà nước thế này, với học ở trường trường tư thục, trường chuyên và mức đầu tư cao hơn.

Sau khi có được những con số cụ thể thì chúng ta mới nhìn nhận vấn đề trên cơ sở thực tế.

Chứ hiện nay cứ nói như Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, hoặc một vài ý kiến chủ quan khác thì tôi cho là không hề có cơ sở, chỉ là nói mò”.

Theo thầy Cường: “Trường chuyên chất lượng cao là nơi tuyển chọn và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, không phải chỉ riêng nước ta mà nhiều nước tiến tiến trên thế giới cũng có hệ thống trường chuyên.

Đại học Tổng hợp Lomonoxop (Nga) vẫn tồn tại trường phổ thông chuyên thành lập từ 1964, rồi các nước như Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Úc… cũng có.

Singapore có trường chuyên nổi tiếng là Trường Trung học phổ thông Chuyên Toán và Khoa học (NUS) nằm trong Đại học Quốc gia Singapore.

Hay như tại Thái Lan, trong các trường nổi tiếng như Đại học Mahidol hay Đại học Chulalongkorn cũng có hệ thống trường chuyên.

Hiện nay các trường trong cả nước và đặc biệt là trường của tôi khi tuyển giáo viên thì tiêu chí luôn cũng ưu tiên các học sinh trường chuyên, vậy phải có thế nào thì mọi người mới mê trường chuyên như vậy.

Học trường chuyên ra thì kiến thức của họ đều rất chắc, vào lớp cử nhân tài năng rồi mình kèm 1 đến 2 năm thì họ đứng lớp rất vững, nếu không nói là giỏi.

Như vậy là trường chuyên rất có tác dụng nhưng không ai tổng kết những cái đó cả?

Trường bình thường nhà nước đầu tư một phần, nhưng trường chuyên thì nhà nước đầu tư rất nhiều từ cơ sở vật chất đến con người, đội ngũ giáo viên.

Đầu tư lương và phụ cấp của giáo viên trường chuyên, ngoài lương chính còn được thêm 70% phụ cấp đứng lớp, mức này còn cao hơn cả miền núi.

Trong khi cơ sở vật chất tốt như vậy, học sinh lại thông minh như thế thì giáo viên dạy nhàn, sướng hơn các trường không chuyên rất nhiều.

Qua những ý trên tôi có đề nghị, trước hết nói về mặt luật thì trường chuyên tồn tại theo luật và anh không thể tự ý xóa bỏ mô hình này được.

Vậy thì chỉ có ứng xử nó như thế nào thôi chứ nói bán trường chuyên thì tôi cho đó là câu nói không có cơ sở, xét về mặt luật thì không ổn.

Hiện nay trường chuyên tất cả là trường công, nhiều tỉnh có 2 đến 3 trường và rõ ràng đầu tư của nhà nước vào đó là rất lớn.

Theo tôi là nên dần từng bước nghiên cứu xem trong những trường đó tuyển sinh thực sự khách quan thì học sinh nghèo là bao nhiêu, những em gia đình khá giả là bao nhiêu?

Từ đó mới quyết định đến mức đóng góp học phí vì thực sự người dân họ không tiếc tiền đầu tư vào giáo dục, đó là tôi chưa nói đến việc tiêu cực là chạy chọt vào trường chuyên mà việc đó tôi khẳng định là có.

Vậy nên những trường chuyên có thể dần chuyển sang tự chủ tài chính, học sinh khá giả được học chuyên đặc biệt thì phải đóng góp, còn ngân sách nhà nước sẽ đi đầu tư vào những vùng kinh tế khó khăn hơn.

Còn như Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam nên chuyển sang tự chủ tài chính có thu học phí, và nhà nước cần có chính sách miễn học phí để không bỏ quên những em nghèo học giỏi vẫn vào được trường này.

Các em học sinh của Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội). Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Các em học sinh của Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội). Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Cần cải tổ trường chuyên

Thầy Cường chia sẻ: “Tôi cho rằng không nên xóa hệ thống trường chuyên mà phải cải tổ mạnh hơn nữa.

Trường chuyên không nên chỉ đào tạo để đi thi lấy thành tích cao, mà phải đào tạo ra những con người có năng lực đặc biệt, chuyên và rất giỏi về một lĩnh vực nào đó có ích cho sự phát triển của xã hội.

Ngay khâu tuyển sinh, liệu có chắc chắn hàng nghìn học sinh trúng tuyển vào các trường chuyên hàng năm thực sự có năng khiếu về môn chuyên đó?

Làm sao để các trường khi tuyển sinh phát hiện năng khiếu thực sự của từng học sinh để rồi phân môn học, đó mới là cốt lõi, không thể trường chuyên nhưng lại đào tạo cào bằng như nhau.

Nếu đã gọi là vào chuyên thì phải học đúng cái chuyên đó và phải giỏi thực sự, không thể thi chuyên một môn nhưng khi vào lại học chuyên môn khác thì cũng hỏng.

Các phụ huynh cũng phải thay đổi nhận thức, rất nhiều phụ huynh muốn con mình vào môi trường chuyên để học tập tốt hơn, hi vọng rất nhiều.

Nhưng họ quên mất một điều quan trọng là con mình có tố chất và giỏi môn chuyên đó thực sự hay không? Hay là cố chạy vào bằng được cho bằng con nhà hàng xóm để rồi kết quả không như mong muốn.

Hơn nữa đã học trường chuyên thì làm sao mà đòi hỏi giỏi tất cả các môn như nhau được, muốn giỏi đều thì ra trường không chuyên mà học”.

Thầy Cường nêu quan điểm: “Ai mà chả thích có một trường mà đầu vào tốt, trường chuyên cũng vậy thôi.

Đầu vào mà tốt thì việc dạy sẽ dễ dàng hơn, chương trình không còn bị bó hẹp vào những giáo trình cũ, các em được học cách tư duy sáng tạo mới, được dạy cách để phát triển.

Vậy cho nên tại sao học sinh trường chuyên rất năng động, có nhiều kỹ năng nổi bật hơn so với các trường ngoài, đó cũng là ưu điểm.

Nếu tư thục được làm trường chuyên thì rất có lợi về mặt kinh tế cho ngân sách quốc gia, nhà nước không phải đầu tư về hạ tầng, con người cũng như trả lương đội ngũ giáo viên.

Rất nhiều trường nổi tiếng trên thế giới hiện nay đều là tư thục đấy thôi, vậy nên tôi nghĩ nhà nước nên sửa luật, mạnh dạn cho tư thục làm trường chuyên.

Tất nhiên sẽ phải có luật và những quy định kèm theo, bắt buộc các trường tư thục phải đảm bảo đủ những yêu cầu cụ thể thì mới được hoạt động mô hình này.

Còn những trường chuyên nên chuyển sang trường công lập tự chủ tài chính, nhà nước không phải tốn ngân sách để đầu tư những trường chuyên nữa”.

Năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi động đề án phát triển hệ thống trường Trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 với tổng kinh phí 2.312 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách Nhà nước là hơn 1.295 tỉ đồng, vốn vay ODA hơn 953 tỉ đồng, còn hơn 63,7 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của địa phương.

Một trong những mục tiêu của đề án là đến năm 2015, 100% trường Trung học phổ thông chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường trọng điểm có chất lượng ngang tầm các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Tùng Dương