Cần nghiêm túc xử lý việc tước đoạt quyền được dạy của giáo viên

05/06/2020 06:30
Nguyễn Phan
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc nghiêm túc xử lý cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tước đoạt quyền được dạy của giáo viên, gây ra hậu quả nghiêm trọng là điều rất cần phải thi hành.

Trong suốt một thời gian dài, Giáo dục Việt Nam đã đồng hành cùng rất nhiều nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) trong nhiều vụ việc.

Đặc biệt, câu chuyện dài kỳ về quyền lợi và chế độ của hàng nhà giáo huyện Vĩnh Thuận đến nay vẫn chưa thể kết thúc nhưng đang có những chiều hướng đầy khả quan và có hậu nếu như có được sự quan tâm đúng mức, đúng pháp luật của chính quyền địa phương.

Trong vụ việc này, những sai phạm mang tính chất nghiêm trọng đã được che chắn nên tồn tại hàng thập kỷ và đáng buồn là đối tượng bị xâm hại quyền và chế độ lại chính là những nhà giáo những chỉ biết lặng im chịu đựng, chấp nhận trong khổ đau.

Thực tế thì cho đến tận hôm nay, câu chuyện dài hơi đòi chế độ này đã có những tín hiệu khả quan nhưng những nhà giáo đã có quyết định nghỉ hưu từ 1/10/2019 vẫn chưa có được chế độ hưu trí nên còn đang thấp thỏm lo lắng và bất an.

Như tin đã đưa, theo thông tin từ bà Ngô Thị Ngọc Hạnh, Phó trưởng phòng phụ trách (thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Thuận) đã cung cấp, thì sau khi giải quyết dứt điểm vấn đề khôi phục chế độ phụ cấp thâm niên cho cô giáo Cảnh địa phương mới lấy đó làm “cơ sở nền” để giải quyết cho các đối tượng nhà giáo có hoàn cảnh tương tự như cô giáo Cảnh.

Mặc dù vậy, hiện tại vấn đề quyết định tỷ lệ phần trăm phụ cấp thâm niên của cô giáo Cảnh đang gặp nút thắt phải tháo gỡ, đó là theo xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường cô giáo Cảnh đã có thời gian 1 năm 6 tháng không tham gia giảng dạy, thời gian này sẽ phải giải quyết thế nào?

Cần nghiêm túc xử lý việc tước đoạt quyền được dạy của giáo viên ảnh 1Cô Nguyễn Thị Cảnh trong ngày nhận quyết định nghỉ hưu trước tuổi (Ảnh do tác giả cung cấp)

Giảng dạy là quyền cơ bản của giáo viên

Điều 73 Luật giáo dục 2005 (tới đây là Điều 70 Luật giáo dục 2019), đều quy định những quyền cơ bản của giáo viên như được giảng dạy theo chuyên ngành, được đào tạo nâng cao trình độ…

Và, những quyền cơ bản ấy đã được cụ thể hóa bằng các Thông tư, Quyết định liên quan khác.

Cụ thể, đối với giáo viên trường trung học cơ sở, các quyền cơ bản được quy định tại Điều 32 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT, quyền cơ bản của giáo viên Tiểu học được quy định tại Điều 35 Điều lệ Trường tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT.

Theo quy định tại các Thông tư này, cơ bản giáo viên cùng có chung các quyền “Được nhà trường tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh;

Được hưởng mọi quyền lợi về vật chất, tinh thần và được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ theo các chế độ, chính sách quy định đối với nhà giáo; Được trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức tham gia quản lý nhà trường;

Được hưởng lương và phụ cấp (nếu có) khi được cử đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định hiện hành;

Được cử tham gia các lớp bồi dưỡng, hội nghị chuyên đề để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;

Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, an toàn thân thể; Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật”.

Đồng thời, cũng tại các Điều lệ, Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm: “Quản lý giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên;

Thực hiện công tác khen thưởng, kỉ luật đối với giáo viên, nhân viên; thực hiện việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động; tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên theo quy định của Nhà nước”.

Việc phân công công tác cho giáo viên lại được quy định cụ thể bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác, phân công nhiệm vụ đối với viên chức được quy định tại Điều 25 Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức như sau:

“ (1) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức, bảo đảm các điều kiện cần thiết để viên chức thực hiện nhiệm vụ và các chế độ, chính sách đối với viên chức.

(2)Việc phân công nhiệm vụ cho viên chức phải bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm”.

Như vậy, việc hiệu trưởng xác nhận “từ tháng 1 năm 2011 đến tháng 7 năm 2012 cô Cảnh không tham gia giảng dạy” là một sự xác nhận đầy mơ hồ về tính pháp lý.

Câu hỏi đặt ra, nếu cô Cảnh không tham gia giảng dạy thì hiệu trưởng phân công cô Cảnh làm công việc gì?

Nếu xét thời điểm vị hiệu trưởng này xác nhận cô Cảnh không tham gia giảng dạy là từ tháng 1 năm 2011 đến tháng 7 năm 2012 thì văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng cho việc phân công này là Pháp lệnh cán bộ, công chức 1998 (sửa đổi năm 2000 và năm 2003) cùng với Luật viên chức 2010.

Đối chiếu văn bản quy phạm pháp luật trên, việc hiệu trưởng phân công nhiệm vụ khác thậm chí không phân công nhiệm vụ cho cô Cảnh (để cô Cảnh không tham gia giảng dạy) đều vi phạm quyền được dạy của nhà giáo, đây là quyền cơ bản nhất đã được Luật giáo dục bảo vệ bằng luật định và vi phạm luôn quy định về trách nhiệm của hiệu trưởng được quy định tại Điều lệ trường phổ thông các cấp học.

Hơn nữa, cả một thập kỷ qua, cô giáo Nguyễn Thị Cảnh cùng rất nhiều đồng nghiệp của mình đã phải chịu đựng việc chế độ chính đáng bị xâm hại mà hậu quả là hiện nay các cơ quan có thẩm quyền đang phải vất vả giải quyết khôi phục và nguyên nhân là do sự vô pháp tồn tại ngang tàng trong ngành giáo dục huyện này.

Như vậy, việc nghiêm túc xử lý cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tước đoạt quyền được dạy của giáo viên, gây ra hậu quả nghiêm trọng là điều rất cần phải thi hành để tạo niềm tin cho nhân dân không chỉ ở địa phương này.

Nguyễn Phan