Cần lùi lộ trình đổi mới sách giáo khoa để làm cho cẩn thận

17/10/2020 08:40
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để công cuộc đổi mới thành công thì tinh thần trách nhiệm của những người tham gia điều hành, quản lý ở tất cả các khâu là rất quan trọng.

LTS: Liên quan đến những ồn ào về sách giáo khoa mới, nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ tiếp tục gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết bày tỏ những lo lắng về lộ trình đổi mới sách giáo khoa trong những năm tiếp theo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hệ lụy của việc không cầu thị lắng nghe và chủ quan, nóng vội

Là một người dạy học, từ lâu có theo dõi những vấn đề liên quan đến việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; tôi cho rằng sự cố sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đứng tên “tổng chủ biên kiêm chủ biên” âu cũng là một hệ lụy tất yếu. Vì sao như vậy?

Thứ nhất, hai năm trước đây, khi Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng do chính Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên, bản thân tôi và nhiều người đã lên tiếng phản biện, góp ý rất nhiều lần.

Khi ấy, tôi còn nhớ, ngay diễn đàn này, trước khi qua đời cố nhà giáo Phạm Toàn cũng kịp để lại một lời khuyên chân thành cho những người gánh trọng trách lèo lái con thuyền giáo dục nước nhà.

Với kinh nghiệm và tầm nhìn cùng sự hiểu biết sâu sắc của mình, cố nhà giáo Phạm Toàn cho rằng cần phải “dừng chương trình tổng thể” năm 2018 để “dỡ ra làm lại” vì theo ông nó mang bóng dáng của chương trình đổi mới năm 2000. [1]

Đáng tiếc thay, tiếng nói của chúng tôi khi ấy đa phần đều bị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và các cộng sự của ông bỏ ngoài tai, không thèm quan tâm.

Thứ hai, có thể nói những sai sót đến khó tin trong sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều mà dư luận phản đối là hệ quả tất yếu của sự chủ quan, nóng vội mà người phải chịu trách nhiệm trước hết không ai khác hơn là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.

Bởi chính ông Thuyết trước đó đã tự tin một cách thái quá khi cho rằng sách do ông biên soạn có thể “đưa vào dạy được ngay mà không cần phải tập huấn” [2]. Điều này cũng được chính ông Mai Ngọc Chừ - Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1 thừa nhận:

“Khi thẩm định sách, một trong những tiêu chuẩn cứng là vấn đề thực nghiệm. Năm bộ sách đều được tổ chức thực nghiệm, nhưng thời gian chỉ có vài tháng.

Khi thẩm định, chúng tôi hỏi rất cặn kẽ thực nghiệm ở đâu, thế nào, nhóm tác giả đều trình bày đầy đủ. Nhưng chúng tôi cũng không thể kiểm tra từng lớp, từng giáo viên, học sinh để xem mức độ đến đâu”. [3]

Phát biểu trên của ông Mai Ngọc Chừ cho thấy, công tác thực nghiệm sách giáo khoa không được Bộ Giáo dục và Đào tạo giám sát kỹ càng.

Nói khác đi, vấn đề này gần như Bộ đã “khoán trắng” cho nhóm tác giả biên soạn và các Nhà xuất bản “tự biên tự diễn” sau đó làm báo cáo gửi kèm vào hồ sơ trình Hội đồng thẩm định.

(Ảnh chụp màn hình sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều)

(Ảnh chụp màn hình sách Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều)

Thứ ba, trước đây, tôi và nhiều người khác đã lên tiếng cảnh báo việc Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cùng lúc đảm nhận hai vai trò Tổng Chủ biên chương trình và Tổng chủ biên sách giáo khoa là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Đây là lỗ hỏng chết người trong điều hành quản lý, gây ra sự bất bình đẳng và chắc chắn ảnh hưởng đến tính khách quan trong vấn đề thẩm định các bộ sách giáo khoa do ông và các tác giả khác biên soạn.

Còn nhớ hơn một năm trước đây, Giáo sư Trần Đình Sử - Chủ tịch hội đồng thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt đã rất quyết liệt gạt phăng bộ sách Tiếng Việt của Giáo sư Hồ Ngọc Đại sau gần 40 năm kiểm nghiệm qua thực tế với lý do có quá nhiều lỗi và nhất là “không phù hợp với chương trình” đổi mới.

Nhưng rồi cũng chính Giáo sư Sử chứ không phải ai khác bảo rằng đã “lật từng trang, xem từng chữ…” nhưng không hiểu sao vẫn không phát hiện ra chi chít hạt sạn trong sách Cánh Diều của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết như các vị phụ huynh học sinh đã chỉ ra?

Tại sao như vậy? Có vấn đề gì chăng khi quyển sách được đánh giá tốt nhất trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1, được 100% thành viên hội đồng bỏ phiếu thông qua, dẫn đầu các bộ sách được các trường phổ thông lựa chọn nhưng lại là bộ sách thảm họa? Để rồi giờ đây phải rà soát, chỉnh sửa và thẩm định lại?

Lộ trình đổi mới sách giáo khoa: không thể không lo

Được biết, năm 2018 sau khi đã thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng công bố lộ trình đổi mới sách giáo khoa.

Theo đó, năm học 2020-2021 sẽ đổi mới sách giáo khoa lớp 1; năm học 2021-2022 đổi mới lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đổi mới lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đổi mới lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đổi mới lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Với những gì đang xảy ra với sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, thật sự không thể không lo cho công tác chuẩn bị để đổi mới sách giáo khoa theo lộ trình trên.

Thử hình dung, chỉ còn một năm nữa là đổi mới sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 nhưng đến thời điểm này mọi chuyện như thế nào?

Có ai biết đã hai bộ sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 được nhóm tác giả nào biên soạn chưa; các bộ sách đã được Hội đồng thẩm định ra sao, công tác tập huấn cho giáo viên như thế nào, rồi việc các trường phổ thông lựa chọn bộ sách nào để các thầy cô giáo soạn giáo án dạy học…

Thật lạ lùng làm sao, những công việc quan trọng như vậy nhưng đến giờ gần như vẫn còn trong vòng khép kín nếu không muốn nói là bí mật, chỉ những người trong cuộc mới hiểu?

Lùi lộ trình đổi mới sách giáo khoa kể từ năm học 2022-2023

Còn nhớ, tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc Hội ngày 25 – 26/9/2017, sau khi nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình phổ thông và Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông , ông Phan Thành Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng phát biểu:

“Đổi mới giáo dục đang chậm nhịp nhưng không thể vội mà phải tính về lâu dài, phải nhìn sâu sắc để làm bài bản, tránh lần này làm không được, vài năm sau lại đặt vấn đề sửa chương trình”. [4]

Với những gì đang xảy với Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, tôi cho rằng cần thiết lùi thời gian thực hiện đổi mới sách giáo khoa kể từ năm học sau để Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá và kiện toàn mọi công tác chuẩn bị cho việc thay đổi sách giáo khoa một cách căn bản và minh bạch nhất.

Có 3 lý do phải tạm dừng:

Một, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tiếp thu và xử lý rốt ráo sự cố sách Tiếng Việt Cánh Diều hiện nay.

Song song đó là, rà soát nhằm điều chỉnh, bổ sung tất cả quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn sách giáo khoa mới cho giáo viên trong những năm tới; cần thiết phải áp dụng công nghệ thông tin để thay đổi cách làm với bản thảo sách giáo khoa như cách làm hiện nay để lấy ý kiến góp ý của giáo viên, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cộng đồng, phụ huynh... trước khi áp dụng vào thực tiễn dạy học.

Hai, như đã nói ở trên, cho đến hôm nay không ai biết công tác chuẩn bị việc đổi mới sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 và các lớp khác theo lộ trình các năm tiếp theo đã được tiến hành như thế nào?

Ba, Luật Giáo dục hiện hành quy định Hội đồng thẩm định sách giáo khoa và Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng chương trình sách giáo khoa phổ thông.

Sau khi sự cố sách Tiếng Việt 1 do nhóm Cánh Diều xảy ra, người ta lại thấy quả bóng trách nhiệm đang được những người trong cuộc chuyền quà chuyền lại cho nhau rất thuần thục.

Giáo sư Trần Đình Sử - Chủ tịch Hội đồng thẩm định chỉ sau một ngày đã “bể kèo” từ chỗ cho rằng sách Cánh Diều “phù hợp”, “không sai” sau đó nhanh chân đá quả bóng trách nhiệm sang cho ông Tổng chủ biên và các cộng sự, rằng “những điều dư luận phản ứng đều đã được Hội đồng chỉ ra và yêu cầu sửa chữa nhưng các tác giả viết sách bảo lưu quan điểm không sửa”.

Rồi cũng ông cũng đã thừa nhận vì “nể nang” các tác giả viết sách nên mới ra nông nỗi. [5].

Thử hỏi với thái độ và tinh thần trách nhiệm của những người trong cuộc như thế thì lấy gì đảm bảo sẽ không xảy ra sự cố tương tự trong tương lai?

Thay lời kết

Đổi mới giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và nhà nước thế nên mọi sự cẩn trọng là không bao giờ thừa.

Ngoài ra, để công cuộc đổi mới thành công thì tinh thần trách nhiệm của những người tham gia điều hành, quản lý ở tất cả các khâu là rất quan trọng.

Sự cố sách Tiếng Việt lớp 1 là chỉ dấu cho thấy mọi sự chủ quan, nóng vội và nhất là không cầu thị lắng nghe góp ý của người dân tất yếu sẽ dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Điều đó cũng đồng nghĩa công cuộc đổi mới khó mà thành công như kỳ vọng.

Nếu như thế có tội rất lớn với nhân dân.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nha-giao-pham-toan-toi-thay-bong-dang-cua-chuong-trinh-2000-dang-hien-hien-post177083.gd

[2]: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thay-thuyet-noi-sach-tieng-viet-1-moi-day-duoc-ngay-khong-can-tap-huan-post205494.gd?

[3]: https://www.tienphong.vn/giao-duc/tham-dinh-sach-giao-khoa-lop-1-het-bao-nhieu-tien-1735404.tpo

[4]: https://www.daibieunhandan.vn/tha-cham-ma%E2%80%A6-chac-396088

[5]:https://soha.vn/gs-tran-dinh-su-hd-tham-dinh-co-phan-ne-nang-khong-kien-quyet-yeu-cau-sua-chua-sgk-tieng-viet-lop-1-20201013095004256.htm

Nguyễn Trọng Bình