Cần công khai thông tin thực nghiệm sách giáo khoa mới lên internet

10/04/2022 06:40
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần khuyến khích giáo viên dạy, giáo viên dự giờ tiết thực nghiệm nói đúng, nói thật, nói hết những gì mà họ thấy, họ biết thì những sai sót sẽ được hạn chế.

Ngày 19/3/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT và đây là điều rất cần thiết.

Đặc biệt là trong Thông tư này, Bộ đã hướng dẫn cụ thể tỉ lệ % số tiết thực nghiệm đối với từng môn học - điều này giúp cho các đơn vị biên soạn, xuất bản sách giáo khoa có thể hạn chế được những sai sót về kiến thức và loại bớt những “sạn” không đáng có như một số bộ sách ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6 vừa qua.

Tuy nhiên, công việc thực nghiệm như thế nào, các đơn vị biên soạn, xuất bản sách giáo khoa có làm đúng, làm cẩn thận hay không thì có lẽ cần phải có những minh chứng, có sự giám sát cụ thể của các cơ quan chuyên môn của Bộ. Nếu chỉ dừng lại trên báo cáo thì e mọi chuyện cũng khó có sự thay đổi tích cực.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Linh Hương

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Linh Hương

Sách giáo khoa lớp 1, lớp 2, lớp 6 trải qua nhiều quy trình chặt chẽ sao vẫn có “sạn”?

Kể từ năm học 2020-2021 đến nay thì ngành Giáo dục đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Từ 5 bộ sách giáo khoa ở năm học 2020-2021 thì đến năm học 2021-2022 chỉ còn 3 bộ sách giáo khoa mà thôi.

Tuy nhiên, điều mà dư luận vẫn đang băn khoăn là gần như cả 3 bộ sách giáo khoa này đều có những môn học bị phát hiện ra “sạn” nên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh Diều) phải phát hành thêm tài liệu bổ sung ngay trong năm học đầu tiên và phải chỉnh lý, bổ sung ở năm học thứ 2 cho sách giáo khoa này.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn đồng thời, hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống; rà soát, đính chính một số lỗi trong các sách giáo khoa Ngữ văn 6, Lịch sử và Địa lí 6 và một số môn học khác. [1]

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng đây là một sự cẩu thả của các đơn vị biên soạn, xuất bản khi đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng.

Nhưng, bên cạnh đó, dư luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi là nếu như các tác giả sách giáo khoa làm chưa tốt công việc của mình đã đành nhưng còn rất nhiều “cửa ải” nữa thì những bộ sách giáo khoa này mới đến tay giáo viên, học trò sao nó vẫn có nhiều “sạn” đến vậy?

Đó là Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đều là những “cây đa, cây đề” về chuyên môn và cửa ải cuối là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt mà có “sạn” nhiều như thế thì trách ai bây giờ?

Bên cạnh đó, các đơn vị biên soạn, xuất bản sách giáo khoa còn tổ chức dạy thực nghiệm, ngành Giáo dục còn yêu cầu đội ngũ nhà giáo trên cả nước góp ý sách giáo khoa, các trường lựa chọn sách với vô số quy trình chặt chẽ… vậy sao vẫn “sạn”?

Thế thì lỗ hổng nằm ở chỗ nào?

Nói thẳng ra, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa là nơi được Bộ gửi gắm niềm tin, họ là người có chuyên môn sâu, được trả thù lao khi thẩm định mà để sai sót là điều đáng trách nhất.

Còn chuyện thực nghiệm ở các nhà trường thì do các Nhà xuất bản chủ trì - họ bỏ kinh phí ra để một số đơn vị trường học đứng ra đảm nhận các tiết thực nghiệm tất nhiên các tiết này phải tốt, kiến thức phải phù hợp chứ chẳng lẽ lại… không tốt?

Chuyện giáo viên góp ý sách giáo khoa thì là chuyện làm không công, không sách mẫu, gửi đường link về trường thì mấy giáo viên họ đọc. Mỗi trường may ra cũng được vài người tâm huyết đọc nên có những tổ chuyên môn lên mạng Internet copy nhận xét rồi nộp cho nhà trường.

Sau đó, các trường tổng hợp về phòng, về sở giáo dục và tất nhiên những cái sai (nếu có) mà giáo viên chỉ ra liệu có có được các sở tổng hợp đầy đủ để gửi về Bộ hay không thì làm sao giáo viên biết được.

Với cách góp ý “nhẹ nhàng, tế nhị” như vậy nên việc giáo viên góp ý sách giáo khoa về cơ bản cũng chỉ là hình thức, không phát huy được tác dụng.

Suy cho cùng, khi những cuốn sách giáo khoa của chương trình mới được triển khai ở các nhà trường đã qua rất nhiều quy trình, cửa ải nhưng cuối cùng vẫn sai sót, vẫn nhiều hạn chế.

Sách giáo khoa Tiếng Việt (bộ Cánh Diều) phải chỉnh sửa và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn đồng thời, hủy và in lại 38.000 cuốn sách là lẽ hiển nhiên. Nhưng, họ là những đơn vị kinh doanh tất nhiên là họ không bỏ tiền túi ra để lấp các khoản tiền này.

Gánh nặng sẽ đè lên vai phụ huynh, các nhà trường, giáo viên đã và sẽ sử dụng những sản phẩm đặc biệt này.

Phải chú trọng khâu thực nghiệm thì mới hạn chế được sai sót

Chúng tôi cho rằng việc yêu cầu đội ngũ nhà giáo góp ý sách giáo khoa như Bộ đã từng làm không hiệu quả vì có nhiều lí do tế nhị. Chính vì vậy, khâu này chỉ mang tính hình thức mà lãng phí thời gian cho các nhà trường và các địa phương bởi sách giáo khoa bây giờ đã xã hội hóa rồi.

Vì thế, các tác giả sách giáo khoa phải cẩn thận với từng câu chữ, đơn vị kiến thức mà mình viết, biên soạn ra để bảo vệ uy tín và danh dự cho mình.

Bên cạnh đó, Bộ cần ràng buộc trách nhiệm Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa bởi đây là cửa ải duy nhất có đủ thẩm quyền, chức năng, quyền lợi để phát huy tiếng nói của mình.

Song, điều quan trọng nhất là các nhà xuất bản cần tổ chức dạy thực nghiệm nghiêm túc.

Theo Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT, các nhà xuất bản thực hiện thực nghiệm như sau: “Tổ chức thực nghiệm ít nhất 10% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 105 tiết/năm học trở lên, ít nhất 15% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục có từ 70 tiết/năm học đến dưới 105 tiết/năm học, ít nhất 20% tổng số tiết đối với các môn học, hoạt động giáo dục còn lại.

Mỗi bài học được dạy thực nghiệm ít nhất 2 lần, sau lần dạy thực nghiệm thứ nhất, tổ chức rút kinh nghiệm, chỉnh sửa bài học trước khi tổ chức dạy thực nghiệm lần thứ hai.

Cơ sở giáo dục phổ thông được lựa chọn để tổ chức dạy thực nghiệm bảo đảm tính đại diện vùng, miền; lớp học sinh được lựa chọn để tổ chức dạy thực nghiệm thuộc khối lớp có sách giáo khoa được thực nghiệm. Việc dạy thực nghiệm được thực hiện đối với học sinh toàn lớp vào thời điểm phù hợp với năng lực của học sinh.

Giáo viên dạy học và giáo viên dự giờ dạy thực nghiệm là những người đang trực tiếp dạy học môn học có sách giáo khoa được thực nghiệm. Mỗi tiết dạy thực nghiệm bảo đảm có ít nhất 3 giáo viên dự giờ và tham gia góp ý bài học thực nghiệm”. [2]

Chính vì thế, các đơn vị biên soạn, xuất bản sách giáo khoa cần thực nghiệm những bài khó, bài mới và cần chia sẻ rộng rãi những tiết thực nghiệm lên website của mình để giáo viên dạy bộ sách đó có cái nhìn toàn diện về môn mình dạy.

Đồng thời, đây cũng là cách minh bạch số tiết thực nghiệm và những ưu điểm, hạn chế ở bộ sách mà mình bán ra thị trường.

Đặc biệt, cần khuyến khích giáo viên dạy thực nghiệm, giáo viên dự giờ tiết thực nghiệm nói đúng, nói thật, nói hết những gì mà họ thấy, họ biết thì những sai sót, hạn chế mới được phát hiện.

Nếu không, sách giáo khoa các năm tiếp theo rất khó tránh khỏi những sai sót như các bộ sách mà ngành giáo dục đã áp dụng trong 2 năm nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-thu-hoi-110-000-cuon-sgk-de-sua-chua-post225318.gd

[2] https://moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1450

NGUYỄN CAO