Cần có những quy định tránh việc thay sách giáo khoa xoành xoạch

27/03/2022 07:14
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Rất cần có quy định mỗi bộ sách được chọn phải có thời gian lưu hành ít nhất là bao nhiêu năm mới hạn chế được việc sách giáo khoa cứ luôn thay đổi xoành xoạch.

Chủ trương “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đang được thực hiện ở nước ta kể từ khi ngành giáo dục áp dụng Chương trình giáo dục 2018.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng khẳng định quan điểm ủng hộ chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” vì đây là xu hướng của nền giáo dục hiện đại.

Bộ sách lớp 1 có trường chỉ học 1 năm là đổi (Ảnh tác giả)

Bộ sách lớp 1 có trường chỉ học 1 năm là đổi (Ảnh tác giả)

Chúng ta đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì chủ trương này cũng nhằm tạo điều kiện huy động trí lực của xã hội trong việc viết sách giáo khoa, các nhóm tác giả cạnh tranh nhau lành mạnh sẽ đẩy mạnh chất lượng sách giáo khoa nói riêng, chất lượng giáo dục phổ thông nói chung.

Về lý thuyết mà nói, “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” được xem là một chủ trương tiến bộ có lợi cho kinh phí nhà nước lẫn người học. Có nhiều bộ sách sẽ giúp cho nhà trường có thêm nhiều cơ hội được lựa chọn ra bộ sách có chất lượng nhất để giúp học sinh lĩnh hội được tri thức một cách tốt hơn.

Những bộ sách kém chất lượng hơn, đương nhiên sẽ bị đào thải và các tác giả muốn được thị trường chấp nhận nhất định phải có sự đầu tư, biên tập kỹ càng hơn.

Thế nhưng trong trải nghiệm thực tế của chúng tôi, điều lợi đâu chưa thấy mà việc có nhiều bộ sách giáo khoa, dẫn đến mỗi năm luôn có sự thay đổi trong việc chọn lựa sách giáo khoa của nhà trường.

Không chỉ học sinh lớp sau không thể dùng lại sách giáo khoa của lớp trước, chưa nói đến việc do có nhiều bộ sách trong cùng một địa bàn nên một số phụ huynh thường mua nhầm sách giáo khoa cho con nên thường mất oan một số tiền. Đây chính là sự lãng phí rất lớn.

Sách giáo khoa vẫn luôn thay đổi

Năm 2020-2021, việc chọn sách giáo khoa lớp 1 thuộc về các nhà trường. Lúc đó, trên thị trường có tới 5 bộ sách giáo khoa.

Thế nên, trong một địa bàn, có ít nhất 3 bộ sách giáo khoa được chọn. Năm học 2021-2022 nhà trường đã không còn được quyền chọn sách (mặc dù vẫn tổ chức bình chọn tại trường nhưng quyền quyết định lại thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh).

Thế là, gần như cả tỉnh lại chọn một bộ sách giáo khoa cho học sinh lớp 2. Điều này đã xảy ra tình trạng, trong một trường học mà học sinh lớp 1 học bộ sách A., học sinh lớp 2 lại học bộ sách B.

Cùng với đó là việc việc “biến mất” khỏi thị trường 2 bộ sách giáo khoa “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”.

Thế nên, nhiều trường học bắt đầu thay đổi việc chọn lựa sách giáo khoa trước đây của mình (việc thay đổi này là phù hợp để các em được học kiến thức liền mạch). Tuy thế, những bộ sách giáo khoa cũ sẽ không được dùng lại.

Ngoài những bộ sách giáo khoa của các môn học khác thì bộ sách Tiếng Anh cũng được thay đổi liên tục. Chỉ tính 6 năm trở lại đây, địa phương người viết đã thay đổi ít nhất 3 lần sách Tiếng Anh.

Nào là hết học bộ sách Tiếng Anh của Bộ, chuyển qua học bộ sách của nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, rồi lại bộ sách của Đại Trường Phát.

Mỗi lần thay sách là một lần những bộ sách giáo khoa dù còn mới, còn đẹp cũng phải bỏ vào sọt rác vì không thể dùng lại. Trong khi đó, sách Anh văn là sách có giá tiền đắt nhất so với những cuốn sách giáo khoa khác.

Cần có những quy định cho “tuổi thọ” từng bộ sách

Một bộ sách giáo khoa như trước đây được cả nước dùng chung điều lợi nhìn thấy rõ nhất là phụ huynh sẽ không phải tốn nhiều tiền cho việc mua sách giáo khoa vào mỗi năm học mới. Nhiều gia đình khó khăn vẫn có thể tận dụng những bộ sách giáo khoa cũ cho con cái học.

Tuy nhiên, cái gì độc quyền cũng dễ dẫn đến nảy sinh cơ hội cho những nhóm lợi ích hưởng lợi.

Bên cạnh đó, cũng vì độc quyền nên không có sự cạnh tranh nhiều về chất lượng. Bởi thế, các nhà biên tập và nhà xuất bản cũng không cần sự nỗ lực nhiều.

Áp dụng “Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” chắc chắn chất lượng sách sẽ được nâng lên. Bởi vì, muốn bộ sách nhận được nhiều lựa chọn thì người biên tập, nhà sản xuất phải có sự đầu tư kỹ lưỡng.

Điều này, người học sẽ có nhiều điều lợi vì được học bộ sách chất lượng nhất. Thế nhưng nếu không thực hiện tốt cũng sẽ là kẽ hở cho tiêu cực leo lỏi vào, điển hình như việc một vài năm lại chọn sách và thay đổi một bộ sách như hiện nay.

Khắc phục tình trạng trên, rất cần có thêm những quy định mỗi bộ sách được chọn phải có thời gian lưu hành ít nhất là bao nhiêu năm. Có như thế, mới hạn chế được phần nào việc sách giáo khoa cứ luôn thay đổi xoành xoạch như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

http://truyenhinhthanhhoa.vn/giao-duc/201809/mot-chuong-trinh-nhieu-bo-sach-giao-khoa-la-xu-huong-cua-nen-giao-duc-hien-dai-8146013/

Đỗ Quyên