Cán bộ quản lý cần thay đổi để xây dựng trường học hạnh phúc

03/05/2021 06:18
LÃ TIẾN - PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là quan điểm của Thạc sĩ Nguyễn Kim Tuyến, Hiệu trưởng trường Mầm non Sở Dầu (Hải Phòng) đưa ra trong Hội thảo “Thay đổi để xây dựng trường học hạnh phúc”.

Trong Hội thảo “Thay đổi để xây dựng trường học hạnh phúc” diễn ra vào ngày 28/4, cán bộ, giáo viên, các trường trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có cơ hội được học hỏi, lắng nghe những chia sẻ về việc làm sao để biến ngôi trường của mình thành mái nhà hạnh phúc.

Diễn giả Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lệ Thu –Trưởng Bộ môn Tâm lý ứng dụng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã mang đến rất nhiều câu chuyện về hành trình của các thầy, cô giáo đã dũng cảm nhìn vào góc khuất của bản thân để thay đổi và mang lại hạnh phúc cho bản thân, cho học sinh của mình.

Qua đó, lan tỏa tinh thần và động lực để các thầy, cô giáo có mặt tại hội thảo có thể dũng cảm thay đổi bản thân trong tương lai, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.

Hội thảo mang đến những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích góp phần giúp giáo viên, lãnh đạo các trường trên địa bàn Hải Phòng xây dựng trường học hạnh phúc (Ảnh: Phương Linh)

Hội thảo mang đến những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích góp phần giúp giáo viên, lãnh đạo các trường trên địa bàn Hải Phòng xây dựng trường học hạnh phúc (Ảnh: Phương Linh)

Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), người sáng lập hệ thống giáo dục chất lượng cao đã bật mí những bí quyết thay đổi trường học hiệu quả, hạnh phúc và chất lượng dưới góc nhìn một nhà quản lý.

Sau khi lắng nghe các diễn giả chia sẻ, giáo viên, lãnh đạo các nhà trường được trao đổi trực tiếp với các diễn giả, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng để giải đáp các mối quan tâm xung quanh việc làm thế nào để xây dựng trường học hạnh phúc.

Các thầy, cô giáo đã gửi nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề như: Kỹ thuật dạy học tích cực tạo hứng thú, động lực giúp học sinh phát huy, sáng tạo và học tập tốt hơn; Mối quan hệ với phụ huynh học sinh; Xây dựng tâm lý học đường; Tổ chức hoạt động nhà trường hiệu quả.

Cán bộ quản lý cần thay đổi như thế nào?

Trong phần hỏi – đáp trực tiếp, Thạc sĩ Nguyễn Kim Tuyến đã đưa ra quan điểm, câu hỏi liên quan đến việc cán bộ quản lý cũng cần thay đổi để đồng hành cùng các nhà trường xây dựng trường học hạnh phúc.

Đại diện cho các hiệu trưởng trường mầm non thuộc quận Hồng Bàng (Hải Phòng), Thạc sĩ Nguyễn Kim Tuyến đưa ra quan điểm, câu hỏi: "Cán bộ quản lý thay đổi như thế nào để xây dựng Trường học hạnh phúc?" (Ảnh: Phương Linh)

Đại diện cho các hiệu trưởng trường mầm non thuộc quận Hồng Bàng (Hải Phòng), Thạc sĩ Nguyễn Kim Tuyến đưa ra quan điểm, câu hỏi: "Cán bộ quản lý thay đổi như thế nào để xây dựng Trường học hạnh phúc?" (Ảnh: Phương Linh)

Câu hỏi của Thạc sĩ Nguyễn Kim Tuyến đưa ra trong hội thảo: “Tôi xin đại diện cho các hiệu trưởng của các trường mầm non thuộc quận Hồng Bàng có những suy nghĩ, trăn trở.

Như chúng ta vẫn biết, mầm non là bậc học mà vất vả nhất và chế độ chính sách cũng kém ưu đãi nhất. Thế nhưng, các cô giáo mầm non vẫn hết sức tâm huyết đem đến môi trường tốt cho các con.

Ngày hôm nay, chúng ta đang có chủ đề thay đổi vì một trường học hạnh phúc và chúng ta nói rất nhiều đến việc hiệu trưởng thay đổi, giáo viên thay đổi.

Tuy nhiên, có một điều mà chúng ta chưa nói tới đó là cán bộ quản lý cần thay đổi như thế nào.

Chúng ta đang hướng tới cái gốc là học sinh hạnh phúc, nhưng học sinh hạnh phúc thì các cô phải hạnh phúc trước tiên.

Đặc biệt là các cô giáo mầm non, các cô ở trường với các con từ 6h sáng đến 5h30 chiều và không chỉ dạy các cô còn dỗ, chăm sóc các con.

Vậy thì, các cô phải là những người hạnh phúc, những người vui vẻ thì các cô mới vui vẻ để mà chăm sóc, yêu thương và toàn tâm với các con được.

Tiếp đó, hiệu trưởng phải là người lan tỏa, truyền tình yêu trẻ đến với các cô.

Nhưng để hiệu trưởng được vui vẻ, hạnh phúc thì trên đó là các nhà quản lý cấp phòng, cấp sở phải tạo cho hiệu trưởng một sự vui vẻ, thoải mái hạnh phúc.

Chúng ta hôm nay được nghe rất nhiều chia sẻ nhưng những chia sẻ và thành công nhiều hơn ở trường tư thục, trường dân lập còn trường công lập thì ít hơn.

Ở trường tư thục, trường dân lập thì các thầy cô được chủ động hơn, tự chủ hơn và được làm những việc mình cảm thấy có ý nghĩa hơn cho các con mà không bị áp lực.

Nhưng nếu như ở trường công, hiệu trưởng nào mà say mê quá, tâm huyết quá mà người ta có những cách riêng để làm hiệu quả hơn cho trường mình thì sẽ bị chỉ trích rằng không đi đúng chỉ đạo hoặc tại sao một mình làm một kiểu như vậy.

Rất ít hiệu trưởng có thể có đủ bản lĩnh để bỏ qua thành tích, sự chỉ trích, sự khác biệt để mà dám nghĩ, dám làm việc mình cho là ý nghĩa mà đem tới hiệu quả cho ngôi trường của mình.

Ở đây, tôi thấy được một rào cản rất lớn mà ngày hôm nay chúng ta đang thiếu, đó là sự thay đổi của các nhà quản lý cấp phòng và cấp sở”.

Bản thân hiệu trưởng đừng ngại thay đổi!

Trước câu hỏi của Hiệu trưởng trường Mầm non Sở Dầu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lệ Thu đã đưa ra câu trả lời dưới góc độ tâm lý: “Bản thân tôi trước đó đã nhắc đến bằng chứng về 8 ứng viên đã tham gia chương trình ‘thầy cô chúng ta đã thay đổi rồi’.

Cụ thể, thầy Thanh An khi đến với chương trình đã phàn nàn rất nhiều về việc các con không yêu môn Địa, không chọn yêu môn Địa thì dạy thế nào đây.

Nhưng tại sao thầy vẫn chọn thay đổi?

Chúng tôi không thể thay đổi được chương trình, thay đổi được Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay đổi được cán bộ Sở, phòng ngay. Nhưng, có một điều có thể chọn dũng cảm thay đổi luôn đó là chính mình.

Bởi vì mình muốn làm gì thì mình quyết định, không ai bắt mình thay đổi hay không thay đổi và 8 ứng viên thầy, cô giáo đã bước lên hành trình thay đổi.

Chúng ta thay đổi thì chúng ta hạnh phúc từng chút từng chút lên chứ chờ ngoài kia thay đổi thì đến bao giờ!

Thông qua câu chuyện truyền cảm hứng của 8 giáo viên, thông qua các hiệu trưởng đang ở đây, họ đã bắt đầu chuyển mình.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo Phùng Xuân Nhạ đã nói, Bộ trưởng cũng phải thay đổi, các cán bộ Sở, phòng cũng phải thay đổi và toàn bộ các cán bộ quản lý cũng phải thay đổi.

Theo đó, tôi đồng ý với ý kiến của cô hiệu trưởng đại diện cho các trường mầm non.

Tôi chỉ muốn từ khía cạnh tâm lý để nói lên một điều rằng, mình sẽ khôn ngoan chọn cách không đợi mà hãy thay đổi chúng ta trước”.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng giải đáp câu hỏi của Hiệu trưởng trường Mầm non Sở Dầu (Ảnh: Phương Linh)

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng giải đáp câu hỏi của Hiệu trưởng trường Mầm non Sở Dầu (Ảnh: Phương Linh)

Đưa ra câu trả lời dưới góc độ một nhà quản lý, ông Vũ Văn Trà – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nói: “Không chỉ là hiệu trưởng thay đổi mà các nhà quản lý cũng phải thay đổi nói chung. Trong đó, có cấp Bộ, cấp Sở các tỉnh, thành phố và cấp Phòng các quận, huyện.

Thay đổi đã là quá khó và thay đổi thì hay gặp các rào cản. Thường thì theo phân cấp, các nhà lãnh đạo, quản lý thường có những áp lực.

Trong công tác quản lý, không có áp lực thì chúng ta cũng không thể hoàn thành được những việc đã đặt ra.

Ở đây câu chuyện cô Tuyến đặt ra, hiệu trưởng thay đổi thì sẽ bị lãnh đạo phê bình.

Trên thực tế, điều này rất công bằng, không có hiệu trưởng nào thay đổi để làm đơn vị tốt lên thì lại bị xem xét để kỷ luật.

Trách nhiệm của các cấp quản lý là phải hết sức công tâm, công minh, phải xem kỹ càng cái thay đổi của người hiệu trưởng này là nó giúp ích cho học sinh, cho giáo viên thì mình phải bảo vệ.

Đôi khi người hiệu trưởng đó phải có khả năng thuyết phục. Thuyết phục ngay đội ngũ của trường mình, thuyết phục phụ huynh.

Có những thay đổi làm tăng áp lực trở lại đối với học sinh, phụ huynh, giáo viên nhưng mình cũng phải có lộ trình thay đổi. Có người nóng vội muốn thay đổi nhanh quá thì sẽ gây nên những cái sang chấn.

Bản thân các hiệu trưởng đừng ngại thay đổi. Như tôi đã nói, đầu tiên là hiệu trưởng rồi đến những người đứng đầu một đơn vị phải có tư tưởng thay đổi.

Về phía Sở, chúng tôi cũng đang thay đổi theo đó không lý gì khi các hiệu trưởng thay đổi mình lại ngăn cản.

Vấn đề ở chỗ khi có những thông tin này thì các nhà quản lý phải xem xét thật cẩn trọng, chưa nên vội vã có những phê bình, làm nhụt ý chí khiến người ta không muốn làm nữa và làm thui chột những sáng tạo.

Theo đó, các thầy, cô yên tâm, các cấp quản lý phải thay đổi và trong quá trình có những động thái trong chỉ đạo thì cũng phải xem xét cẩn trọng, không vội vàng”.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cũng quán triệt tới các lãnh đạo phòng các quận, huyện cần có quan điểm như trên.

“Hiệu trưởng thì thay đổi đối với một đơn vị còn chúng ta phải đồng hành, sát cánh với hiệu trưởng để có những thuyết phục khiến các nhà quản lý khác hiểu. Qua đó, giúp tạo động lực cho các thầy, cô hiệu trưởng thay đổi” ông Vũ Văn Trà nhấn mạnh.

LÃ TIẾN - PHẠM LINH