Cán bộ học Tiến sĩ ở nước ngoài là tốt nhưng không chặt sẽ mất tiền, mất người

06/06/2021 07:30
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ trương thì không có gì là sai cả, vì muốn có cán bộ chất lượng thì phải đầu tư, nhưng đầu tư không chặt chẽ thì sẽ bị mất người và mất tiền là điều dễ hiểu.

Liên quan đến việc thực hiện “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030”, hay còn gọi là Đề án 89 thì ngày 13/5 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn hướng dẫn, yêu cầu các trường muốn tham gia đào tạo đăng kí trước ngày 20/5, gửi danh sách ứng viên trước ngày 15/6 và Bộ sẽ thông báo danh sách trúng tuyển trước ngày 30/6/2021.

Đề án thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến băn khoăn, liệu rằng sắp tới đây khi Đề án đưa vào triển khai thì các trường sẽ có những phương án triển khai như thế nào, có vướng mắc gì không khi mà trước đây cũng đã có Đề án 322 và 911 từng thực hiện chủ trương này.

Và hơn hết, nhiều người quan tâm đến chuyện các Tiến sĩ sau khi dùng tiền ngân sách để đi học xong nhưng không quay trở về nước để tiếp tục cống hiến sẽ được các trường xử lý như thế nào, có cần thiết phải cho các giảng viên ra nước ngoài để đào tạo lên trình độ Tiến sĩ hay không.

Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thuỳ Linh

Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thuỳ Linh

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết:

“Muốn có nguồn nhân lực giảng viên có trình độ giảng viên có trình độ cao thì một chiến lược để đào tạo họ là việc hết sức cần thiết. Và trong những cách đó thì việc chúng ta tự bỏ tiền ra để đào tạo nguồn nhân lực này là chủ động nhất mà các trường đang áp dụng.

Theo cách này thì các trường hoàn toàn có thể đào tạo ra ngành nghề theo đúng chuyên môn nghề nghiệp mà những giảng viên sau này họ cần để giảng dạy. Việc này thì lâu nay chúng ta vẫn làm chứ không phải gần đây mới áp dụng.

Tuy nhiên, vì là ngân sách của nhà nước nên cần có những quy định chặt chẽ. Muốn vậy, công tác cán bộ cần phải thật linh hoạt và tinh tế. Nếu khâu tuyển chọn nhân lực diễn ra một cách hời hợt, thiếu sâu sát, không đúng đối tượng thì việc đưa đi ra nước ngoài đào tạo chưa chắc đã đạt được những chất lượng đúng mong muốn.

Vì thế, việc cử giảng viên ra nước ngoài để học tập nâng cáo trình độ theo tôi là việc làm mang tính đúng đắn. Tuy nhiên, cơ sở giáo dục nào thực hiện việc này thì nên có một bộ phận chuyên trách để làm khâu công tác cán bộ cho thật sát sao. Từ đó mới đảm bảo cho việc đem lại thực chất sau khi những cán bộ ấy trở về.

Mình chọn ai, chọn như thế nào để họ có thể trở thành những cán bộ cốt cán cho nhà trường mới là điều quan trọng. Lựa chọn cán bộ không khéo léo, kỹ lưỡng mà họ học xong rồi ở lại luôn không quay trở về nữa thì coi như chúng ta đầu tư lỗ vốn rồi".

Thực tế, một số trường có giải pháp yêu cầu các giảng viên phải ký vào cam kết "giữ chân" trước khi lên đường ra nước ngoài đi học. Vì đã có nhiều trường hợp cán bộ được cử đi, sau khi học xong họ đã phớt lờ việc này vì có những cám dỗ hấp dẫn hơn. Nhận định về việc này, Giáo sư Dong bày tỏ: "Việc hiện nay các trường buộc phải đưa ra những ràng buộc với đội ngũ cán bộ được cử đi học nước ngoài bằng ngân sách của nhà nước cũng là điều dễ hiểu, bởi trước đây cũng nhiều trường cũng lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười như thế này rồi.

Họ tự bỏ tiền ra để đi học thì không có chuyện gì để chúng ta cần bàn đến, nhưng đã là tiền của Nhà nước, của nhân dân bỏ ra thì cần làm sao để cần chọn ra đúng người, đúng cán bộ tin cậy, không làm uổng phí ngân sách.

Biết là làm khâu tuyển chọn cán bộ trong việc này rất khó, nhưng các trường cần chắc chắn rằng cán bộ đó học xong rồi sẽ trở về cống hiến cho nhà trường. Như vậy việc cử cán bộ học mới có được thực chất và không để lại dư luận xấu.

Tuy nhiên, nếu chúng ta mang nặng tâm lý của việc các cán bộ ấy cứ đi học rồi đi luôn, không trở về trường công tác nữa, rồi e ngại trong chuyện cử người đi học ở nước ngoài thì biết đến bao giờ chúng ta mới có đủ đội ngũ cán bộ cốt cán, có năng lực phục vụ cho các trường được.

Theo tôi, phương án ràng buộc thích hợp trong thời điểm hiện tại vẫn là việc Ban giám hiệu nhà trường nên ngồi lại với những cán bộ trước khi xác nhận họ trong danh sách cử đi. Ngoài việc nắm tâm tư thì cũng phải thẳng thắn với những giảng viên đó rằng, nếu không trở về sau khi hoàn thành khoá học thì coi như họ nằm ngoài sự đầu tư của nhà trường thì sẽ thu hồi lại cả vốn lẫn lời. Thậm chí là phạt nếu không thực hiện đúng cam kết".

Nêu nhận định tổng quan về tính khả quan của Đề án 89 lần này so với những đề án trước đây, Giáo sư Dong thẳng thắn: "Theo tôi, chủ trương thì không có gì là sai cả, vì muốn có cán bộ chất lượng thì phải đầu tư, nhưng đầu tư không chặt chẽ thì sẽ bị mất người và mất tiền là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, các trường cũng nên tính đến chiến lược lâu dài, đó là tương lai của môn học mà giảng viên ấy giảng dạy chứ không nên cử đi học theo dạng đại trà hoặc ở trường đã có rồi. Ví dụ: Có những môn trong nước mình chưa có, nhưng tầm nhìn trong tương lai những môn học đó sẽ là những môn học thiết yếu, cấp bách thì nên lựa chọn học nâng cao trình độ ở những môn học đó.

Trong chuyện cử đi học ở nước ngoài thì cũng đã từng có những quy định về việc ưu tiên cho những ngành, những lĩnh vực khoa học mà trong nước chưa có. Những lĩnh vực mà trong nước đã có rồi, mình có đủ điều kiện đào tạo Tiến sĩ của ngành đó rồi được thì đâu nhất thiết phải cử đi nước ngoài để học.

Chính bản thân tôi ngày trước cũng được cử đi học nước ngoài vào thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn. Tất nhiên vào thời điểm ấy, khi đi học thì có một phần là nước ngoài họ hỗ trợ. Chúng tôi đi học với tâm lý là người nghèo đi học, nên hầu như đội ngũ được cử đi ngày ấy cũng rất chắt bóp trong chi tiêu. Với khoản chi tiêu cố định trong một tháng được cấp thì chúng tôi phải làm sao để hạn chế chi tiêu thấp hơn số đó để có thể dư ra một ít còn gửi về nước phụ giúp thêm cho gia đình.

Và tất cả chúng tôi khi được đi học nước ngoài cũng đều chung một suy nghĩ, khi đi học không chỉ được biết đây biết đó mà còn nâng cao được bằng cấp để khi về nước cũng có nhiều thuận lợi trong sự nghiệp. Ai cũng có suy nghĩ là biết ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện. Vì thế, những người sau khi hoàn thành khoá học quay về nước, họ rất tận tuỵ và một lòng cống hiến chứ không hề có ý định làm việc ở một nơi nào đó có mức lương hấp dẫn hơn.

Được đi học nước ngoài thời điểm đó là cái gì đó vinh dự rất lớn, chúng tôi sẽ trả ơn cho việc mình được chọn đi học bằng cách trở về nước làm việc trong tâm thế hào hứng và cống hiến hết mình.

Như vậy để nói lên một điều là, ngoài đặt ra những khâu lựa chọn người kỹ lưỡng thì cũng nên có những định hướng tư tưởng cho những cán bộ đó để họ hiểu rằng họ đang được bằng chính những đồng tiền mồ hôi, xương máu của nhân dân nên khi học cần bằng cả trái tim để đưa những kiến thức đó trở về phụng sự cho đất nước".

Trung Dũng