Cấm trường công thu phí học online là đúng, đừng áp dụng với trường tư

17/03/2020 13:59
Trần Phương
(GDVN) - Việc thỏa thuận thu tiền học online giữa nhà trường và phụ huynh, học sinh trong mức độ phù hợp hoàn toàn có thể thực hiện theo quy định.

Cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, học sinh trên cả nước phải nghỉ học dài.

Đối với các trường công, việc hoạt động có ngân sách hỗ trợ, dù khó khăn nhưng cũng không ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, đối với khối tư thục, việc học sinh nghỉ học dài đang khiến các trường tư thực sự gặp rất nhiều khó khăn.

Sau nỗ lực duy trì trả lương tháng đầu tiên, đến tháng thứ 2 trở đi các trường đã phải đối diện với áp lực tài chính rất lớn, dẫn tới tình trạng nhiều thầy cô nghỉ không lương, hoặc bị giảm lương dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn.

Việc dạy học online trên truyền hình đang được nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành áp dụng. Ảnh: PNVN
Việc dạy học online trên truyền hình đang được nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành áp dụng. Ảnh: PNVN

Đã có nhiều kiến nghị lên các cơ quan chức năng sớm có hành động hỗ trợ trường tư trong giai đoạn này, cũng là biện pháp cần thiết ổn định hoạt động nhà trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ngày 13/3/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra văn bản số 769/SGDĐT-GDPT đã khiến cho nhiều trường khối tư thục có nhiều băn khoăn.

Trường tư giúp học trò để tự cứu mình vượt qua dịch bệnh Covid-19
Trường tư giúp học trò để tự cứu mình vượt qua dịch bệnh Covid-19

Cụ thể, theo văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, có chỉ đạo các trường:

"Quá trình tổ chức dạy học Online của nhà trường, của giáo viên cho học sinh của trường, của giáo viên do mình phụ trách, phải đảm bảo tính khoa học, sư phạm, chất lượng và không được thu bất kỳ khoản tiền nào đối với học sinh, phụ huynh học sinh khi học Online do nhà trường, giáo viên nhà trường tổ chức (kể cả việc Ban đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên".

Văn bản này đang gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, đặc biệt đối với các trường tư thục.

Việc can thiệp vào các hoạt động của trường tư thục, nơi có sự thỏa thuận giữa phụ huynh đã gây ra nhiều ý kiến về quy định “không được thu bất kỳ khoản tiền nào đối với học sinh, phụ huynh học sinh khi học Online”.

Trao đổi với báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên quy định cụ thể về trường công hay trường tư.

Bởi đối với hệ thống trường công lập, điều này hoàn toàn đúng, và đây là chuyện phải làm.

Hệ thống trường công lập do ngân sách thực hiện chi trả, dảm bảo nhiệm vụ chính trị về giáo dục.

Đó cũng là phúc lợi xã hội dân được hưởng từ việc đóng thuế. Trong quá trình nghỉ dịch, các thầy cô trường công lập vẫn được nhà nước trả lương. Do đó, thì việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy với hình thức khác trong quá trình học sinh nghỉ học thì cũng là một nhiệm vụ giáo dục hàng ngày.

Tuy nhiên, đối với khối tư thục, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, đã có quy định về những dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, việc thu phí nên được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận hai bên. Ảnh: TD
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, việc thu phí nên được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận hai bên. Ảnh: TD

Vì vậy, nếu có việc thu phí do học sinh, phụ huynh (là đối tượng phục vụ) và nhà trường (nơi cung cấp dịch vụ) trong thời gian nghỉ học chính khóa thì hai bên có thể thỏa thuận với nhau.

Bên cạnh đó, việc các trường tư thục phải lo chi phí toàn bộ từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Việc giáo viên nghỉ dài mà không đảm bảo thu nhập sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của các thầy cô.

Nếu việc thu tiền tổ chức dạy - học online có chất lượng, có sự thỏa thuận, thì đó là nguồn thu của các thầy cô, nhà trường khối tư thục có thể đảm bảo cho việc duy trì.

Nhìn nhận một cách khách quan thì việc các trường tư thục có thỏa thuận với các phụ huynh học sinh để thu tiền học sinh khi dạy học online cũng có thể chấp nhận được vì đó là sự thỏa thuận giữa hai bên.

Trần Phương