Cảm phục cô giáo trẻ tâm huyết với ngôi trường vùng cao

07/04/2012 22:50
Ngọc Anh
(GDVN) - “Nhiều thầy cô vì cuộc sống quá khó khăn đã không thể trụ nổi ở nơi đây và phải xin chuyển công tác. Sự ra đi của các thầy cô luôn để lại sự luyến tiếc rất lớn đối với những người làm giáo dục, vì đã làm vơi bớt đi phần nào tình yêu thương dành cho các em học sinh”.

Đó là lời tâm sự của chị Trần Lệ Quyên, 29 tuổi, hiện là Quyền Hiệu trưởng Trường THCS Bản Giang, thuộc xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Sau khi tốt nghiệp ĐH, chị đã quyết định lên công tác tại ngôi trường này chỉ với ước mong đem con chữ đến với các em học sinh thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

Tôi đã được nghe những chia sẻ chân thành, cảm động của chị trong một lần đến thăm ngôi trường này.

Chào chị Quyên! Rất vui được trò chuyện cùng chị hôm nay. Đã gắn bó với ngôi trường này được 8 năm, mong muốn lớn nhất của chị dành cho các em học sinh cũng như ngôi trường mình đang công tác là gì?

Cô Giáo Trần Lệ Quyền: Mơ ước lớn nhất không chỉ của riêng tôi mà còn của các thầy cô, đó chính là các em học sinh đi học đầy đủ, đúng giờ. Tôi mong tất cả các em đều được tới trường, được học tập như tất cả các em học sinh khác trong cả nước. Mong cho tương lai của các em sẽ sáng sủa hơn cha mẹ mình, cuộc sống của các em sẽ ấm no hơn.

Sau khi ra trường, chị đã quyết định lên nhận công tác tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn này, từ bỏ cơ hội có một công việc tốt hơn tại thành phố, động lực nào đã thôi thúc chị đưa ra quyết định như vậy?

Cô giáo Trần Lệ Quyên: Đơn giản bởi tôi đã lớn lên ở mảnh đất này, rất muốn cống hiến một phần khả năng của mình cho nó. Từ nhỏ, tôi đã thấm thía được nỗi khổ cực của các em học sinh vùng cao. Không có kiến thức thì đói nghèo, lạc hậu vẫn còn làm khổ các em.

Chị Trần Lệ Quyên, 29 tuổi, hiện là Quyền Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bản Giang, thuộc xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu ( ảnh Ngọc Anh)
Chị Trần Lệ Quyên, 29 tuổi, hiện là Quyền Hiệu trưởng Trường Trung  học cơ sở Bản Giang, thuộc xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu ( ảnh Ngọc Anh)

Xã Bản Giang là một xã thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Chắc hẳn trong quá trình dạy và học, chị cũng như các thầy cô giáo trong trường đã gặp không ít khó khăn?

- Cô giáo Trần Lệ Quyên: Khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Trường vẫn còn thiếu 4 phòng học, trang thiết bị dạy học còn chưa đầy đủ và cũng đã hư hỏng nhiều, cơ sở hạ tầng trong trường chưa đảm bảo. Nhưng khó khăn lớn nhất đó là các em học sinh không chịu tới trường. Gần 97% học sinh trong trường là người dân tộc (chủ yếu là người dân tộc Giấy, Dao và H’Mông), trình độ nhận thức còn hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu, đặc biệt là nạn tảo hôn. Học sinh là lao động chính trong gia đình nên thường xuyên nghỉ học để ở nhà giúp đỡ bố mẹ. Phụ huynh học sinh cũng ít quan tâm đến việc học hành của con cái nên việc vận động các em đến trường thật không dễ dàng.

Các em học sinh  gặp những khó khăn, thiếu thốn gì?

Cô giáo Trần Lệ Quyên: Kinh tế khó khăn, học sinh đi học thiếu thốn đủ thứ từ dụng cụ học tập, sách vở cho đến quần áo. Có học sinh chỉ mặc một tấm áo mỏng đến trường khi ngoài trời lạnh dưới 10 độ. Chân không giày, không tất, đỏ tấy lên vì rét, phải ngồi  co ro trong lớp. Nơi ở của các em cách trường 5 – 6km, đường đất lại không có phương tiện đi lại, hầu hết là đi bộ. Những ngày trời mưa, các em đến lớp với bộ quần áo lấm lem bùn đất. Phải vượt qua rất nhiều khó khăn, các em mới có thể tới trường.

"Nhiều thầy cô vì cuộc sống quá khó khăn đã không thể trụ nổi ở nơi đây và phải xin chuyển công tác. Sự ra đi của các thầy cô luôn để lại sự luyến tiếc rất lớn đối với những người làm giáo dục vì đã làm vơi bớt đi phần nào tình yêu thương dành cho các em học sinh. Chỉ mong sao thầy cô sẽ luôn cố gắng, yêu thương, gắn bó với các em học sinh, với trường học", cô giáo Trần Lệ Quyên
Nhà trường đã có những biện pháp gì để khắc phục khó khăn, vận động các em học sinh tới trường?

Cô giáo Trần Lệ Quyên: Nhà trường đã cố gắng vận động trong địa phương, các ban ngành, đoàn thể, ủng hộ, quyên góp đồ dùng học tập, quần áo, thiết bị giảng dạy cho các em học sinh. Thầy cô cũng thường xuyên quan tâm, gần gũi từng học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn để vận động các em tới lớp; tìm những phương pháp đơn giản mà hiệu quả để truyền đạt kiến thức cho các em.

Thầy cô cũng tổ chức những buổi phụ đạo không thu tiền để củng cố kiến thức cho học sinh. Nhiều thầy cô còn mua sách vở, quần áo cho các em bằng chính tiền lương của mình. Có những học sinh hay nghỉ học, từ sáng sớm giáo viên đã vào tận nhà đón các em ra lớp…

Nhà trường cũng tổ chức những hoạt động vui chơi để thu hút các em học sinh đến trường. Thầy cô cũng tự quyên góp tiền để làm những phần thưởng nho nhỏ cho các em.

Chị có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ của mình trong suốt 8 năm công tác tại đây?

Cô giáo Trần Lệ Quyên: Đó là năm học 2006 - 2007, tôi được phân công dạy và chủ nhiệm lớp 9. Học sinh lớp 9 hầu hết đã 16, 17 tuổi. Có em đã 20 tuổi, chỉ kém cô giáo 4 tuổi thôi. Sang cuối học kì hai, một em học sinh nghỉ học ở nhà lấy vợ. Tôi cùng học sinh trong lớp vào nhà vận động em đến trường. Bốn lần vào đều không gặp. Hôm đó, tranh thủ không có tiết, tôi vào từ sớm, đợi đến tận trưa thì cũng gặp được.

Sau một tiếng đồng hồ nói chuyện, thuyết phục, cuối cùng em ấy đồng ý mai sẽ đi học nhưng vẫn cưới vợ vì các thủ tục theo quan niệm của người dân tộc Giấy đã hoàn thiện, chỉ chờ ngày cưới nên không bỏ được. Tôi ra về mừng thầm trong bụng vì cuối cùng cũng có kết quả, tuy không được trọn vẹn.

Thế nhưng, ba ngày sau vẫn không thấy học sinh đâu cả, tôi lại vào lần nữa. Hôm đó, trời vừa mưa xong, bụng đã to vì mang thai sang tháng thứ năm, đường ruộng trơn, giữa đường lại phải đi qua một chiếc cầu treo cũ kĩ, nhiều mảnh gỗ ghép cầu đã gãy, thủng lỗ chỗ. Vào đến nhà học sinh thì bố mẹ em bảo nó thấy cô giáo từ đằng xa đã bỏ chạy rồi, nó không chịu đi học vì xấu hổ với bạn, với cô giáo. Tôi lại ngồi giải thích động viên gia đình.

Đợi mãi đến chiều muộn rồi vẫn không thấy học sinh nên tôi đành phải chào ra về. Trời sắp tối nên tôi phải đánh liều dắt xe qua cầu treo. Đi gần hết cầu thì một nan cầu đột nhiên bị gãy, thế là tôi bị trượt ngã. May mà chỗ đó có các dây thép treo cầu nên tôi không bị rơi xuống suối.

Nhưng người lại bị xe đè lên, một chân thụt xuống dưới gầm cầu không cựa quậy được. Đang chưa biết làm thế nào thì thấy từ xa cậu học sinh của mình đang hốt hoảng chạy tới. Em kéo xe ra rồi đỡ cho tôi đứng dậy. Em rối rít xin lỗi tôi và hứa mai sẽ đi học, cô giáo không phải vất vả vào nhà em nữa.

Và em đã tốt nghiệp lớp 9 năm đó. Sau hơn hai năm ở nhà làm ruộng, em đã quyết tâm đi học lớp Trung cấp Y của tỉnh đào tạo và năm nay sẽ ra trường. Thỉnh thoảng em vẫn vào trường thăm tôi, hai cô trò cùng ôn lại kỉ niệm khó quên đó.

Thật là một kỉ niệm vô cùng đáng nhớ. Các thầy cô đã phải vượt qua rất nhiều trở ngại để giúp các em học sinh được đến trường. Chị có một lời nhắn nhủ nào đó gửi đến các thầy cô giáo đang công tác giảng dạy ở những vùng còn nhiều khó khăn?

Cô giáo Trần Lệ Quyên: Nhiều thầy cô vì cuộc sống quá khó khăn đã không thể trụ nổi ở nơi đây và phải xin chuyển công tác. Sự ra đi của các thầy cô luôn để lại sự luyến tiếc rất lớn đối với những người làm giáo dục vì đã làm vơi bớt đi phần nào tình yêu thương dành cho các em học sinh. Chỉ mong sao thầy cô sẽ luôn cố gắng, yêu thương, gắn bó với các em học sinh, với trường học.

Cảm ơn chị về những chia sẻ rất tâm huyết và chân thành trong buổi trò chuyện hôm nay!

Điểm nóng

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Ôn thi Đại học

Tư vấn tuyển sinh

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

 Đổi mới Giáo dục

 Xem nhiều nhất trong tháng

Ngọc Anh