Cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe và điều chỉnh loạt Thông tư 01-04

22/05/2022 06:08
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mong rằng những văn bản do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành gắn với thực tế, nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội, giúp thúc đẩy giáo dục phát triển.

Loạt thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã nhận được ý kiến trái chiều của dư luận.

Đặc biệt, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam là nơi chia sẻ không ít ý kiến của các giáo viên đang giảng dạy trực tiếp, góp tiếng nói từ thực tế, gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Những bài viết phản ánh về bất cập của loạt thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT từng được đăng tải như: “Nhức nhối quy định 3 hạng đạo đức nhà giáo và yêu cầu minh chứng”; “Nhà giáo là thạc sĩ, cử nhân còn bị xếp lương trung cấp, cao đẳng đến bao giờ?”.“Giáo viên hạng II đau đầu tìm minh chứng để giữ hạng khi chuyển xếp lương mới”; “Chuyển hạng, xếp lương giáo viên còn nhiều bất cập, mất công bằng”; “Giáo viên có bằng đại học hưởng lương cao đẳng mỏi mòn mong chế độ lương mới”… đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc nói chung và giáo viên trên cả nước nói riêng.

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN)

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN)

Sau những góp ý của giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT.

Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT về cơ bản đã giải quyết được 5 vấn đề gây bức xúc cho giáo viên.

Thứ nhất, bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng.

Thứ hai, bỏ quy định tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông ở từng hạng chức danh nghề nghiệp.

Thứ ba, không yêu cầu giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ.

Thứ tư, giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.

Thứ năm, giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới.[1]

Đôi điều kiến nghị

Khoản 7 Điều 5: Điều khoản thi hành của dự thảo có ghi rõ:

7. Trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông đã thực hiện việc bổ nhiệm từ các Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 21/2015/TTLTBGDĐT-BNV, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TTBGDĐT, khi thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương theo các quy định sửa đổi, bổ sung tại Thông tư này không thực hiện việc truy thu tiền lương chênh lệch đã chi trả.

Đã thực hiện các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TTBGDĐT, khi thực hiện việc bổ nhiệm, xếp lương theo các quy định sửa đổi, bổ sung tại Thông tư này không thực hiện việc truy thu tiền lương chênh lệch đã chi trả.

Nếu trường hợp giáo viên chưa thực hiện bổ nhiệm theo Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TTBGDĐT thì sao đây?

Thực tế, không phải tất cả các địa phương trên cả nước đã thực hiện thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT, dù thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT đã có hiệu lực thi hành từ 20/3/2021.

Vì vậy, người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cho các địa phương chưa thực hiện thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT không cần thực hiện thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT nữa, mà thực hiện theo thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT đã sửa đổi.

Giáo viên được truy lĩnh, nếu lương sau khi chuyển đổi tăng lên từ tháng 3 năm 2021.

Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT có trước, buộc các địa phương phải thực hiện thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT đã, mới thực hiện thông tư sửa đổi, điều này sẽ tạo áp lực không đáng có cho giáo viên và cơ quan quản lý giáo dục địa phương.

Có hướng dẫn cụ thể như thế, các địa phương chưa thực hiện thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT mới có cơ sở pháp lý rõ ràng để không thực hiện thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT.

Làm được như thế, 5 tác dụng tích cực của thông tư sửa đổi sẽ càng có tác dụng lớn hơn.

Là giáo viên đang giảng dạy trực tiếp, tôi xin cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ cùng giáo viên chúng tôi.

Có những quy định chưa gắn với thực tế thì sửa cho đúng, nhưng tốt nhất không nên sai để khỏi phải sửa, mong rằng những văn bản do Bộ ban hành gắn với thực tế, giúp thúc đẩy giáo dục phát triển, nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội, đem lại sự an tâm cho giáo viên cả nước.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhieu-diem-moi-ve-xep-luong-giao-vien-th-thcs-hang-i-khong-can-bang-thac-si-post226603.gd

[2] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1585

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến