Cảm giác được dân đùm bọc chứ không phải mình đang ở tuyến đầu chống dịch

30/05/2021 06:37
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Quả vải, nụ cười, giọt mồ hôi và Bắc Giang quyết thắng!” - đó là tựa đề viết lên dòng xúc cảm của cậu sinh viên Học viện Quân y khi đã sống trong tâm dịch.

“Trốn mẹ” vào tâm dịch, “đuổi bắt” virus

Bắt gặp những dòng tâm sự đầy cảm xúc của chàng sinh viên Phạm Quang Lâm (sinh năm 1998, quê ở Hải Dương), nhiều người có lẽ sẽ lầm tưởng đây là một cậu học trò khoa Văn, ít ai nghĩ rằng, đó lại là một thành viên của lớp DH50B, hệ 4, Học viện Quân y.

Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ giải lao sau ca làm việc buổi chiều, Lâm đã chia sẻ về lý do cậu có mặt giữa tâm dịch và những phút giây cùng đội ngũ “đuổi bắt” virus Sars-CoV-2: “Hồi nhỏ, tôi rất hay bị ốm, thời gian nằm viện thậm chí nhiều hơn ở nhà, đến nhân viên y tế còn quen mặt, thuộc tên. Khi được các y bác sĩ ở bệnh viện ân cần, tận tình chăm sóc, tôi cũng bắt đầu ước mơ được khoác lên mình bộ áo blouse và đi chữa bệnh cho mọi người.

Cho đến tận bây giờ, nhiệt huyết nuôi dưỡng ước mơ đó vẫn còn bừng cháy một cách vẹn nguyên. Tôi có một người bạn thân học chung từ lớp 10, đến giờ vẫn chung trường, từng hứa với nhau, sau này ra trường, sẽ về quê ngoại khám bệnh miễn phí.

Đó cũng là một phần động lực để tôi có mặt ở đây. Hơn nữa, khi theo dõi tin tức cập nhật mỗi ngày về dịch Covid-19 mà Bắc Giang hiện đang là “điểm nóng”, bản thân tôi cũng như các thầy cô và bạn bè đều cảm thấy nóng ruột, xót xa và thương người dân nơi đây vô cùng.

Chiều ngày 16/5, khi Ban Giám đốc Học viện Quân y lập đội chi viện, chúng tôi không ngần ngại gì, thậm chí còn háo hức, xen lẫn tự hào khi được góp sức mình vào cuộc chiến.

Chúng tôi đi mà trong đầu còn chưa kịp hình dung về những khó khăn, hay thử thách mà chúng tôi phải trải qua. Nhưng không sao cả! Mọi người dân ở Bắc Giang nói chung, và các bạn đồng nghiệp y tế nói riêng, đang chờ mình lên chi viện. Đi thì cứ đi thôi. Làm hết mình là được! Chúng tôi lúc đó chỉ có những suy nghĩ đơn giản như vậy trong đầu...”.

Sinh viên Học viện Quân y lên đường chi viện Bắc Giang ngày 16/5. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sinh viên Học viện Quân y lên đường chi viện Bắc Giang ngày 16/5. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Chỉ được thông báo trước khi xuất phát hơn 2 tiếng, lại vừa phải đi tập huấn, đi mua đồ dùng và thu xếp mọi thứ, nên tôi chẳng kịp báo về cho gia đình.

Đến khi đang ngồi trên xe di chuyển lên Bắc Giang, các trang mạng xã hội thông tin về đội Quân y lên chi viện Bắc Giang, mẹ mới gọi điện cho tôi, hỏi: “Con có trong đội không?”.

Lúc này, tôi mới sực nhớ ra là mình đã quên mất việc gọi cho mẹ. Khi tôi vừa bảo: “Con có”, ngay lập tức mẹ bật khóc. Sau một hồi bố và chị gái “làm công tác tư tưởng”, mẹ cũng bình tâm lại và dặn tôi, phải cẩn thận, làm việc vừa phải, không để bị đuối sức và giữ an toàn trong cuộc “đuổi bắt” virus, để về với mẹ! Bố cũng bảo tôi còn trẻ thì phải xông pha cho nhớ, nên mẹ hứa là sẽ không khóc nữa...” - Lâm bật cười khi nhớ lại.

Sinh viên Phạm Quang Lâm trong phút nghỉ giải lao cuối giờ chiều. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sinh viên Phạm Quang Lâm trong phút nghỉ giải lao cuối giờ chiều. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngay sau đó, Lâm không ngại bộc bạch: “Bước vào tâm dịch, chúng tôi đều lo lắng. Trước khi xuất phát, chúng tôi còn chuẩn bị sẵn tinh thần là khi đến đây, không đủ chỗ thì sẵn sàng ngủ bên ngoài để nhường hết cho người dân. May sao, vẫn đủ dùng!

Ngày đầu tiên với công việc, ban đầu chúng tôi đều chưa quen với bộ đồ bảo hộ, nóng như một cái lò hơi, không thoát được nhiệt độ ra ngoài nên nóng bức và mệt mỏi lắm. Nhưng chỉ sau 1-2 ngày, chúng tôi thích ứng khá tốt, mà công việc quen tay, thành kỹ năng rồi nên hiệu quả cũng cao hơn”.

Cảm giác được dân đùm bọc, chứ không phải mình ở tuyến đầu chống dịch

Chàng sinh viên Học viện Quân y tỏ ra rất hào hứng với cuộc sống và công việc mà cậu đang trải nghiệm mỗi ngày: “Nói về trải nghiệm ngành y và giúp người thì nhiều lắm, nhưng mà trải nghiệm đi đến tâm dịch, rồi cùng mọi người cố gắng, được toàn thể nhân dân yêu quý như thế này, thì đây là lần đầu tiên.

Với tôi, tất cả những trải nghiệm chống dịch ở đây là một câu chuyện cảm động! Thực ra, tôi định viết nhiều lắm về tình cảm của nhân dân Bắc Giang dành cho chúng tôi. Tôi bị cảm động luôn!

Ngày nào cũng có người dân ủng hộ nhu yếu phẩm, đôi khi chỉ một quả dưa hấu, vài chai nước lọc, hay bó hoa phượng điểm xuyết những cánh bằng lăng được bện một cách đơn sơ mộc mạc,... cũng tiếp thêm tinh thần cho tất cả chúng tôi.

Tình cảm của người dân khiến chúng tôi có cảm giác như đang được đùm bọc, che chở trong vòng tay người dân, hơn là chúng tôi là những “chiến binh trẻ” xông pha ở tuyến đầu chống dịch, như ban đầu tưởng tượng”.

Bộ đồ bảo hộ kín mít mỗi lần cởi ra là người đẫm mồ hôi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bộ đồ bảo hộ kín mít mỗi lần cởi ra là người đẫm mồ hôi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cũng như nhiều sinh viên khác, chỉ sau vài buổi, công việc lấy mẫu bệnh phẩm cho người dân nơi đây đã trở nên thật quen thuộc với Lâm.

Mỗi ngày, những sinh viên vốn vẫn đang học tập trên giảng đường ấy lại miệt mài, hối hả, lăn xả theo vòng quay của những ca trực: ca sáng, ca chiều và đôi khi là cả ca tối. Cứ như vậy, đều đặn cả tuần.

“Mỗi ngày, chỉ cần mặc bộ đồ bảo hộ này vào là mồ hôi chảy ướt đẫm người. Nhưng mà em thích đi làm lắm! Đi làm khiến em nhận thấy được bản thân mình có giá trị, và hơn hết là em giúp được phần nào cho đồng bào mình, chung tay góp sức vượt qua khó khăn này” - Lâm bày tỏ.

Mặc dù luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan, nhưng cũng có lúc, chàng sinh viên ấy phải lo lắng: “Thời tiết nắng nóng, lại phải làm việc quá sức nên nhiều y, bác sĩ rất mệt mỏi, có người bị ngất xỉu... Nhìn những cảnh đó... Ui... Xót ruột, xót gan! Toàn bạn bè mình, thầy thầy cô, đồng nghiệp mình... một người đuối sức là công việc sẽ bị chậm lại một phần. Nhưng rồi, một người kiệt sức, thì những người còn lại càng phải cố gắng để hoàn thành công việc của cả bạn mình nữa.

Những “siêu nhân” giữa trưa hè nóng bức. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Những “siêu nhân” giữa trưa hè nóng bức. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chúng tôi động viên, giúp đỡ nhau, lúc làm việc, đều nói với nhau là: “Mệt quá thì nghỉ, tôi làm đỡ. Không cần cố đâu”. Nói vậy mà ai cũng hừng hực khí thế mà làm tiếp!

Làm việc cả ngày, cảm giác hoa mắt chóng mặt xuất hiện không phải là ít, có lúc thấy mình như sắp “gục”, không đứng nổi nữa, nhưng rồi, tạm ngồi xuống một lát là lại tiếp tục công việc ngay. Nắng nóng nên chúng tôi ai cũng háo nước. Nhiều bữa, khát nước nên uống nước no căng bụng, đến bữa về cũng mệt chẳng muốn ăn cơm nữa”.

Bàn tay sau 5 tiếng đeo găng tay làm việc liên tục. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bàn tay sau 5 tiếng đeo găng tay làm việc liên tục. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ngày trở về, còn cả mùa thi đang chờ

Thời điểm thầy và trò Học viện Quân y lên đường chi viện cho Bắc Giang, cũng là lúc sinh viên vừa bước vào mùa thi.

“Chúng tôi vừa bước vào thi cử, mà mới thi được có một môn đã vội lên đường. Sau đợt này, khi trở lại trường sẽ là cả một cuộc chiến thi cử kéo dài. Có bạn cũng mang theo cả sách vở đi ôn thi, nhưng sức tôi quá mệt nên chờ đến khi về sẽ ôn bù.

Mùa thi đến, những chúng tôi đều tự nhủ, tạm gác lại phía sau, hết lòng vì nhân dân, vì Tổ quốc trước đã. Khi cả nước đang gồng mình chống dịch, thì việc được góp sức mình vào công tác y tế là một điều vô cùng, vô cùng ý nghĩa và tự hào đối với một sinh viên y!” - Lâm chia sẻ.

Sau đó, chàng trai quê Hải Dương cũng không khỏi bồi hồi: “Thực ra, tôi cũng nhớ nhà lắm. Vì ở Tết vừa rồi, nhà tôi nằm trong tâm dịch nên tôi phải ở lại đơn vị, đợt đó cứ buồn thiu khi nhìn bạn bè được về nhà sum họp. Tình ra cũng ngót 10 tháng tôi chưa được ăn cơm mẹ nấu rồi. Tôi cũng nhớ cánh đồng quê hương, nhớ những cảnh vật yêu bình khác và nhớ cả những nụ cười của em thơ...

Vậy nên, chỉ mong dịch tại Bắc Giang nói riêng và trên cả nước nói chung sẽ giảm nhanh để mọi người quay trở lại với sinh hoạt thường ngày. Mong mọi người vững tin, kiên cường trong công cuộc phòng chống dịch, người dân chấp hành tốt các quy định,... để sớm dập tắt dịch bệnh, chúng tôi cũng sớm được về nhà”.

Vốn là một sinh viên có niềm đam mê lớn với đọc sách và viết tản văn, Phạm Quang Lâm ấp ủ: “Tôi có thói quen và sở thích ghi lại những dòng cảm xúc nhất thời. Bởi thế, tôi tranh thủ viết những dòng nhật ký vào khoảng thời gian ngồi trên xe ô tô di chuyển đến nơi lấy mẫu.

Chắc chắn, sau này, khi trở về trường, tôi sẽ viết lại hết kỷ niệm “những ngày không quên” ở tâm dịch, hy vọng, sẽ có người đọc và cảm nhận được những ngày này diễn ra như thế nào...”.

Ngân Chi