Cái lý của người chặt phượng

06/06/2020 06:40
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Họ chọn cách đốn hạ cho nhanh, cho tiệt nọc và như thế đỡ phải lo lắng thêm gì cho mệt.

Ngay sau khi xảy ra chuyện cây phượng đổ đè chết một học sinh, chúng tôi đã thật sự lo sợ nói với nhau rằng: “Chỉ ngày mai thôi, không chỉ một cây phượng đổ mà là cuộc “thảm sát” hàng loạt cây phương khác sẽ xảy ra ở nhiều trường học cho mà xem”.

Bao nhiêu cây phượng chết oan (Ảnh VOV)

Bao nhiêu cây phượng chết oan (Ảnh VOV)

Chúng tôi nghĩ thế vì quá hiểu những người lãnh đạo của mình. Không ít người nhát gan và sợ trách nhiệm nên sẽ chọn giải pháp an toàn cho chính mình đầu tiên.

Quả chẳng sai, sự lo lắng ấy chẳng khác gì những lời tiên tri được báo trước. Hiệu ứng phượng “đổ máu” đã nhuốm đỏ nhiều sân trường từ Bắc vào Nam, từ thành thị về vùng vùng nông thôn.

Người ta bắt đầu ra tay chặt hạ hàng loạt cây phượng mà bất chấp tuổi của chúng. Từ những cây phượng mới trồng được vài năm tuổi, cây đang thời kỳ phát triển tươi tốt, xanh um.

Họ chặt hạ luôn những cây phượng thiếu nữ như cô gái xuân thì đang bước vào tuổi trăng rằm căng tràn sức sống.

Đến các bác phượng già đã vững chãi nơi sân trường vài ba chục năm qua.

Những sân trường ngổn ngang xác phượng. Thân cây đổ xuống được xẻ ra từng khúc chất đống giữa sân trường.

Những sắc phượng như màu máu nhuộm đỏ dưới nền xi măng bỏng rộp.

Không chỉ phượng khóc bởi bị vạ lây mà học sinh, giáo viên trong trường ai nhìn cảnh ấy mắt cũng đỏ hoe, rưng rưng ngấn lệ.

Bởi, mới vài ngày trước đây, quanh nơi gốc phượng đang mùa trổ bông đỏ rực một góc trường, từng tốp học sinh cùng vui đùa dưới những tán lá mát rượi.

Những cô cậu học trò tuổi mới lớn, nhón chân bẻ vài bông phượng cài tóc, ép vào vở để đánh dấu kí ức tuổi thơ.

Phượng đã đi vào thơ ca, vào nhạc họa. Phượng đã gắn liền với nhiều kỷ niệm đẹp của lứa tuổi thần tiên.

Thì nay, phượng không còn nữa, cái nắng như thiêu của mùa hè đã lấn chiếm sân trường. Giờ ra chơi nhưng chẳng còn bóng học sinh nào xuống sân đùa vui như trước.

Có hiệu trưởng nhìn cảnh ấy cũng chia sẻ nỗi lòng: “Phải chặt đi những cây phượng ai chẳng thấy xót, thấy tiếc? Thế nhưng không chặt, nếu xảy ra chuyện gì với học sinh thì ai chịu trách nhiệm? Mạng xã hội bây giờ họ chẳng tha đâu?”

Rõ ràng, nghe thì có vẻ đang lo cho học sinh, lo cho sự an toàn của các em. Nhưng ngẫm lại chính là đang lo cho cái ghế của mình.

Nếu thật sự vì học sinh thì đâu cần thảm sát phượng một cách không thương tiếc như thế?

Chỉ cần kiểm tra xem thân phượng có bị rỗng, xem cành có quá cao để cắt tỉa cho nó gọn.

Những cây phượng mới trồng vài ba năm tuổi đâu cần phải ra tay đốn bỏ? Phượng được trồng từ nhỏ thì tuổi thọ bao giờ cũng cao.

Thế nhưng họ chọn cách đốn hạ cho nhanh, cho tiệt nọc và như thế đỡ phải lo lắng thêm gì cho mệt.

Thuận Phương