Cách dạy của cô giáo thích bê thú cưng lên lớp trong tiết học văn

14/04/2019 06:22
Trinh Phúc
(GDVN) - Để tạo hứng thú và hướng dẫn học sinh cách quan sát và miêu tả một con vật, cô Diệu đã bê con chó con của ông trưởng bản lên bục giảng.

Ngày 10/4, hình ảnh cô giáo Phạm Thị Diệu 51 tuổi, giáo viên trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu ôm hẳn một chú chó con làm trực quan trong tiết dạy văn cho học sinh lớp 4 được đăng tải trên mạng xã hội khiến nhiều người thích thú.

Đa số ý kiến rất ủng hộ cô giáo và xem đây như một sáng kiến vừa lạ vừa thú vị để giúp cho tiết dạy văn thêm sinh động.

Để tìm hiểu rõ hơn về ý tưởng dạy văn lạ và thú vị này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô Diệu.

Cô giáo Phạm Thị Diệu 51 tuổi, giáo viên trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu (ảnh do nhân vật cung cấp).
Cô giáo Phạm Thị Diệu 51 tuổi, giáo viên trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu (ảnh do nhân vật cung cấp).

Theo cô Diệu, hình ảnh cô bê con chó con trong lớp học được chụp trong tiết dạy văn lớp 4 về chủ đề miêu tả con vật.

Kể về việc này, cô Diệu cho rằng, nhà ông trưởng bản ở ngay cổng trường có một đàn chó con rất đẹp. Cô đã mượn một con để làm giáo cụ trực quan về tiết học miêu tả con vật em thích.

Lý do cô giáo vẫn quyết giữ thói quen đến thăm từng nhà học sinh

Nói về tâm trạng học sinh, cô Diệu chia sẻ, khi bê con chó con này vào dạy, các em rất thích.

Trông con chó con này cũng rất ngoan, lành, ngộ nghĩnh và đáng yêu.

"Để giúp các em miêu tả con vật một cách sinh động, tôi đã giúp các em quan sát bằng cách hỏi dẫn dắt, như con chó này to không, quan sát bằng mắt xem bộ lông màu gì, sờ vào nó thì như thế nào?

Còn nếu, để học sinh tự về nhà quan sát con chó nhà em thì không thể nào làm được một bài văn.

Qua hướng dẫn như vậy, các em về nhà tự tìm hiểu và quan sát các con vật gần gũi để làm một bài văn miêu tả" - cô Diệu nói.

Việc bê thú cương lên lớp là một cách dạy học thú vị của cô Diệu (ảnh do nhân vật cung cấp).
Việc bê thú cương lên lớp là một cách dạy học thú vị của cô Diệu (ảnh do nhân vật cung cấp).

Chia sẻ thêm về cách dạy học sinh động này, cô Diệu cho rằng, hiện nay trong chương trình không có một tiết nào để các em đi thực tế cả. Nhưng để các em học tốt môn văn, cô đã đưa các em ra ngoài quan sát thực tế.

Ví như, khi dạy học sinh viết miêu tả cây hoa thì cô đã đưa các em ra ngoài quan sát một cây hoa thực tế.

Hướng dẫn các em quan sát về hình dáng, đặc điểm của hoa, quả, ngửi có mùi thế nào… Phải hướng dẫn làm sao để các em miêu tả cái cây có đủ bộ phận không bị khiếm khuyết.

“Học sinh dân tộc vốn từ ngữ rất nghèo, trong quá trình quan sát cô giới thiệu đến đâu thì các em ngồi và viết lại luôn.

Trong cách gọi cây, cành, lá, tiếng dân tộc, tiếng địa phương không hoàn toàn giống tiếng phổ thông nên học sinh phải có những tiết học như vậy mới làm bài văn tốt được” – theo cô Diệu.

Để có bài văn hay, cô Diệu đã đưa các em học sinh đi quan sát thực tế (ảnh do nhân vật cung cấp).
Để có bài văn hay, cô Diệu đã đưa các em học sinh đi quan sát thực tế (ảnh do nhân vật cung cấp).

Cũng theo cô Diệu, qua nhiều năm nhờ cách dạy học này mà có những học sinh viết còn hay hơn bài văn mẫu.

Theo cô Diệu, học sinh học văn sợ nhất là tả con vật đang làm việc thì việc hướng dẫn trực quan là cần thiết.

Để học sinh làm sao tả về con vật mà người đọc hình dung ra được con vật này đang làm việc, hoạt động hay tả cây hoa là hiện lên hoa hồng hay hoa đào.

Việc dạy học văn rất cần cho các em quan sát thực tế và hướng dẫn các em quan sát.

Những tiết học như thế này, giúp học sinh dân tộc có thêm vốn từ ngữ phổ thông để sử dụng trong bài văn của mình (ảnh do nhân vật cung cấp).
Những tiết học như thế này, giúp học sinh dân tộc có thêm vốn từ ngữ phổ thông để sử dụng trong bài văn của mình (ảnh do nhân vật cung cấp).

Cô Diệu còn cho rằng, học sinh của cô phần lớn là hộ nghèo, các em không có tiền để mua sách tham khảo.

Tuy nhiên, cách dạy học như vậy, nhiều bài văn của các em còn hay hơn văn mẫu. Bản thân cô Diệu nhiều năm là giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh.

Theo cô Diệu, cách dạy học này nên nhân rộng, để kích thích sự hứng thú học văn của các em.

Trinh Phúc