Cách đạt chữ Thật trong giáo dục theo góc nhìn của Hiệu trưởng trường Đông Hà

26/05/2021 06:30
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô giáo Tạ Thị Thu Hiền cho rằng để đạt được chữ Thật trong giáo dục, cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Bộ Giáo dục và Ðào tạo ngày 6/5 vừa qua về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành giáo dục, Thủ tướng có nêu yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật” là một nhiệm vụ trọng tâm, cần phải làm ngay của ngành giáo dục hiện nay.

Trong thời gian tới, yêu cầu này ắt hẳn sẽ trở thành tiêu điểm của ngành giáo dục, nỗ lực, quyết tâm để phấn đấu đạt được.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Tạ Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Đông Hà (Đông Hà, Quảng Trị) đã có một số quan điểm làm sao để có học thật, thi thật và để có nhân tài thật.

Cô giáo Tạ Thị Thu Hiền cho rằng: “Trước hết, mục đích của việc học là để làm người, để phục vụ cuộc sống vì vậy học thật là phải học kiến thức , kỹ năng, thái độ để làm người để người học lĩnh hội được kiến thức đó để áp dụng vào thực tế, phục vụ cho cuộc sống, xây dựng đất nước.

Học thật, dạy thật và thi thật là ba khâu quan trọng có liên quan mật thiết với nhau và quyết định đến chất lượng giáo dục, đến sự đánh giá năng lực, giá trị của con người trong xã hội.

Khi tổ chức thi thực chất, các thầy giáo, cô giáo sẽ tập trung vào dạy thực chất và học sinh phải học thực chất.

Học sinh, sinh viên được học thật sẽ nhận thức được rằng học là cho mình, học vì sự tiến bộ của chính bản thân mình chứ không phải học vì điểm, học để đối phó với các bài thi...

Cô giáo Tạ Thị Thu Hiền cho rằng để học thật thi, thi thật cần cả xã hội chung tay với ngành giáo dục. Ảnh: NVCC

Cô giáo Tạ Thị Thu Hiền cho rằng để học thật thi, thi thật cần cả xã hội chung tay với ngành giáo dục. Ảnh: NVCC

Khi đã nhận thức được như vậy, các em sẽ có động lực phấn đấu thực sự trong học tập và kiến thức thu được sẽ là kiến thức thật của các em để có thể vận dụng vào thực tế.

Khi các em tự thu nhận kiến thức của mình, các em mới có thể nhận ra được mình cần gì, học gì và nhận ra mình có lợi thế và hạn chế ở lĩnh vực nào.

Thực tiễn cho thấy, ngày nay, ngoài con đường học vấn vẫn nhiều bạn trẻ cũng đã chọn lựa các con đường khác nhau và đạt được thành công. Có thể trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, hội họa…

Ước mơ trở thành bác sĩ, kỹ sư hay công an, quân đội… đều là những ước mơ chính đáng, ước mơ đẹp của nhiều bạn trẻ và nhiều gia đình.

Tuy nhiên, trong khả năng của mình, có thể các bạn ấy không đạt được những ước mơ đẹp kia nhưng các bạn ấy lại có khả năng ở lĩnh vực khác hoặc một công việc khác cùng lĩnh vực.

Ở bất kỳ lĩnh vực nào, bạn làm tốt công việc của mình đã lựa chọn, đã yêu nghề thì các bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc trong công việc của mình”.

Cô Thu Hiền cũng cho rằng, bằng cấp chính là chứng nhận cho việc người học đã hoàn thiện việc học tập, rèn luyện. Bằng cấp trở thành bằng thật khi và chỉ khi quá trình học, dạy và thi là thật.

Để việc thi trở thành thật thì mục đích của cuộc thi phải là để kiểm tra đánh giá lại việc học thật về kiến thức kỹ năng thái độ.

Chính vì vậy cần thực hiện nghiêm trong cả nội dung và hình thức kiểm tra đánh giá, để sao cho đánh giá đúng cái thực chất người học có và tích lũy được, không để nhân tố nào làm sai lệch kết quả đánh giá.

Cô Hiền cho rằng việc không cần phải thi quá nhiều mà chi bằng thi ít nhưng nghiêm, đánh giá đúng sẽ tốt hơn thi nhiều mà không hiệu quả chỉ tạo ra phiền hà cả người dạy, người học.

“Sau khi trải qua quá trình học thật, thi thật và có bằng thật thì tất nhiên là sẽ có nhân tài thật.

Nhân tài thật là sản phẩm của việc học thật tức là những con người thực sự cống hiến cho đất nước, họ là những người tiên phong đóng góp tạo ra những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn.

Ví dụ những công trình nghiên cứu của họ thực sự tạo ra các sản phẩm phục vụ con người chứ không phải chỉ là những đề tài trên giấy”, cô Thu Hiền nêu.

Còn những bảng điểm siêu nhân như thế này rất khó để khẳng định việc học thật, thật có thực tế hay không. Ảnh minh họa: Bảng điểm của những học sinh vượt qua vòng sơ tuyển vào lớp 6 trường chuyên ở Hà Nội (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)

Còn những bảng điểm siêu nhân như thế này rất khó để khẳng định việc học thật, thật có thực tế hay không. Ảnh minh họa: Bảng điểm của những học sinh vượt qua vòng sơ tuyển vào lớp 6 trường chuyên ở Hà Nội (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô)

Từ những phân tích trên, cô Tạ Thị Thu Hiền cho rằng: “Vậy muốn học thật, dạy thật, thi thật thì phải thay đổi cách nhìn nhận, quan điểm, cách đánh giá và cả cách tuyển chọn học tập, nghề nghiệp... của cả hệ thống.

Đột phá của toàn bộ quy trình này cần bắt đầu từ khâu kiểm tra, đánh giá.

Nếu chỉ là đánh giá chung chung, học sinh, sinh viên không biết được những mục tiêu cụ thể mình cần đạt được trong học tập, từ đó sẽ học theo kiểu đối phó và tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình.

Việc học không bao giờ là dễ dàng, nếu chỉ nhìn vào điểm số đánh giá, người học dễ dẫn đến việc gian lận để đạt được mục đích.

Ví dụ hiện nay nhiều trường Đại học xét bằng học bạ để vào trường thì việc học của học sinh tại trường khó học thật được hay việc tuyển chọn người làm việc dựa vào hồ sơ thì khó có học thật”.

Cô Hiền cũng cho rằng việc học và thi hiện nay chưa thể đáp ứng được yêu cầu học thật, thi thật, nhân tài thật được.

Bởi cô Hiền cho rằng, để đạt được chữ Thật trong giáo dục, cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

Tuy nhiên, sự vận động đầu tiên phải từ ngành giáo dục.

Trước hết, đối với ngành giáo dục, cô Hiền cho rằng cần phải ra soát lại nội dung dạy học, tùy từng cấp học để điều chỉnh nội dụng học sao cho có cái thiết thực, gần gũi với các em học sinh, bỏ những kiến thức cao siêu, bác học, hay hình thức phù phiếm đối với học sinh.

Ở bậc phổ thông, cô Hiền cho rằng, việc học của các em chưa nên nặng về các kiến thức hàn lâm mà nên chú trọng dạy các em biết biết tu dưỡng, có ý chí tiến thủ, nắm được những kiến thức cơ bản giúp các em tự thích ứng và nhìn ra được khả năng của mình để phát triển bản thân.

Thực tế cho thấy, nhiều học sinh hiện nay không biết sử dụng các thiết bị thiết yếu hay thiếu kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống của cuộc sống...

Đến bậc đại học các em mới tập trung vào chuyên sâu nghiên cứu, học hành và có khát vọng trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn tinh thần khởi nghiệp.

Việc học cần phải cần phải hướng đến việc tìm hiểu những nhu cầu cuộc sống đang cần hoặc sẽ cần trong tương lai để từ đó người học tìm tòi nảy sinh ý tưởng và sẽ có những sản phẩm tốt phục vụ cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trần Phương