Các trường ở Hải Phòng gấp rút kiểm tra học kỳ ‘chạy dịch’, học sinh có áp lực?

09/12/2021 06:49
LÃ TIẾN - PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số phụ huynh tại Hải Phòng cho rằng, khi ôn tập và kiểm tra sớm 4 tuần thì học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và có áp lực rất lớn.

Theo khung chương trình năm học 2021-2022 sẽ có 35 tuần thực học trong đó có 18 tuần ở kỳ I và 17 tuần ở kỳ II.

Lịch kiểm tra học kỳ I sẽ rơi vào tuần 17, giới hạn kiến thức bài kiểm tra trong tuần 16 còn học kỳ II sẽ kiểm tra vào tuần 35.

Tuy nhiên, gần đây Hải Phòng liên tục phát hiện các ca mắc Covid-19 cộng đồng, trong đó có hàng trăm học sinh là F0 cùng hàng nghìn F1, F2.

Để thích ứng với dịch bệnh, nhiều trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố lựa chọn triển khai kiểm tra học kỳ I sớm trong tuần 14.

Việc ôn tập và kiểm tra của các trường trên cũng được rút ngắn trong vòng 3 – 4 ngày, giới hạn kiến thức kiểm tra trong tuần 13 và nội dung đề có phần ‘dễ thở hơn’ đối với học sinh.

Chia sẻ quan điểm về việc tổ chức kiểm tra học kỳ sớm, một số phụ huynh cho rằng hoàn thành chương trình sớm và chuyển sang học trực tuyến sẽ đảm bảo an toàn cho học sinh trong bối cảnh dịch bệnh.

Một số phụ huynh cho rằng kiểm tra học kỳ sớm gây áp lực cho học sinh (Ảnh: Lã Tiến)

Một số phụ huynh cho rằng kiểm tra học kỳ sớm gây áp lực cho học sinh (Ảnh: Lã Tiến)

Chị Vũ Hoàng Anh có con học tại một trường thuộc quận Lê Chân, Hải Phòng chia sẻ: “Con được thi sớm, hoàn thành chương trình rồi học trực tuyến khiến tôi thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Mặc dù có áp lực vì thời gian ôn tập ngắn nhưng các thầy cô cũng cố gắng tạo điều kiện hết sức như đề cương đúng trọng tâm, đề kiểm tra nhẹ nhàng nên các con vẫn có thể làm bài tốt”.

Cũng có ý kiến trái ngược, chị Mai Hương – phụ huynh trường trung học cơ sở thuộc quận Ngô Quyền cho biết: “Nên để dịch được kiểm soát, học sinh đến trường rồi mới kiểm tra sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị cho cả cô và trò.

Thấy con vừa ôn tập rồi kiểm tra trong vòng mấy ngày ngắn ngủi tôi thấy hiệu quả không cao. Đối với học sinh có học lực tốt thì còn đỡ chứ học kém thì sao làm bài kiểm tra được!”.

Kiểm tra sớm 4 tuần, học sinh chưa được trang bị đầy đủ về tinh thần và kiến thức (Ảnh: Lã Tiến)

Kiểm tra sớm 4 tuần, học sinh chưa được trang bị đầy đủ về tinh thần và kiến thức (Ảnh: Lã Tiến)

Lãnh đạo 1 trường Trung học cơ sở tại quận Hồng Bàng cho rằng, kiểm tra học kỳ I vào thời điểm tuần 13, 14 là quá vội và gây áp lực cho học sinh.

“Học sinh vừa kiểm tra giữa học kỳ vào tuần 9 xong giờ tuần 14 đã kiểm tra học kỳ rồi thì việc dạy và học sẽ như thế nào?

Nếu dạy tăng cường thì chắc chắn kiến thức sẽ quá tải.

Quan điểm của tôi là từ nay đến tuần 20 thì đi học lúc nào kiểm tra lúc đó.

Trường hợp kết thúc chương trình học kỳ I vào tuần học 18 mà học sinh chưa đến trường thì sang tuần 19 sẽ dạy chương trình của học kỳ II bình thường và kiểm tra sau.

Thậm chí vào tuần học 24, 25 mình quay lại kiểm tra học kỳ I cũng được. Như vậy, học sinh sẽ ổn định hơn và không phải học chạy chương trình.

Ngoài ra, đối với học sinh lớp 6, 7, 8 còn có thể kiểm tra lúc nào cũng được nhưng lớp 9 sau này còn tham gia thi vào lớp 10.

Lớp 9 và lớp 12 hướng tới sau này sẽ được cho đi học trực tiếp còn lớp 6, 7, 8 học online nhiều bởi vì dịch bệnh có diễn biến phức tạp.

Hiện nay, hầu hết các trường đã kiểm tra học kỳ và chuyển sang học trực tuyến. Thời điểm kiểm tra rơi vào tuần 13 và kiến thức rơi vào tuần 12.

Về mặt nguyên tắc, học sinh chưa có đầy đủ kiến thức, kiểm tra sẽ vừa vội, vừa áp lực cho các em vậy tại sao không chọn phương án kiểm tra sau tuần 18”, vị hiệu trưởng này nói.

Một số trường cho rằng phương án kiểm tra sớm dù còn một số khó khăn cần khắc phục nhưng phù hợp với tình hình dịch bệnh tại Hải Phòng (Ảnh: Lã Tiến)

Một số trường cho rằng phương án kiểm tra sớm dù còn một số khó khăn cần khắc phục nhưng phù hợp với tình hình dịch bệnh tại Hải Phòng (Ảnh: Lã Tiến)

Còn theo thầy Phan Trần Đỗ - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bá Ngọc (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết, phương án kiểm tra sớm dù còn một số khó khăn cần khắc phục nhưng phù hợp với tình hình dịch bệnh tại Hải Phòng: “Hiện nhà trường có 1 học sinh là F0 cùng với 68 giáo viên, học sinh F1 nên toàn trường chuyển sang học trực tuyến.

Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên nhà trường phải tiến hành nhanh để học sinh hoàn thành bài kiểm tra còn kiến thức còn lại trong quá trình từ giờ đến hết học kỳ sẽ củng cố, bổ sung sau.

Phương án kiểm tra học kỳ I trước hết là phải an toàn, đảm bảo khung chương trình, kiến thức cơ bản.

Nhà trường phải làm công tác tư tưởng đối với giáo viên và học sinh, trong tình hình diễn biến phức tạp như thế này, để đảm bảo kế hoạch kiểm tra. Điểm đánh giá trên tinh thần học sinh học đến đâu, kiểm tra đến đấy”.

Về phương án chờ học sinh đến trường rồi mới kiểm tra, thầy Phan Trần Đỗ cho rằng mỗi trường sẽ có cách tổ chức riêng: “Thực tế, không ai xác định được đến bao giờ học sinh mới đến trường để tổ chức kiểm tra.

Hiện nay cũng chưa có hướng dẫn nào về kiểm tra trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay thành phố.

Bên cạnh đó, trong đổi mới kiểm tra đánh giá, theo tinh thần chỉ đạo, việc đánh giá không chỉ căn cứ vào bài kiểm tra mà còn quá trình học tập của học sinh.

Đây là căn cứ để các nhà trường chủ động hơn trong việc kiểm tra đánh giá. Điểm học kỳ chỉ là một phần trong kết quả đánh giá vì cả quá trình dạy và học các thầy, cô giáo đã nắm được học sinh học như thế nào.

Lo nhất là học sinh lớp 9 và lớp 6. Lớp 6 thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để có hiệu quả đúng với tinh thần đổi mới là rất khó. Thi vào lớp 10 thì như thế nào, áp lực số lượng tuyển sinh giới hạn.

Trường dự kiến cho nghỉ từ 1 – 2 tuần học trực tuyến, khi các ca F1 có kết quả âm tính với Covid-19 sẽ ưu tiên chuyển dần lớp 9 rồi lớp 6 về học trực tiếp.

Quan điểm là chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng nhưng vẫn linh hoạt diễn biến đến đâu xử lý đến đấy”.

LÃ TIẾN - PHẠM LINH