Các trường loay hoay chờ Bộ hướng dẫn xử lý học sinh "đúp" từ CT2000 sang CT2018

21/04/2022 08:54
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tất cả học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học này sẽ không phải ở lại lớp và thế hệ học trò này còn tiếp tục được lên lớp cả những năm còn lại của cấp học.

Năm học 2022-2023 tới đây, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được ngành Giáo dục đưa vào thực hiện giảng dạy ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10 nên sẽ có nhiều thay đổi đối với các cấp học phổ thông.

Điều đặc biệt là khi kết thúc năm học 2021-2022 này thì học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 của năm học sẽ không phải ở lại lớp - dù các em có yếu thế nào đi chăng nữa thì có lẽ các trường cũng phải nâng điểm cho các em lên lớp.

Không chỉ “không được phép” ở lại lớp trong năm học 2021-2022 mà những học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học này sẽ tiếp tục được hưởng đặc ân trong 2 năm học tiếp theo - đây là điều rất đặc biệt mà những lần thay đổi, cải cách chương trình trước đây đều không có.

Học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học này sẽ không có em nào phải ở lại lớp (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: P.L)

Học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học này sẽ không có em nào phải ở lại lớp

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: P.L)

Những học sinh ở một số khối lớp trong năm học này dù học yếu vẫn khó có thể bị ở lại lớp

Kể từ năm học 2020 - 2021 cho đến nay thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được ngành Giáo dục thực hiện giảng dạy ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6, năm học tới đây sẽ là lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Điều mà mọi người đã thấy là chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều môn học, nhiều hoạt động giáo dục mới và khác hoàn toàn với chương trình hiện hành.

Cụ thể, ở cấp tiểu học, các môn học bắt buộc bao gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).

Ở cấp trung học cơ sở, các môn học bắt buộc gồm có: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Đáng lưu ý ở bậc học này là môn Tin học trở thành bắt buộc (khác với trước đây là tự chọn). Ngoài ra, sự xuất hiện của các môn: Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên sẽ khiến cách tổ chức dạy học khác so với trước.

Ở cấp trung học phổ thông có các môn học, hoạt động bắt buộc sau: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương.

Các môn học được lựa chọn: theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Như vậy, ngoài 7 môn học và hoạt động bắt buộc, học sinh phải chọn tối thiểu 5 môn khác của 3 nhóm môn được lựa chọn.

Nhìn vào những môn học, hoạt động giáo dục ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì chúng ta dễ dàng nhìn thấy chương trình mới đã khác rất nhiều so với chương trình hiện hành, nhất là ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Đặc biệt, chương trình giáo dục phổ thông ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trong năm học này đã thực hiện ở lớp 6.

Trong khi, các lớp học từ lớp 7 đến lớp 12 ở năm học này vẫn đang thực hiện đánh giá xếp loại học sinh theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều này, cũng đồng nghĩa môn học, hoạt động giáo dục và cách đánh giá, xếp loại học tập và học bạ của học sinh ở chương trình mới và chương trình cũ cũng hoàn toàn khác xa nhau.

Chính vì thế, học sinh các lớp 3, lớp 7 và 10 ở năm học 2021-2022 và 2 năm học tiếp theo sẽ không có học sinh ở lại lớp cho đến khi các em học sinh này học xong cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Vì ở lại, học sinh sẽ không có lớp để học.

Các trường đang loay hoay chờ hướng dẫn của Bộ

Thực ra, việc học sinh phổ thông trong những năm qua rất hiếm khi bị ở lại lớp nhưng điều này không có nghĩa là hoàn toàn không có mà trong mỗi trường học vẫn có một vài học sinh vì học yếu kém hoặc vướng vào vi phạm nên bị xếp loại hạnh kiểm yếu mà phải ở lại lớp.

Nhưng, đối với học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học này thì lại hoàn toàn khác. Nếu các em không đủ điều kiện để lên lớp thì các em sẽ học tập ra sao khi năm học 2022-2023 thì các trường phổ thông sẽ thực hiện chương trình mới ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10?

Chẳng hạn như cấp trung học cơ sở ở chương trình hiện hành có các môn Lịch sử, Địa lí, Hóa học, Vật lí, Sinh học… nhưng chương trình mới chỉ có môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí.

Bên cạnh đó, có những môn học mới như Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp; Nghệ thuật; Nội dung giáo dục địa phương cũng đã xuất hiện ở chương trình 2018.

Vì thế, nếu như học sinh lớp 7 năm nay phải học lại lớp 7 trong năm học tới đây thì không chỉ khó khăn trong việc ghi học bạ vì cách thiết kế môn học trong học bạ của chương trình mới khác với chương trình hiện hành mà cái chính là một số kiến thức của những môn học mới đã được giảng dạy ở lớp 6 trong năm học 2021-2022.

Ví dụ như chương trình hiện hành thì môn Hóa học mãi lớp 8 mới học nhưng chương trình 2018 thì lớp 6 đã có phân môn Hóa học trong môn Khoa học tự nhiên. Vậy nên, học sinh lớp 7 năm nay mà ở lại thì chắc chắn các em sẽ bị hẫng kiến thức một số môn học đã được giảng dạy ở lớp 6 của chương trình mới.

Chính vì thế, ngay từ thời điểm này thì một số giáo viên, nhà trường đã bắt đầu suy nghĩ đến chuyện học sinh lớp 3, lớp 7, lớp 10 ở năm học 2021-2022 này nếu như các em không đủ điều kiện lên lớp thì sẽ xử lý ra sao cho phù hợp?

Nếu cho các em lên lớp mà một số em yếu quá hoặc đã vi phạm nội quy của nhà trường, đã bị hạ hạnh kiểm thì không đúng với hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhưng, nếu để các em ở lại lớp thì càng khó khăn cho các em và ngay cả với nhà trường bởi chương trình mới thì các môn học, hoạt động giáo dục hoàn toàn khác với chương trình hiện hành.

Trong khi, đến thời điểm này thì Bộ và Sở gần như chưa có hướng dẫn cụ thể nào cho sự việc này. Và, nếu không có hướng dẫn từ cấp trên thì có lẽ nhà trường đành phải “kéo” các em lên lớp - dù các em không đủ điều kiện để lên lớp.

Vì thế, một viễn cảnh đang mở ra là tất cả học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trong năm học này sẽ không phải ở lại lớp và thế hệ học sinh này còn tiếp tục được lên lớp cả những năm còn lại của cấp học - dù các em học dở học yếu như thế nào cũng đều có thể được lên lớp bình thường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI