Các trường đại học nên nhanh chóng công bố phương án xét tuyển năm nay

23/04/2020 06:29
Phương Linh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo nên yêu cầu các trường đại học nhanh chóng công bố phương án tuyến sinh năm nay, do không còn nhiều thời gian.

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự kiến phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, ngày 22/4/2020, lãnh đạo nhiều trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tỏ ra có nhiều băn khoăn về đề án này.

Theo ông Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, đề án này nhìn chung là tạm ổn, do chỉ có một mục tiêu duy nhất là xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nếu chỉ như vậy, để giảm áp lực cho học sinh, Bộ Giáo dục cũng cần tinh giản cả môn thi năm nay, do tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội trước đây thi là dành để xét tuyển vào đại học, nay không cần nữa thì có nên thi các môn của hai tổ hợp này?

Việc giao xét tuyển vào đại học về cho các trường là một việc làm rất hay trong bối cảnh hiện nay, vì nó sẽ thể hiện bản lĩnh, năng lực của các trường đại học.

Thí sinh thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh; VOV)
Thí sinh thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh; VOV)

Ông Huỳnh Thanh Phú đề nghị: Do năm nay, thời gian không còn nhiều, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng yêu cầu các trường đại học nhanh chóng công bố đề án tuyển sinh, phương án xét tuyển, để học sinh nắm và lựa chọn thi.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn còn chưa ổn, rất nhiều điều vẫn còn ở phía trước, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho học sinh là cao nhất, nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên tính đến phương án dịch lại phát sinh trong tháng 7 thì sao?

“Lúc này, chúng ta nên giao hẳn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông về cho các địa phương xét tuyển cho học sinh, công nhận tốt nghiệp, còn học sinh sẽ có nhiều thời gian để đầu tư vào việc xét tuyển ở các trường đại học” – ông Huỳnh Thanh Phú đề nghị.

Từ thực tế của trường mình, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Du nói rằng, với đề án dự kiến này, các trường vẫn còn gặp rất nhiều lo lắng, do vẫn phải dạy học đủ các môn tự nhiên, các môn xã hội, mà chưa dám cắt môn nào, do chưa có kế hoạch cụ thể.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên sớm công bố kế hoạch cụ thể, thời gian kết thúc chương trình của các môn không nằm trong diện thi tốt nghiệp trung học phổ thông, để các trường có thể xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập những môn thi tốt nghiệp.

Là đại diện đến từ một trường đại học công lập thuộc Bộ Công thương, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, truyền thông của Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, với các trường đại học, đề án này chưa có gì mới.

Theo giải thích của ông Phạm Thái Sơn, vì nếu kỳ thi này chỉ để xét tốt nghiệp, thì các trường đại học sẽ không biết lấy nguồn nào để tuyển thí sinh đảm bảo chất lượng tốt.

“Làm sao xét tuyển đúng năng lực của thí sinh, đó mới là vấn đề, do năm nay, đề thi của kỳ thi này sẽ dễ hơn so với mọi năm?”  - Thạc sĩ Phạm Thái Sơn nói.

Bộ công bố trễ quá, các trường sẽ rất bị động, nên năm nay, các trường đại học nhiều khả năng sẽ chuyển qua xét học bạ năm lớp 12 của học sinh.

Là một trường có tuyển các ngành thuộc khối sức khỏe như Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Dược học…, ông Nguyễn An Bình – Phó trưởng phòng tuyển sinh, truyền thông của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng nói: Khối ngành này đặc trưng, liên quan đến tính mạng con người.

Việc chỉ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, với một mục tiêu duy nhất là xét tốt nghiệp, mà Bộ lại công bố muộn quá, nên trường sẽ không kịp tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng.

Năm nay, thời gian rất hạn hẹp, nên các trường đại học đang rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể, để các trường có thể tự chủ tuyển sinh, mà không để xảy ra sai phạm.

Với khối ngành sức khỏe, việc không có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là rất khó, nên nếu chỉ xét tuyển bằng học bạ, thì trường bắt buộc sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng, chứ không thì không đảm bảo ngưỡng chất lượng, đảm bảo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

Phương Linh