Các trường đại học “hiến kế” đổi mới trong quản lí giáo dục đại học

16/09/2013 07:14
Xuân Trung
(GDVN) - Những “hiến kế” từ các trường đại học đối với quản lí giáo dục đại học đều xuất phát từ hoàn cảnh thực tế trong 3 năm qua khi các trường áp dụng Chỉ thị số 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012.
Lãnh đạo các trường đại học cho biết, bước đầu Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ đã có kết quả nhất định trong khâu quản lí nhà trường, qua 3 năm thực hiện nhiều trường đã đưa ra được giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo, tổ chức phương pháp giảng dạy cho tới đầu tư về cơ sở vật chất. Tuy nhiên để Chỉ thị có tính thực tiễn trong thời gian tiếp theo, lãnh đạo nhiều trường thẳng thắn đề nghị Chính phủ, Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan liên quan tiếp thu và có hướng điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết, Chỉ thị 296 cùng với Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010 – 2012 đã tạo điều kiện cho ĐHQGHN phát triển, đạt được nhiều thành tựu trong công tác quản lí chung.
Ảnh có tính chất minh họa,
Ảnh có tính chất minh họa,
Tuy nhiên, PGS. TS Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận vẫn còn nhiều băn khoăn và kiến nghị Nhà nước ưu tiên đầu tư cấp kinh phí và cơ chế sử dụng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, NCKH&CN đỉnh cao và  thực hiện Đề án xây dựng và phát triển ĐHQGHN đạt chuẩn quốc tế, trong đó được cấp kinh phí đầy đủ đáp ứng yêu cầu đào tạo sau đại học chất lượng cao. Ngoài ra, ĐHQGHN cũng đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQG với hành lang pháp lí đủ rộng để ĐHQG phát huy được hết quyền tự chủ, chịu trách nhiệm xã hội của đơn vị sự nghiệp thuộc Chính phủ, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT và các bộ, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật để sáng tạo và đổi mới, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chỉ đạo, điều phối liên kết các đơn vị trong ĐHQGHN đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển ĐHQGHN sớm đạt chuẩn quốc tế. Lãnh đạo ĐHQGHN cũng kiến nghị thêm Thủ tướng phê duyệt Quy chế về Tổ chức và hoạt động của ĐHQG theo hướng trao quyền tự chủ, chịu trách nhiệm xã hội cao hơn nữa cho ĐHQG trong một số lĩnh vực như tổ chức bộ máy, cán bộ, tài chính... Đối với Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh (ĐHQG TP. HCM), với sứ mạng đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đã tiên phong trong đổi mới quản trị đại học, luôn gắn nhiệm vụ này với định hướng xây dựng ĐHQG-HCM trở thành đại học nghiên cứu, ngang tầm với các đại học có uy tín trong khu vực và thế giới. Kế hoạch chiến lược phát triển ĐHQG TP. HCM giai đoạn 2011 – 2015 xác định rõ hoàn thiện cơ chế quản trị là khâu đột phá, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG TP.HCM đề nghị, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục đại học, đặc biệt tập trung phát triển các đại học trọng điểm quốc gia, trong đó có ĐHQGHN, ĐHQG TP.HCM trở thành các đại học nghiên cứu mạnh, ngang tầm khu vực và quốc tế. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sớm ban hành chiến lược phát triển hệ thống giáo dục đại học, đồng thời hỗ trợ nguồn lực để các cơ sở giáo dục đại học phát triển nhanh, đúng hướng và bền vững.  PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng nêu quan điểm, để thực sự đổi mới quản lý giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng thực hiện nghiêm túc quy chế 3 công khai hằng năm; có chế độ kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các trường và tính xác thực của các số liệu công bố. Rà soát chuẩn đầu ra của các trường theo hướng đối sánh mức độ đạt được của sinh viên tốt nghiệp so với chuẩn đầu ra của nhà trường làm cơ sở để điều chỉnh, hoàn thiện chuẩn đầu ra theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động. Đảm bảo đội ngũ giảng viên cơ hữu theo quy định; chấm dứt tình trạng đại học dạy đại học và giảng viên lên lớp quá nhiều giờ so với quy định. Ngoài ra các trường cần tăng cường liên kết với doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo của trường, gắn đào tạo với thực tiễn xã hội; coi doanh nghiệp là một trong những yếu tố của quá trình đào tạo, tham gia xây dựng, đánh giá phản biện chương trình. Cùng quan điểm, PGS-TS Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội) cho biết, để thực hiện tốt vấn đề quản lí trong giáo dục đại học thời gian sắp tới Nhà nước và Bộ tiếp tục nghiên cứu để có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với Nhà giáo, tạo điều kiện để các Trường đại học có thể  thu hút được những người giỏi về làm giảng viên. Nhà nước có cơ chế để cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm với các nhà trường khi sử dụng lao động do nhà trường đào tạo; coi trọng chất lượng thực sự của Kỹ sư khi tuyển dụng. Điểm chung trong những ý kiến “hiến kế” từ các trường là Bộ GD&ĐT phân cấp cho các Trường; thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn nữa đối với các Trường đi đôi với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hạn chế các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh trong đào tạo. GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần quan tâm hỗ trợ nhà trường trong cơ chế, chính sách nhằm tăng thêm cơ sở vật chất phục vụ cho việc đáp ứng nhu cầu học tập và hỗ trợ học tập cho sinh viên.
Giai đoạn 2011-2015 các trường xây dựng và công bố chuẩn đầu ra

Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đến ngày 31/12/2012 đã có 404/420 trường đại học, cao đẳng (đạt tỷ lệ 96%) tổ chức rà soát, bổ sung các chỉ số hoặc xây dựng mới chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.

Trên cơ sở công văn hướng dẫn xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo của Bộ GD&ĐT, các trường đã xây dựng, ban hành chuẩn đầu ra cho từng ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng và công bố trên trang thông tin điện tử của trường. Đến nay, đã có 385/420 trường đại học, cao đẳng (đạt tỷ lệ 91,7%) xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo.
Xuân Trung