Các thông tư xếp hạng giáo viên vẫn còn kẽ hở cho chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

06/12/2021 06:42
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc yêu cầu giáo viên nộp bản cứng chứng chỉ tin học, ngoại ngữ làm "minh chứng" là đi ngược lại với tinh thần bỏ “giấy phép con” của thông tư 01, 02, 03, 04.

Các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, quy định trong Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, được giáo viên gọi là “giấy phép con”, đã “hành hạ” giáo viên một thời gian dài.

Đã có nhiều bài viết phân tích của các nhà giáo đang đứng lớp chỉ ra, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp trong Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, không có tác dụng nâng cao chất lượng dạy học, nó chỉ tạo ra một “thị trường mua bán chứng chỉ”, gieo mầm sự giả dối vào giáo dục.

Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet.

Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet.

Trước thực tế đó, nhiều cơ quan ban ngành, từ địa phương đến trung ương, đã đề xuất bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp, trong hồ sơ của giáo viên.

Chùm thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập, đã không còn quy định yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Tuy nhiên, các thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT lại thay yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học bằng quy định “Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao” khiến thực tế nhiều nơi nhà giáo vẫn bị yêu cầu phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ làm minh chứng.

Giáo viên vẫn phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ làm minh chứng

Người viết nhận được chia sẻ của một giáo viên (xin giấu tên và địa phương công tác): “Chúng em cứ ngỡ giáo viên hết thời phải chịu “giấy phép con” chứng chỉ tin học, ngoại ngữ hành hạ; vậy mà, niềm vui chẳng được bao lâu.

Chúng em lại đi công chứng các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, làm minh chứng, nộp cho nhà trường, để chuyển đổi chức danh nghề nghiệp.

Khổ nhất là mấy người “cả tin”, khi nghe nói giáo viên không cần chứng chỉ tin học, ngoại ngữ nữa, nay chạy đôn chạy đáo khi nhà trường yêu cầu phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ làm minh chứng cho khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, khả năng sử dụng ngoại ngữ”.

Các địa phương khi thực hiện bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy theo thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT đã liệt kê các loại “minh chứng” yêu cầu giáo viên nộp, để nhà trường họp xét, xếp hạng.

Điều đáng buồn, các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ vẫn phải có (phô tô, công chứng, hoặc nhà trường xác nhận đã đối chiếu với bản gốc). Bạn đọc có thể tham khảo tại đây.

Vô hình trung, các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ một lần nữa “sống dậy”, tiếp tục hành hạ giáo viên.

Đôi điều kiến nghị

Các cơ sở giáo dục cần phải thực hiện nghiêm túc, loại bỏ yêu cầu các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ làm minh chứng khi tiến hành thực hiện bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ [1].

Thứ hai, khi sửa đổi các thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, kính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu làm rõ quy định minh chứng cho yêu cầu “Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”.

Trong trường hợp không thể mô tả rõ yêu cầu này, tốt nhất nên bỏ, đừng tạo ra kẽ hở để cơ sở vận dụng và hành giáo viên, bất chấp ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Nội vụ.

Bởi lẽ Điều 8, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ:

"Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu."

"Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác."

Quy định “Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao” tại các thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT như trên là rất "chung chung", nên gây khó cho cơ sở khi vận dụng, bởi nếu không có "chứng chỉ" thì lấy gì minh chứng cho "khả năng ứng dụng công nghệ thông tin", "khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc"?

Nếu không có chứng chỉ, giáo viên có thể phải qua một kỳ kiểm tra/thi cử tốn kém, vô bổ còn khổ hơn nữa.

Đồng thời, người viết cho rằng các sở giáo dục và đào tạo cần tham mưu địa phương tạm dừng thực hiện bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy theo thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung, tránh tình trạng vừa xếp hạng xong lại phải thay đổi, khổ cho cả nhà giáo lẫn các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý địa phương.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dangcongsan.vn/giao-duc/bo-noi-vu-de-nghi-bo-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-595287.html

[2] Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai