Các Hiệu trưởng ở Vũng Tàu tâm tư gì khi được yêu cầu xuống dạy phụ đạo lớp 1?

15/05/2021 06:59
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để cải thiện tốt hơn chất lượng của học sinh thì bất cứ ai cũng phải có tinh thần, trách nhiệm, không phân biệt người đó đang ở vị trí nào trong trường.

Qua đợt dạy phụ đạo tăng cường với thời gian 1 tháng rưỡi nhưng đã kéo giảm tỷ lệ các học sinh yếu về kỹ năng đọc, viết, tính toán từ 9,4% xuống còn 4.9% mà ngành giáo dục tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm được, dư luận đặc biệt chú ý đến một số chỉ đạo trong công văn của Sở này gửi cho các trường. Cụ thể, trong văn bản này yêu cầu, nếu các trường không có đủ giáo viên để bố trí dạy thì lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm phụ trách các lớp phụ đạo này.

Trong trường hợp phải đích thân xuống dạy các lớp này thì những Hiệu trưởng này có suy nghĩ gì và trên thực tế họ đã làm những công tác nào trực tiếp để việc phụ đạo ở Bà Rịa - Vũng Tàu bước đầu đạt được những kết quả tốt đẹp như vậy. Các Hiệu trưởng nơi đây còn bộn bề với công việc hành chính thì họ có thể cân đối được thời gian để thực hiện đúng những chỉ đạo của Sở ban ra hay không.

Hiệu trưởng cũng có định mức 2 tiết dạy phụ đạo

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Nhàn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thắng Nhất (Thành phố Vũng Tàu) cho biết: "Trước hết, đây là chỉ đạo của Sở yêu cầu mọi lực lượng đều phải tham gia vào công cuộc nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Qua đó chúng tôi thấy, đây là việc làm cần thiết và ý nghĩa nên khi có hướng dẫn thực hiện của Sở là chúng tôi bắt tay vào việc ngay không suy nghĩ gì cả.

Bên cạnh đó, trong đợt phụ đạo vừa rồi ở trường Tiểu học Thắng Nhất, riêng Hiệu trưởng và phó Hiệu trưởng đều có định mức là 2 tiết dạy. Ngoài các giáo viên được phân công trực tiếp giảng dạy thì lãnh đạo nhà trường cũng đóng vai trò vào việc tư vấn các phương pháp dạy và kiểm tra, khảo sát học sinh.

Phần lớn các thầy cô trong trường khi phụ trách các lớp này cũng rất tự giác, có trách nhiệm với những học sinh của mình nên hầu hết đều thực hiện tốt công việc được giao. Vì thế, quá trình thực hiện chương trình này với những Hiệu trưởng như thôi cũng bớt đi phần nào vất vả.

Cô Trần Thị Nhàn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thắng Nhất (Thành phố Vũng Tàu). Ảnh: Nhà trường cung cấp

Cô Trần Thị Nhàn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thắng Nhất (Thành phố Vũng Tàu). Ảnh: Nhà trường cung cấp

Thông qua đó họ cũng nêu ra một số phương pháp thích hợp cho những học sinh trong giờ phụ đạo trên lớp hoặc phối hợp với phụ huynh trong việc ổn định về tâm lý cho các em. Chúng tôi cũng sẽ bố trí các với giáo viên để thay phiên nhau để kèm cặp cho học sinh trong lớp phụ đạo, các lớp này sẽ được học đều đặn vào tiết thứ 4 của buổi chiều từ thứ 2 đến thứ 6.

Riêng cô phó Hiệu trưởng nhiều khi thấy chưa yên tâm còn trực tiếp vào lớp tham gia ngồi dự cùng với các giáo viên để nắm bắt tình hình. Khi ấy, không chỉ với vai trò là tham mưu cho lãnh đạo mà cô ấy còn tư vấn, hướng dẫn cho các giáo viên các phương án tốt hơn để cải thiện tình hình học tập cho các học sinh.

Dẫu biết rằng trách nhiệm chính với các lớp phụ đạo vẫn là của các giáo viên phụ trách nhưng với vai trò là người đứng đầu, khi có chương trình thiết thực với học sinh trong trường thì chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc được. Có thể là bận rộn với công việc hành chính nhưng lãnh đạo nhà trường cũng có thể đóng góp phần nào vào công cuộc nâng cao sự tiến bộ cho học sinh thông qua việc, đứng ra để bố trí tổ chức lớp học, lịch họp phụ huynh để thông báo tình hình từng em và nắm bắt tâm lý chung của họ.

Có thể nhiều người vẫn chưa biết, vì điều kiện cơ sở vật chất không đủ nên lớp phụ đạo của trường Tiểu học Thắng Nhất còn được bố trí ngay trong phòng của Hiệu phó. Ngoài thời gian giải quyết công việc hành chính, Hiệu phó còn tham gia dự cùng lớp dạy phụ đạo để có thể hướng dẫn, chỉ đạo các giáo viên ngay trong tiết học đó luôn".

Hiệu trưởng phải là người có phương án linh hoạt khi bố trí giáo viên phụ đạo

Chia sẻ về một số cách làm cụ thể của trường theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cô Vũ Thị Việt Hoa - Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung, thành phố Vũng Tàu cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Sở đó là, sau khi kết thúc học kỳ 1 thì các Hiệu trưởng phải làm sao để nắm được tình hình về kết quả học tập của một số học sinh chậm, yếu về các kỹ năng đọc, viết, tính toán. Để làm được việc đó, chúng tôi đã phải bỏ khá nhiều thời gian để đi khảo sát trực tiếp đối với những học sinh khối lớp 1 ở trường.

Dựa trên những khảo sát đó chúng tôi sẽ ngồi lại để trao đổi cùng giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh để tìm ra các phương án tối ưu nhất. Các giải pháp được nhà trường và phụ huynh thống nhất lựa chọn đó là: Các giáo viên sẽ nắm bắt tình hình, từ đó nêu lên các hạn chế của từng học sinh theo từng mức độ để có phương án bố trí phụ đạo phù hợp.

Cô Vũ Thị Việt Hoa - Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung (Thành phố Vũng Tàu). Ảnh: Nhà trường cung cấp

Cô Vũ Thị Việt Hoa - Hiệu trưởng trường Tiểu học Quang Trung (Thành phố Vũng Tàu). Ảnh: Nhà trường cung cấp

Đồng thời chúng tôi cũng chỉ đạo việc sắp xếp lại số tiết dạy đại trà trên lớp của một giáo viên chuyên trách, những giáo viên này phải đảm bảo trống khoảng 6 tiết/tuần theo định mức thi mới được bố trí kèm cặp các em.

Ngoài tiêu chí về thời gian tham gia giảng dạy thì chúng tôi cũng lựa chọn ra đội ngũ những giáo viên nhiệt tình, kiên trì, có kinh nghiệm thích nghi với đối tượng "trẻ đặc biệt" này để công việc phụ đạo này có được thực chất, cũng như không để lãng phí thời gian của cả cô và trò trong một đợt tổ chức phụ đạo.

Không những thế, trong quá trình kèm cặp học sinh, các giáo viên phụ đạo cũng phải thường xuyên trao đổi kĩ với giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt đặc điểm, tâm sinh lí, kiến thức xem những em đó còn hổng ở chỗ nào để có phương án bồi đắp.

Trong việc này thì Hiệu trưởng sẽ tham gia vào việc chỉ đạo và sắp xếp lớp phụ đạo để làm sao cân đối với những tiết học chính các em vẫn diễn ra bình thường. Đồng thời hỗ trợ, động viên các giáo viên trực tiếp dạy để từ đó lập ra kế hoạch, đưa ra nội dung phụ đạo phù hợp. Sau mỗi tuần, Ban giám hiệu sẽ ngồi lại để tổng kết, rút kinh nghiệm báo cáo về tình hình và tiến độ của lớp phụ đạo.

Không những thế, việc ưu tiên bố trí phòng học có trang bị đầy đủ trang thiết bị đảm bảo an toàn và thẩm mĩ để tác động tích cực đến sức khỏe, tâm lí các ở đối tượng học sinh này cũng được chúng tôi đặc biệt quan tâm".

Khi được hỏi về việc Sở yêu cầu các lãnh đạo phải "xắn tay" trực tiếp vào phụ đạo cho học sinh thì những người đứng đầu nhà trường như cô có gặp phải khó khăn gì không, cô Hoa bày tỏ: "Thực ra, vì cơ chế nhân sự của nhà trường không dôi dư nhiều giáo viên nên việc ưu tiên sắp xếp, bố trí nhân lực để đảm bảo các lớp học phụ đạo này hoạt động đều đặn, bình thường cũng là bài toán nan giải.

Vì thế, Sở có yêu cầu các lãnh đạo trường phải trực tiếp tham gia giảng dạy phụ đạo cho học sinh lớp 1 cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để cải thiện tốt hơn chất lượng của học sinh thì bất cứ ai cũng phải có tinh thần, trách nhiệm, không phân biệt người đó đang ở vị trí nào trong trường và toàn thể chúng tôi cũng luôn đồng lòng để tìm ra phương án vượt qua những khó khăn đó.

Phương án của chúng tôi đưa ra cũng cần phải linh hoạt để đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ dạy học chung của toàn trường. Vì thế, không chỉ làm công tác hướng dẫn, tư vấn cho các giáo viên mà chúng tôi cũng sẵn sàng tham dự cùng các giáo viên chuyên trách để cùng phụ đạo, đảm bảo việc phụ đạo cho các học sinh này có hiệu quả nhất.

Qua đợt phụ đạo lần này chúng tôi cũng mong muốn có được sự phối hợp và đồng lòng hơn nữa từ phía phụ huynh để có thể làm tốt hơn chương trình phụ đạo vào các năm tiếp theo".

Trung Dũng