Các chuyên gia thảo luận giải pháp thích nghi mới trong giáo dục và sư phạm

24/11/2021 13:58
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh mong muốn Diễn đàn là nơi thảo luận mở, đa dạng, tôn trọng các quan điểm khác biệt.

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Diễn đàn Hà Nội lần thứ nhất về Khoa học giáo dục và Sư phạm do Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đồng tổ chức đã diễn ra.

Diễn đàn mở, tôn trọng quan điểm khác biệt

Phát biểu tại Diễn đàn, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho hay, Diễn đàn được tổ chức với mong muốn trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm, chuyên môn học thuật của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về lĩnh vực khoa học giáo dục và sư phạm; những xu hướng, trường phái, các phương pháp nghiên cứu trên thế giới và thực tiễn vận dụng vào Việt Nam, tạo môi trường học thuật cho người học, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước trong lĩnh vực khoa học giáo dục và sư phạm theo chuẩn mực quốc tế.

Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cũng mong muốn Diễn đàn Hà Nội về Khoa học giáo dục và Sư phạm sẽ trở thành sự kiện thường niên.

Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Đại học Giáo dục. (Ảnh chụp màn hình)Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Đại học Giáo dục. (Ảnh chụp màn hình)

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh mong muốn Diễn đàn là nơi thảo luận mở, đa dạng, tôn trọng các quan điểm khác biệt.

“Diễn đàn sẽ là nơi chia sẻ những ý tưởng, những suy nghĩ chưa phải là những nghiên cứu hoàn chỉnh bên cạnh những nghiên cứu công phu, hoàn chỉnh”, Giáo sư Thanh cho hay.

Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, việc Diễn đàn đặt vấn đề về giáo dục và sư phạm không phải là để đối lập chúng, mà để cùng nhau tìm hiểu cặn kẽ hơn và có cách tiếp cận phù hợp về khoa học giáo dục và sư phạm

Theo thống kê, Ban tổ chức đã nhận và phản biện 88 bài, trong đó có 57 bài được lựa chọn bởi Hội đồng và Ban biên tập gồm các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín và chuyên môn sâu trong lĩnh vực giáo dục. Quy trình phản biện đảm bảo tính công bằng, khách quan và nghiêm túc. Các bài báo được được xuất bản bằng tiếng Anh, đáp ứng các tiêu chí của HaFPES 2021.

Giáo sư, Tiến sỹ Philip G. Altbach (Đại học Boston, Hoa Kỳ). Ảnh chụp màn hình.Giáo sư, Tiến sỹ Philip G. Altbach (Đại học Boston, Hoa Kỳ). Ảnh chụp màn hình.

Tại diễn đàn, Giáo sư, Tiến sỹ Philip G. Altbach (Đại học Boston, Hoa Kỳ) đã có những chia sẻ về sự phát triển của giáo dục đại học và ảnh hưởng của Covid-19 đến thế giới, trong đó đặc biệt là ảnh hưởng tới Việt nam.

Giáo sư nhận định, các trường đại học trên thế giới đang hợp tác chặt chẽ với nhau trong môi trường học thuật. Đồng thời ông cũng cho rằng các trường đại học cần tập trung hơn việc nghiên cứu khoa học là cần thiết.

Theo ông, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục đại học, công nghệ hoá bài giảng được các trường sử dụng nhiều hơn. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra và phát triển mạnh hơn trong và sau đại dịch Covid-19.

Chuyển đổi số trong dạy học

Tại Diễn đàn, Tiến sỹ Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục (Trường Đại học Khoa học Giáo dục) đã chia sẻ về chuyển đổi số trong dạy học online.

Tiến sỹ Cường nhận định, hiện nay phương thức dạy học của chúng ta chủ yếu triển khai theo dạy học online, xu thế này phát triển mạnh thì chúng ta cần có đánh giá, phân tích, chia sẻ, áp dụng phù hợp nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho cả người dạy và người học.

Tiến sĩ Cường nhận định, phương thức dạy học mới ra đời có hình dạng nào đi chăng nữa thì online là ảo, còn việc học luôn luôn là thật, bởi nó được diễn ra giữa người dạy và người học, với sự hiện hữu của chương trình giáo dục.

Trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta nói đến câu chuyện chuyển đổi số trong giáo dục, nó liên quan đến nhiều yếu tố, lĩnh vực.

Điều này đặt ra nhiều câu hỏi cho các nhà giáo dục và sư phạm là liệu có một hệ lý luận nào được ra đời hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số không? Hay có biện pháp, nguyên tắc hay thậm chí kỹ thuật dạy học trong môi trường tương tác nhưng không trực tiếp như vậy hay không?

Tiến sỹ Tôn Quang Cường phát biểu. (Ảnh: chụp từ màn hình)Tiến sỹ Tôn Quang Cường phát biểu. (Ảnh: chụp từ màn hình)

Tiến sỹ Cường cho rằng, chúng ta phải hướng đến người học khi họ hướng đến hoạt động cụ thể, lớp học thông minh phải là những người học thông minh, biết sử dụng công cụ thông minh để thực hiện nhiệm vụ yêu cầu của việc học và dạy học.

Như vậy, trong môi trường ảo, cận ảo đan xen, chúng ta muốn gì ở người học thì mục tiêu cuối cùng người học phải đạt được, tạo ra, chứng tỏ giá trị của việc học được gia tăng đáng kể nhờ việc học này.

Theo thầy Cường, chúng ta phải kiên định 3 vấn đề gồm: mục tiêu dạy học (các nhà giáo dục phải để ý xây dựng chương trình mang tính sát thực trong môi trường ảo, thực ảo đan xen); nội dung dạy học thì phải cụ thể hóa và nhúng vào môi trường thực ảo; hoạt động học tập của người học, cuối cùng phải ra những sản phẩm rất thật chứ không phải ảo.

Thầy Cường cũng đề xuất câu chuyện dạy học thông minh trong quá trình chuyển đổi số: thứ nhất là phải hiểu đúng, nhận thức rõ ràng thực tế, việc dạy học không còn dừng ở truyền thụ kiến thức và tập huấn kĩ năng, mà nó phải là tạo ra giá trị thực, được thực hiện bởi chính chủ thể là người học.

Như vậy, việc chuyển hóa một giờ học trực tiếp sang giờ học online thì chúng ta phải tuân thủ những nguyên tắc mới. Trong đó, vai trò của người dạy chắc chắn phải thay đổi, và vai trò của người học cũng không giống trước đây.

Tiếp đó, chúng ta phải có cách đặt vấn đề để đúng người, đúng chỗ, đúng nội dung.

Ví dụ như trạng thái dạy học phổ biến khi dạy học online là chúng ta video hóa bài giảng, hay livestream phần chuyển tải nội dung nào đó, trong khi chúng ta quên mất là người học hoàn toàn có thể tiếp cận được với sự trợ giúp của công nghệ.

Cuối cùng là dùng công cụ đúng cho phù hợp, sử dụng cho nó hiệu quả. Ví dụ như tạo cho người học có cơ hội học tập một cách liền mạch, cá thể hóa cao độ…

Đối với lớp học thông minh thì chúng ta có một nền tảng hội tụ các yếu tố liên quan trong quá trình dạy học như nền tảng, công cụ và học liệu.

Mạnh Đoàn