Cả nước có hơn 4.000 bài thi đạt điểm 10: Đề quá dễ hay học trò quá giỏi?

07/07/2017 06:37
Thùy Linh
(GDVN) - Thống kê sơ bộ từ 63 tỉnh, thành cho thấy, cả nước có hơn 4.000 bài thi đạt điểm 10, gấp nhiều lần con số của năm 2016.

Đến 17h00 ngày 6/7 tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước đều hoàn thành việc công bố kết quả thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017

Thống kê sơ bộ từ 63 tỉnh, thành cho thấy có hơn 4.000 bài thi đạt điểm 10, gấp nhiều lần con số của năm 2016. 

Đánh giá về số lượng điểm này, trao đổi với báo chí vào chiều tối 6/7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bùi Văn Ga cho rằng:

Không phải số bài thi điểm 10 tăng cao có nghĩa là đề quá dễ hoặc coi thi không nghiêm túc. Bởi lẽ, bên cạnh một số em đạt điểm 10 thì cũng có rất nhiều em đạt điểm 0, điểm 1, do đó, đề thi không phải là dễ”.

Cả nước có hơn 4.000 bài thi đạt điểm 10: Liệu có phải do đề thi quá dễ? (Ảnh: Thùy Linh)
Cả nước có hơn 4.000 bài thi đạt điểm 10: Liệu có phải do đề thi quá dễ? (Ảnh: Thùy Linh)

Theo Thứ trưởng, để đánh giá một cách chỉnh chu về kết quả thi năm 2017 và so sánh với năm 2016 thì cần phân tích sâu về cơ sở dữ liệu; cần có phổ điểm cụ thể. 

Nếu điểm 10 cao vọt lên mà điểm 0; 1; 2 quá ít thì mới là sự vô lý. Nếu phân bố đều, hình chuông, điểm 0; 1 ít, điểm 10 cũng ít thì đó là bình thường.

Đánh giá kết quả thi và chất lượng đề thi phải dựa vào phổ điểm, đừng lọc ra bao nhiêu em đạt điểm 10 để đưa ra nhận định phiến diện”, Thứ trưởng Ga nêu cụ thể. 

Cả nước có hơn 4.000 bài thi đạt điểm 10: Đề quá dễ hay học trò quá giỏi?  ảnh 2

14 tỉnh thành cuối cùng công bố điểm thi quốc gia

Được biết, hiện nay, các tổ kĩ thuật của Bộ đang phân tích kết quả đối với từng môn thi và kết quả các tổ hợp xét tuyển đại học.

Bộ sẽ sớm công bố các kết quả phân tích này để thí sinh nghiên cứu quyết định việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển của mình.

Dự kiến ngày 12/7, Hội đồng điểm sàn sẽ họp công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. 

Thứ trưởng Ga khẳng định: “Khi có số liệu đầy đủ để phân tích thì sẽ hình dung được điểm trúng tuyển vào các trường, điểm chuẩn vào các ngành khác nhau. Điều này phụ thuộc vào phổ điểm tổng hợp của 3 môn mà trường lựa chọn”. 

Nếu việc phân bố đều, không bị dốc thì việc chọn điểm chuẩn sẽ thuận lợi hơn. Bởi vì khi tăng hoặc giảm nửa điểm thì số lượng thí sinh không tăng hoặc không giảm nhiều. Đó là điều mà các trường rất mong muốn để chọn được thí sinh phù hợp.

Trong trường hợp phổ điểm bị “dốc” thì các trường buộc phải sử dụng các tiêu chí phụ để chọn học sinh sẽ vất vả hơn một chút.

Cả nước có hơn 4.000 bài thi đạt điểm 10: Đề quá dễ hay học trò quá giỏi?  ảnh 3

Công thức tính điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông

Theo tôi, phổ điểm năm nay sẽ không “dốc”. Bởi số thí sinh đạt điểm 10 nhiều, nhưng cũng nhiều em đạt điểm 0; 1 và phổ điểm tập trung chủ yếu ở vùng trung bình, tức là điểm từ từ 4 đến 6”, Thứ trưởng Ga dự đoán. 

Trước tình trạng “cơn mưa điểm 10” trong kì thi trung học phổ thông quốc gia năm nay, nhiều ý kiến lo ngại rằng điểm cao sẽ làm khó các trường đại học trong công tác tuyển sinh.
 
Ông Kiều Xuân Thực -  Trưởng phòng đào tạo Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, về mặt lý thuyết, điểm cao sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh. Điểm thi cao thì điểm trúng tuyển sẽ phải tăng lên. Hiện chưa có phổ điểm nên trường chưa bàn đến tuyển sinh.  

Trong khi đó, Thạc sĩ Đinh Đức Hiền – giáo viên luyện thi môn Sinh học cho rằng, mặc dù Bộ chưa công bố phổ điểm nhưng với tình trạng nhiều điểm 10 như hiện nay cho thấy điểm thi của các thí sinh sẽ tăng cao.

Điều này sẽ gây khó khăn cho các trường trong việc xét tuyển, kéo theo điểm chuẩn tăng, các trường có lẽ sẽ phải xây dựng rào cản tiêu chí phụ, hay ưu tiên nguyện vọng để tuyển theo đúng chỉ tiêu đã đăng ký trước đó với Bộ Giáo dục và Đào tạo" - Thạc sĩ Hiền nêu quan điểm. 

Thùy Linh