Cá nhân biên soạn sách giáo khoa phải là công dân Việt Nam

04/02/2020 06:23
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Dự thảo, các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa không nhất thiết cần đăng ký và nộp bản thảo sách giáo khoa đến nhà xuất bản như hiện nay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 33 để xin ý kiến dư luận đến hết ngày 01/04/2020. 

Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung của quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Cụ thể, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 Thông tư 33 về quy trình biên soạn sách giáo khoa quy định tổ chức, cá nhân biên soạn, hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa như sau:

“Tổ chức đáp ứng quy định thực hiện việc biên soạn, biên tập, thực nghiệm, hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa.

Cá nhân biên soạn sách giáo khoa đăng ký và nộp bản thảo sách giáo khoa đến tổ chức đáp ứng quy định hoặc nhà xuất bản được thành lập theo quy định của pháp luật, trong đó việc tổ chức xuất bản sách giáo khoa phải được ghi trong giấy phép thành lập nhà xuất bản để thực hiện việc biên tập, thực nghiệm, hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa.

Nhà xuất bản hoặc tổ chức có sách giáo khoa được thẩm định hoàn thiện bản mẫu sách giáo khoa sau thẩm định".

Như vậy, các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa không nhất thiết cần đăng ký và nộp bản thảo sách giáo khoa đến nhà xuất bản như hiện nay.

Theo Dự thảo, các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa không nhất thiết cần đăng ký và nộp bản thảo sách giáo khoa đến nhà xuất bản như hiện nay. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Theo Dự thảo, các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa không nhất thiết cần đăng ký và nộp bản thảo sách giáo khoa đến nhà xuất bản như hiện nay. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Điều 18 của Thông tư 33 về đơn vị đề nghị thẩm định sách giáo khoa cũng được sửa đổi, bổ sung: “Đơn vị đề nghị thẩm định sách giáo khoa là tổ chức đáp ứng quy định hoặc nhà xuất bản được thành lập theo quy định của pháp luật, trong đó việc tổ chức xuất bản sách giáo khoa phải được ghi trong giấy phép thành lập nhà xuất bản”.

Tuy nhiên, tổ chức biên soạn sách giáo khoa phải đáp ứng điều kiện được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; có đội ngũ biên tập viên đảm nhận việc biên tập, hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa. Nội dung này cũng được sửa đổi, bổ sung vào khoản 3 Điều 10 của Thông tư 33 hiện hành.

Dự thảo thông tư mới cũng quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn cá nhân biên soạn sách giáo khoa.

Trao toàn quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các nhà trườngNội dung
Trao toàn quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các nhà trườngNội dung

Theo đó, người biên soạn sách giáo khoa không chỉ phải đáp ứng các tiêu chuẩn như có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với sách giáo khoa được biên soạn; có đầy đủ quyền công dân, phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt như trước đây mà còn phải đạt điều kiện “là công dân Việt Nam”.

Cũng theo dự thảo, việc thẩm định các sách giáo khoa mới khắt khe hơn.

Cụ thể, điểm c khoản 1 Điều 17 của Thông tư 33 được bổ sung sửa đổi khi hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa yêu cầu việc “thuyết minh về bản mẫu sách giáo khoa đề nghị thẩm định, bao gồm: tên sách giáo khoa; tên tác giả, chủ biên, tổng chủ biên (nếu sách có chủ biên, tổng chủ biên); mục đích biên soạn, đối tượng và phạm vi sử dụng; cấu trúc, nội dung; quá trình và kết quả thực nghiệm bảo đảm sự phù hợp với chương trình, tính khoa học, tính sư phạm, tính khả thi và độ tin cậy; các thông tin liên quan khác (nếu có)".

Thùy Linh