Buộc có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học làm gì nếu giáo viên không có cơ hội?

30/07/2020 06:10
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với hệ thống trường công lập yêu cầu phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, nhưng giáo viên họ không có cơ hội để thể hiện.

“Quy trình tuyển chọn giáo viên thì với hệ thống trường tư thục nói chung và Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm nói riêng chúng tôi luôn chặt chẽ từ khâu tuyển hồ sơ.

Thứ nhất với vòng tuyển hồ sơ, chúng tôi thẩm định khả năng chuyên môn trong quá trình học ra sao, hoặc nơi họ đã công tác trước đó.

Vòng thứ hai với bài thi giảng trên lớp trong 2 tiết với sự có mặt dự giờ của tổ chuyên môn và ban giám hiệu, nếu đạt sẽ thi tiếp vòng thứ 3.

Đây là vòng thi làm bài kiểm tra với đề riêng của nhà trường, giáo viên phải biên soạn 1 đáp án chi tiết để chấm điểm cho đề thi đó, thông qua bài thi này sẽ đánh giá kỹ năng làm việc, hướng dẫn soạn giải và cách nhìn nhận của giáo viên trong việc phân hóa học sinh ở từng câu hỏi.

Chỉ những giáo viên đạt yêu cầu sau 3 vòng thi trước sẽ được vào vòng thứ 4 phỏng vấn trực tiếp của lãnh đạo của nhà trường.

Qua cả 4 vòng thi trên đạt yêu cầu thì giáo viên mới được kí hợp đồng học việc 1 năm và nếu không đạt vẫn có thể bị đào thải.

Những kỹ năng về tin học, ngoại ngữ thì hàng năm ban giám hiệu nhà trường vẫn mời các chuyên gia đến bồi dưỡng cho các giáo viên với mục đích cập nhật và nâng cao trình độ.

Hàng năm vào dịp hè, chúng tôi tổ chức rất nhiều các đoàn học sinh của trường tham dự học hè tại nước ngoài, vì vậy giáo viên cần phải có kỹ năng về ngoại ngữ để dẫn dắt học sinh.

Vậy nên theo Luật Giáo dục yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ tin học và ngoại ngữ thì các trường tư thục như chúng tôi không có vấn đề gì đáng phải lo vì các giáo viên họ đều có trình độ thực chất.

Chúng tôi luôn cần những giáo viên thực sự có năng lực tốt, chứ chúng tôi không cần những chứng chỉ cho đẹp hồ sơ”, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Vũ Anh Tú - Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm, cho biết.

Học sinh trường trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm, ảnh do nhà trường cung cấp.

Học sinh trường trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm, ảnh do nhà trường cung cấp.

Theo cô Tú: “Với mong muốn luôn luôn đào tạo và tồn tại đội ngũ giáo viên kế cận nên hàng năm chúng tôi vẫn phối hợp với Trường Đại học Sư phạm 1 để tuyển các sinh viên lớp chất lượng cao.

Giáo viên sau khi qua 4 bước thi tuyển nghiêm ngặt thì một năm đầu tiên của họ tại trường sẽ là học việc, học nghiệp vụ văn phòng, nghiệp vụ khối chuyên môn…cũng như nhiều kĩ năng thực tế.

Ngoài ra mỗi giáo viên học việc sẽ được một giáo viên giỏi của nhà trường kèm cặp trực tiếp, từ lên lớp, giảng dạy…và hàng tháng sẽ có báo cáo nhận xét của tổ bộ môn gửi lên ban giám hiệu.

Như vậy là giáo viên trẻ sẽ học được cả kinh nghiệm và phương pháp đứng lớp qua những thử thách về chuyên môn, văn phòng cũng như công tác chủ nhiệm.

Sau 1 năm đó, nếu giáo viên nào đạt yêu cầu của nhà trường sẽ được phân công giảng dạy, còn với những giáo viên chưa đạt sẽ được bồi dưỡng thêm hoặc có thể phải đi tìm công việc khác.

Hơn nữa, giáo viên thi được vào Trường Đoàn Thị Điểm nhưng cũng không có nghĩa là mãi mãi mà hàng năm vẫn có đào thải nếu như không bắt nhịp được với yêu cầu của nhà trường, chính vì vậy mà các giáo viên của nhà trường luôn tự học hỏi nâng cao trình độ theo từng năm”.

Bổ nhiệm và bố trí giáo viên

Cô Tú chia sẻ: “Quan điểm của ban giám hiệu luôn tạo điều kiện cho các giáo viên trẻ mới vào trường được học việc, được học tập và phát triển. Sau 1 năm học việc những giáo viên này được xem xét đưa vào đứng những lớp ở đầu cấp.

Sau vài năm giảng dạy, họ sẽ được đánh giá phát triển tốt về nghiệp vụ thông qua kết quả điểm thi học kỳ của học sinh, được phụ huynh tin tưởng… thì sẽ được rút lên dần theo học sinh tới cuối cấp và thậm chí là lên đến khối 12.

Những giáo viên ở cùng khối cũng đều được đánh giá, hàng năm chúng tôi lựa chọn và rút từ 1 đến 2 giáo viên nổi bật sẽ theo học sinh lên khối 8 hoặc 9, nếu không đạt thì vẫn phải ở lại khối cũ hoặc thậm chí chỉ lên được 1 lớp

Vậy nên chúng tôi đào tạo giáo viên trẻ ở cả 2 nghĩa, thứ nhất là đào tạo nghiệp vụ từng mảng một, thứ hai là đào tạo với những bậc học, khóa học cần phải có nghiệp vụ ngay.

Luôn luôn có 2 nấc, với nấc đầu tiên giành cho giáo viên mới vào trường được học nghiệp vụ đều tất cả, nấc thứ hai sau một năm sẽ được phân công đứng lớp.

Một giáo viên thông thường khi phụ trách lớp nếu ở môn nhiều tiết sẽ được đứng từ 3 đến 4 lớp, và ở môn ít tiết sẽ được đứng từ 15 đến 20 tiết. Có thể hiểu với 20 tiết nếu ở môn Địa lớp 12 thì giáo viên đó sẽ đứng khoảng 5 lớp 12.

Còn lại 15 tiết kia giáo viên sẽ đứng ở lớp 10 và lớp 11, bắt buộc phải trải qua lớp 10 và 11 thì mới dạy được chương trình 12.

Cũng như vậy, với môn nhiều tiết giáo viên không thể đứng cùng lúc 4 lớp 12 mà chỉ được phép đứng 1 lớp, dần dần có độ ngấm theo từng năm cũng như có thêm kinh nghiệm.

Thực tế có giáo viên mới ra trường với bằng tốt nghiệp loại giỏi xuất sắc nhưng mức độ nghiệp vụ sư phạm chưa chắc đã đạt, và cũng có giáo viên tốt nghiệp bằng khá nhưng lại dạy rất chắc và thu hút được học sinh”.

Các em học sinh Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Các em học sinh Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm trong giờ học ngoại khóa. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Vào trường rồi vẫn luôn phải phấn đấu

Theo cô Tú: “Những giáo viên lâu năm của nhà trường cũng vẫn phải thường xuyên nâng cao trình độ, chính vì vậy tại Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm có thêm một hệ thống song song là giáo viên thỉnh giảng.

Đây là những giáo viên giỏi được ban giám hiệu mời về từ hệ thống các trường chuyên Ngữ, chuyên Toán, chuyên Văn…và sẽ tham gia giảng dạy 1 lớp tại trường.

Những giáo viên tốt của trường chúng tôi thường được chọn để dạy những lớp Top đầu, lớp giỏi nhưng việc đó vẫn cần phải có sự cạnh tranh thật chất lượng để giáo viên của trường không bị sức ỳ kéo lại.

Chính vì vậy chúng tôi vẫn đan xen giáo viên thỉnh giảng vào các khối với với những giáo viên cơ hữu của trường.

Khi giáo viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy ở trong trường mà giáo viên cơ hữu của trường không khẳng định được mình, không hơn được giáo viên thỉnh giảng thì là điều đáng tiếc.

Việc đánh giá giáo viên cơ hữu của trường và giáo viên thỉnh giảng chính là kết quả điểm thi của các em học sinh và mức độ tín nhiệm của học sinh với giáo viên đó.

Nếu giáo viên tốt thì học sinh cũng như tập thể phụ huynh của lớp đó sẽ đề đạt bằng được để giáo viên đó dạy và theo lớp trong những năm tiếp theo.

Chính vì vậy mà các giáo viên trong nhà trường luôn luôn cố gắng hoàn thiện và khẳng định mình trước những sự cạnh tranh hàng ngày, và nhà trường chọn giáo viên thỉnh giảng đứng cùng đội ngũ thì có thể hiểu là nhà trường muốn chọn những giáo viên tốt nhất.

Giáo viên trẻ mới vào trường thì có áp lực từ giáo viên lâu năm, vậy giáo viên lâu năm cũng nên có áp lực từ những giáo viên thỉnh giảng. Vừa tạo áp lực cạnh tranh đồng thời tạo ra những mũi nhọn về chuyên môn cho học sinh.

Giáo viên thỉnh giảng hàng năm được ban giám hiệu mời về trường dạy ở tất cả các môn và chiếm 15% so với số lượng giáo viên của nhà trường, việc này liên tục từ nhiều năm qua và chúng tôi cũng không có ý định dừng mời giáo viên thỉnh giảng.

Hiện nay theo thống kê và đánh giá của chúng tôi thì hàng năm lượng sinh viên các lớp cử nhân tài năng và lớp xuất sắc sau khi ra trường thì hầu hết đều đổ về hệ thống trường tư thục.

Bản thân nhà trường chúng tôi cũng chỉ tuyển giáo viên sư phạm ở những trường có điểm tuyển đầu vào cao như Đại học Sư phạm 1…”

Các thế hệ giáo viên của Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Các thế hệ giáo viên của Trường Trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Cần những kỹ năng thực sự

Cô Tú cho biết: “Trường chúng tôi thì 100% các lớp học đều được kết nối mạng Internet và có màn hình trình chiếu, vậy học sinh sẽ cảm nhận ra sao khi giáo viên không biết sử dụng hoặc không thành thạo công nghệ thông tin trong các tiết học.

Còn chứng chỉ tin học hay ngoại ngữ được yêu cầu với tất cả các giáo viên thì tôi cho là chưa sát với thực tế, hơn nữa thầy cô sẽ rất khó có điều kiện để chứng minh kỹ năng này vì một số nơi chưa có màn hình trình chiếu kết nối mạng Internet.

Vậy nên trong 1 năm để thực hiện được việc soạn giáo án điện tử thì nhiều giáo viên phải đăng kí trước hàng tháng thì mới có phòng, vậy cho nên người phải chịu thiệt thòi trong thời đại 4.0 hiện nay chính là các em học sinh chứ không phải là đội ngũ các giáo viên.

Ở trường của chúng tôi thì các thiết bị công nghệ thông tin được bày sẵn tất cả ra trước mắt, giáo viên chỉ việc sử dụng hàng ngày.

Trong chỉ tiêu giáo viên chúng tôi đã áp rất rõ 1 năm phải đạt trên 70% số giáo án và giờ dạy trên lớp có sử dụng công nghệ thông tin”.

Tùng Dương